Thứ hai 25/11/2024 16:55

Cần chủ trương hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn cho doanh nghiệp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cùng chung bối cảnh với thế giới, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19. Các mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, của các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có.

Đó là nhấn mạnh của ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn ra vào ngày 26-9.

Trên 10% số doanh nghiệp cả nước rút khỏi thị trường

Phát biểu tại Hội nghị Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, đã có trên 85.000 DN, tức trên 10% số DN cả nước rút khỏi thị trường. Như vậy, trung bình mỗi tháng trên 10.000 DN rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giãn cách xã hội kéo dài, trong 4 tháng trở lại đây tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất, giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động mất việc làm, chi phí sản xuất, nhiều đơn hàng bị mất... Tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó nghiêm trọng nhất là các lĩnh vực du lịch, chế biến thủy sản, giao thông vận tải.

“Các DN ngành gỗ, đã có trên 50% số DN ngành này tại khu vực Đông Nam Bộ dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản. Ngành lữ hành, lưu trú và ăn uống chịu tác động vô cùng nghiêm trọng, kéo dài từ năm 2019 đến nay, công suất phòng trung bình cả nước chỉ đạt 15%, nhiều nơi dưới 10% và không ít cơ sở phải đóng cửa”.

Cần chủ trương hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn cho doanh nghiệp

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công

Ông Tấn Công cho biết, theo khảo sát của VCCI trung bình có 90,8% DN đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung với lần lượt 95%, 93% và 92% DN đang hoạt động ở các vùng này phải cho người lao động thôi việc.

Chủ tịch VCCI cho biết thêm, theo khảo sát về sức chịu đựng của DN, một DN điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng. Trong đó thấp nhất là lĩnh vực nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng).

Kiến nghị các giải pháp để duy trì sản xuất

Trong bối cảnh này, cộng đồng DN đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ “phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”. Hơn nữa, đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái “Zero Covid”, do đó nếu giãn cách xã hội mãi thì các DN sẽ sụp đổ.

Trên quan điểm sống chung với dịch bệnh, Chủ tịch VCCI đề xuất 2 kiến nghị mới, cụ thể: Thứ nhất, cần nhìn nhận các DN là một chủ thể trong ứng phó Covid -19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các DN. Để chống Covid -19 lâu dài, cần công nhận và cho DN chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tuỳ theo khả năng, điều kiện của DN, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.

Thứ hai, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của DN trong điều kiện sống chung với dịch, phải tìm cách để duy trì sản xuất an toàn.

Để các chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ thực sự phát huy hiệu quả, ông Phạm Tấn Công cho rằng, việc xây dựng và thực thi chính sách nên chăng cần được xác định theo cấp độ và lộ trình thực hiện phù hợp, như: Các giải pháp mang tính cấp bách, cần thực hiện ngay; các giải pháp hỗ trợ phục hồi; các giải pháp mang tính tái cấu trúc, phát triển bền vững về trung và dài hạn.

Cụ thể: các DN đề nghị các Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện hệ thống “Thẻ xanh Covid-19”, thống nhất sử dụng 1 nền tảng/ứng dụng, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành liên quan; điều chỉnh các quy định về nhập cảnh, giấy phép lao động cho phù hợp… để tạo điều kiện ổn định nguồn nhân lực lao động, chuyên gia, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Chủ tịch VCCI đề nghị Chính phủ, Quốc hội kịp thời cho triển khai nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách, quy định mới, kể cả pháp luật, để chủ động tránh nguy cơ chính sách lạc hậu trở thành điểm nghẽn cho hoạt động của DN trong điều kiện bình thường mới.

Đặc biệt, Chủ tịch VCCI đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ mạnh hơn như nới hạn mức tín dụng; miễn giảm, vay ưu đãi lãi suất thấp, nâng hạn mức tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên mức cao hơn.

Về các giải pháp trung và dài hạn, theo ông Phạm Tấn Công, cần xây dựng ngay từ bây giờ các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững, như: cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư công, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, đẩy mạnh cải cách thủ tục xuất nhập khẩu và tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do …

Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động