Thứ sáu 22/11/2024 18:13

Cần có giải pháp tổng thể bảo đảm nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn cho nền kinh tế

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc giá xăng dầu tăng cao thời gian gần đây đã gây những tác động không nhỏ tới đời sống của người dân và doanh nghiệp vốn đã rất khó khăn trong đại dịch.
Cần có giải pháp tổng thể bảo đảm nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn cho nền kinh tế

Giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế giá trị gia tăng đang được triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng

Giá xăng dầu tăng tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế

Chiều 21-2, giá xăng trong nước đã có lần tăng thứ 5 liên tiếp và là đợt tăng thứ 4 trong năm 2022. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 961 đồng/lít so với giá hiện hành, giá trần là 25.532 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 965 đồng/lít, không cao hơn 26.287 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 936 đồng/lít, giá mới là 19.509 đồng/lít.

Ngoài ra, dầu hỏa tăng 758 đồng/lít, giá trần là 19.509 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S tăng 274 đồng/kg so với giá bán hiện hành, giá mới là 17.932 đồng/kg.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng còn làm tăng chi phí lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế giá trị gia tăng đang được triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng. Hơn nữa, giá xăng dầu tăng còn trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Vì vậy, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Trên cơ sở đó, TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Bộ Công thương cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu, đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế trong nước. Đồng thời, Bộ Công Thương cần có giải pháp tổng thể bảo đảm nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn cho nền kinh tế.

Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước căng thẳng chính trị giữa Nga và Ucraine, trong khi dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế. Tình hình dịch bệnh trong nước vẫn tiếp diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, Nghị quyết số 128/NQ-CP về việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19 làm các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và DN đang được phục hồi.

Để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, trong các kỳ điều hành gần đây, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng Quỹ BOG cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 200 - 400 đồng/lít.

Doanh nghiệp vận tải chật vật

Giá xăng dầu tăng mạnh đã tác động trực tiếp đến hoạt động của các DN vận tải khách và nhiều đơn vị vẫn đang tính toán để chiều chỉnh cơ cấu giá thành vận tải. Cùng với đó, nhiều DN vận tải hàng hoá cho biết đã hết sức “chịu đựng” và buộc tăng giá cước vận tải mới có thể duy trì hoạt động.

Theo Hiệp hội Vận tải Hà Nội, chi phí cho xăng dầu chiếm tới 40% trong cơ cấu giá cước vận tải. Do đó, khi giá xăng dầu liên tục tăng từ trước Tết đến nay, đã tác động trực tiếp đến hoạt động của DN, gây áp lực lớn lên chi phí vận hành, kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Phong, nhà xe Phong Lan chuyên chạy tuyến khách cố định Nghệ An - Hà Nội cho biết, giá xăng dầu tăng tác động rất lớn đến kết quả kinh doanh của DN, khó khăn thêm chồng chất. Sau Tết lượng khách hiện chưa cao vì dịch bệnh, nhưng để bù chi phí DN đang phải tính đến phương án tăng giá vé.

Còn đối với trường hợp của anh Hà, lái xe taxi tại Hà Nội chia sẻ, giá xăng tăng mạnh từ trước Tết đến nay là hơn 3.500 đồng/lít, chiếm tới gần 15% giá trước đó. Nếu mỗi ngày chạy khoảng 100km, chi phí giá xăng trong một tháng tăng khoảng 1 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hôi Vận tải ô tô Việt Nam, chi phí nhiên liệu hiện chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá thành vận tải. Nhà nước hiện không quản lý giá cước vận tải mà để DN tự quyết định, không loại trừ khi tăng giá nhiên liệu, DN sẽ tăng giá cước để cân đối thu chi.

Khi mặt bằng giá cước mới sẽ tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách sau đại dịch và người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc tăng giá này.

Nhiều chuyên gia nhận định, với mức tăng của giá xăng, mặt bằng giá cước vận tải mới sẽ được hình thành và tác động tiêu cực tới người dân, DN làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách sau đại dịch Covid-19.

Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động