Thứ bảy 20/04/2024 09:03
Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học:

Cần có những quy định phù hợp với môi trường giáo dục

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thông tư số 32 ban hành điều lệ trường THCS, THPT cho phép học sinh học sinh từ ngày 1-11 được sử dụng điện thoại trong lớp phục vụ việc học tập nhưng phải được giáo viên đồng ý.

Ngay lập tức, nội dung này thu hút ý kiến của rất nhiều người quan tâm đến giáo dục, ủng hộ cũng nhiều nhưng lo lắng cũng không ít. Theo nhiều giáo viên và chuyên gia, việc sử dụng điện thoại trong lớp phải kèm theo yêu cầu “được giáo viên đồng ý”. Như vậy, nếu có quy định phù hợp trong giờ học thì việc này có những điểm tích cực.

Trong tháng 3-2020, Tổ chức giáo dục Varkey Foundation công bố danh sách 50 giáo viên ưu tú toàn cầu năm 2020. Cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh của trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, đã vượt qua 12.000 ứng viên từ khắp mọi nơi trên thế giới, được Tổ chức giáo dục Varkey Foundation vinh danh là một trong 50 giáo viên toàn cầu xuất sắc nhất năm 2020, có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục.

Vậy, lớp học của cô Phượng có gì đặc biệt để cô được vinh danh là giáo viên ưu tú toàn cầu? Nói về những giờ giảng của mình, cô Phượng tâm sự: Về làm giáo viên tiếng Anh tại trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, nơi có 85% học sinh là người dân tộc thiểu số, cô Phượng không chỉ xây dựng và sử dụng lớp học không biên giới, kết nối học sinh với các trường học trên toàn thế giới thông qua skype, mà còn tham gia dạy học trực tuyến cho các học sinh ở châu lục khác như châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ.

Một giờ học với chủ đề “Nói không với rác thải nhựa” của thầy và trò trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn bắt đầu bằng việc các em học sinh tự tin trình bày trực tuyến về dự án của mình bằng tiếng Anh. Một tiết học như thế này chỉ cần một chiếc laptop, một tài khoản skype và một đường truyền internet ổn định là có thể tham gia diễn đàn giáo viên toàn cầu. Qua đó học sinh được kết nối với các lớp học của 6 quốc gia đến từ 4 châu lục.

can co nhung quy dinh phu hop voi moi truong giao duc
Thông tư số 32 ban hành điều lệ trường THCS, THPT cho phép học sinh từ ngày 1-11 được sử dụng điện thoại trong lớp phục vụ việc học tập nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Ảnh: Khánh Huy

Đã có những ý kiến cho rằng: Thời đại 4.0, thế giới nằm trong bàn tay của chúng ta, vì thế không nên cấm đoán học sinh sử dụng điện thoại trong học tập.

Và suốt gần một năm ứng biến với dịch bệnh Covid-19, đẩy mạnh CNTT vào dạy và học trực tuyến, chúng ta mới thấy rằng, vai trò của công nghệ, của các thiết bị thông minh rất quan trọng, quan trọng hơn nữa là học sinh có kỹ năng để sử dụng được các thiết bị đó.

Tại Hội nghị cấp Bộ trưởng Giáo dục và Lao động ASEAN với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực trong thế giới công việc đang thay đổi” do Việt Nam đăng cai tuần trước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Năng lực số là không thể thiếu đối với mỗi học sinh, do vậy việc rèn luyện kĩ năng số phải được triển khai từ sớm, ngay từ những cấp học đầu tiên ở các dạng thức đơn giản, phù hợp với lứa tuổi.

Với quy định mới, sự lo lắng từ phía phụ huynh là điều không khó hiểu, bởi nhiều người cho rằng, khó quản lý hiệu quả học tập nếu các con sử dụng điện thoại trong cả giờ học. Nhưng từ phía nhà trường và các giáo viên thì cho rằng: Việc sử dụng điện thoại sẽ thực sự hiệu quả nếu có quy định cụ thể để các em chỉ dùng vào mục đích: Phục vụ học tập.

Nhiều giáo viên đồng ý với quy định cho phép học sinh mang điện thoại vào lớp phục vụ cho học tập bởi chính các thầy cô cũng phải nhờ vào công nghệ, trong đó có điện thoại để tra cứu, cập nhật kiến thức mới nhằm bổ sung vào bài giảng của mình. Nhưng, sử dụng ra sao, vào những giờ nào, cần có quy định cụ thể.

Hiện nay, sách giáo khoa không phải là phương tiện duy nhất để thầy, trò dạy và học. Học sinh có thể học tập thông qua nhiều phương tiện khác nhau. Vậy tại sao chúng ta lại cấm học trò sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ vào mục đích học tập. Giáo viên cho phép học sinh sử dụng lúc cần thiết, còn lại điện thoại vẫn sẽ nằm im trong cặp hoặc trong túi học sinh như hàng chục năm nay. Việc sử dụng nhiều phương tiện, nhiều kênh sẽ giúp tăng hiệu quả bài học hơn - TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Thêm vào đó, chính việc sử dụng điện thoại thông minh cũng giúp phụ huynh học sinh dễ dàng quản lý giờ giấc, việc học tập trên lớp của con hơn nếu có sự kết hợp với giáo viên. Vì thế, những điểm tích cực của quy định này sẽ thực hiện được, nếu quy định đi kèm chặt chẽ và có sự phối hợp tương tác giữa giáo viên – học sinh – phụ huynh.

Thủy Fan
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động