Căn cứ để xử lý hình sự hai đối tượng cho vay lãi nặng gần 400% năm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHai đối tượng Lê Đức Giao và Hoàng Văn Thắng bị Công an thành phố Tuy Hòa bắt điều tra về hành vi cho vay nặng lãi (Ảnh: Công an TP Tuy Hòa) |
Cho vay lãi suất từ 282 - 386%/năm
Cơ quan Cảnh sát Điều tra, CATP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Lê Đức Giao, SN 1986 và Hoàng Văn Thắng, SN 1996, cùng trú tại TP Hải Phòng về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Qua công tác nắm tình hình, CATP Tuy Hòa phát hiện Lê Đức Giao và Hoàng Văn Thắng cùng đồng bọn thực hiện việc dán, phát tờ rơi quảng cáo nội dung “cho vay trả góp ngày với lãi suất thấp” để người dân tham gia vay tiền.
Tháng 2/2024, CATP Tuy Hòa xác lập chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng này. Bước đầu xác định trong khoảng thời gian từ năm 2022-2024, các đối tượng cho nhiều người dân trên địa bàn TP Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa và huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên vay số tiền hơn 2,6 tỷ đồng, với lãi suất từ 282-386%/năm; số tiền thu lợi bất chính 1,35 tỷ đồng.
Sau khi củng cố tài liệu, thu thập chứng cứ, ngày 28/8, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, CATP Tuy Hòa bắt giữ Lê Đức Giao và Hoàng Văn Thắng cùng đồng bọn khi đang hoạt động tại TP Tuy Hòa, TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của các đối tượng, lực lượng CA thu giữ 200 bộ hồ sơ vay tiền, 14 điện thoại di động, 3 xe môtô, một bao tải chứa nhiều tờ rơi quảng cáo và 5.000.000 đồng tiền mặt.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra, CATP Tuy Hòa đang tiếp tục củng cố hồ sơ và điều tra mở rộng số đối tượng còn lại trong vụ án theo quy định của pháp luật. Đồng thời thông báo đến người dân vay tiền của các đối tượng trên liên hệ Cơ quan Cảnh sát điều tra, CATP để được hướng dẫn, giải quyết.
Tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” được quy định như thế nào?
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, vay tiền hay nói cách khác là vay tài sản là quan hệ dân sự, được pháp luật cho phép. Trong đời sống xã hội ngày nay, người này cho người khác vay tài sản trên tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cho vay để lấy lãi, thậm chí thành lập ra các tổ chức “tín dụng đen” chuyên thực hiện hoạt động cho vay. Một số đối tượng đã tổ chức cho vay, lợi dụng khó khăn của người vay tiền với lãi suất cao, cầm cố tài sản, thậm chí lợi dụng khó khăn của người vay tiền để chiếm đoạt tài sản
Để đảm bảo quyền lợi của bên cho vay và bên đi vay, Nhà nước đã quy định trong Bộ luật Dân sự về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ vay tài sản. Đặc biệt là về lãi suất trong Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định lãi suất cho vay do hai bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20 % một năm.
Các bên có thể thỏa thuận với nhau về số tiền vay, thời hạn vay, thời hạn trả nợ, phương thức trả nợ, thỏa thuận về lãi suất nhưng không được vượt quá mức lãi suất mà Nhà nước quy định. Nếu cho vay mà vượt quá mức lãi suất quy định là trái pháp luật, phần vượt quá sẽ không được pháp luật bảo hộ, nếu có tranh chấp thì người đi vay tiền chỉ phải trả mức lãi suất không quá 20 % một năm. Trường hợp cho vay vượt quá 5 lần mức lãi suất cao nhất Nhà nước quy định, thu lợi bất chính 30.000.000 đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
“Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 đang áp dụng hiện nay thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm, tức hằng tháng người cho vay tiền chỉ được lấy lãi suất tối đa là 1.66%/tháng. Trường hợp người cho vay với lãi suất vượt quá năm lần mức lãi suất cao nhất nhà nước quy định, thu lợi bất chính 30.000.000 đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt có thể tới 3 năm tù” - luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy người vi phạm trong vụ án đã thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, toàn bộ số tiền dùng để cho vay nặng lãi sẽ bị tịch thu vì xác định đây là phương tiện phạm tội, số tiền lãi suất cao cũng sẽ bị thu hồi để trả lại cho người bị hại
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, để ngăn chặn hiệu quả hoạt động “tín dụng đen”, bên cạnh việc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh triệt xóa các ổ nhóm cho vay nặng lãi của lực lượng chức năng và những giải pháp của ngành ngân hàng nhằm đơn giản hóa thủ tục vay vốn và giải ngân nhanh thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không tiếp tay cho những hoạt động của bọn tội phạm, không tham gia vay mượn, cầm cố khi không thật cần thiết; khi có sự việc xảy ra cần báo với cơ quan chức năng giải quyết vụ việc.
Thanh thiếu niên chặt biển số xe sẽ bị xử lý thế nào? | |
Tình huống pháp lý vụ dùng điện bẫy chuột gây chết người |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại