Cần có tiêu chí rõ ràng cho hàng gắn mác Made in Vietnam
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCắt mác để thành… Made in Vietnam
Ở khắp các con phố ở Hà Nội, không khó để gặp những cửa hàng thời trang có biển hiệu Hàng Việt Nam xuất khẩu hoặc Made in Vietnam. Cái tên hàng Việt Nam như một "lá bùa" để người tiêu dùng thêm tin tưởng và chọn lựa. Ở các cửa hàng này, thôi thì đủ chủng loại hàng xuất dư, hàng xuất Hàn, hàng xuất Nhật… hoặc nếu là hàng “ngoại” thì là hàng nhập Thái Lan, hàng nhập Campuchia chứ tuyệt nhiên chẳng có chỗ nào nói có hàng Trung Quốc.
Chị Hằng, chủ một shop thời trang ở Cổ Nhuế cười khi được hỏi về xuất xứ quần áo, chị cho biết: Hàng của chị có 2 loại, một là hàng các xưởng may theo mẫu sẵn, 2 là hàng nhập. Mà hàng nhập tất nhiên là hàng… Trung Quốc.
“Nhưng đôi khi nói hàng Trung Quốc khách hàng kém mặn mà hẳn, thế nên thường khi lấy hàng, chủ hàng đôi khi cũng “rộng rãi” cho thêm đống tem mác Made in Vietnam hoặc một cái thương hiệu ầu ơ nào đấy cho nó khỏi “phạm húy”, chị Hằng hài hước cho biết.
Cũng theo chị Hằng, hàng Việt Nam có được may ở Việt Nam thì cũng đa phần lấy mẫu từ các mẫu của Trung Quốc. Còn hàng Trung Quốc về Việt Nam được đính tem nhãn Made in Vietnam, hàng xuất dư… cũng nhiều nguồn. Đó là nguồn hàng được nhập trực tiếp từ Trung Quốc, hàng sẵn, khi nhập về mất công đoạn bỏ nhãn tiếng Trung, may nhãn Việt Nam vào là thành hàng… Việt Nam. Hoặc có những chủ hàng lấy mẫu sẵn từ các thương hiệu nổi tiếng rồi đặt may gia công bên Trung Quốc, sau đó quay ngược về Việt Nam để gắn tem nhãn theo ý đồ của chủ cửa hàng.
Còn anh An, một ông chủ lớn trong ngành phụ kiện may mặc ở một chợ nổi tiếng tại huyện Gia Lâm cũng chỉ rõ, tem mác loại gì cũng có, từ các thương hiệu mạnh trên thế giới, đến các thương hiệu… trời ơi, bình dân hay sang chảnh chỉ cần đặt là có. Đơn giản, dễ dàng… và cũng đa phần nhập từ… Trung Quốc. Và chẳng cần đi đâu xa, chỉ cần một quẹt lên phố Hàng Ngang, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân thì tem, mác, phụ kiện… gi gỉ gì gi cái gì cũng có luôn. Còn xuất xứ ư, cũng lại đa phần từ nước láng giềng!
Cần một tiêu chí rõ ràng cho hàng dán mác Made in Vietnam. Ảnh minh họa |
Cần có bộ tiêu chí rõ ràng dán mác Made in Vietnam
Mới đây, bản dự thảo lần đầu về tiêu chí dán mác Made in Vietnam của Bộ Công Thương đang được đưa ra để lấy ý kiến.
Hiện nay, tại Việt Nam, việc ghi dán mác xuất xứ trên nhãn hàng được thực hiện theo Nghị định 43/2017 của Chính phủ. Theo đó, điều 12 của Nghị định có điểm nêu: “Hàng hóa có cùng thương hiệu được sản xuất tại nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, được ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân đó trên nhãn hàng hóa nếu chất lượng của hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa đó công bố hoặc đăng ký lưu hành và phải bảo đảm truy xuất được nguồn gốc của hàng hóa.”
Made in Vietnam, hiện đang được hiểu là xuất xứ hàng hóa. Vậy xuất xứ hàng hóa đã được định nghĩa chung: Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.
Nghị định 31/2018/NĐ-CP cũng quy định những trường hợp được xem là hàng hóa có xuất xứ từ vùng lãnh thổ nào đó, cụ thể: “Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ…” và phải đáp ứng các điều kiện cụ thể.
Thế nhưng chưa có bất cứ một ràng buộc quy định nào với hàng gắn mác Made in Vietnam. Cũng trong câu chuyện này, khi đề cập đến thế nào là Made in Vietnam chị Hằng cũng băn khoăn: “Nói là Made in Vietnam, đồng ý là sản phẩm may tại Việt Nam, thế nhưng mẫu mã ăn cắp, vải nhập, máy móc nhập, phụ kiện nhập đến sợi chỉ cũng nhập… thì có còn gọi là Made in Vietnam không?
Vậy nên, có một tiêu chí rõ ràng là điều cần thiết!
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại