Cần chính sách đặc thù cho phát triển văn hóa và bảo tồn di sản
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng DSVH Quốc gia phát biểu tại Hội thảo |
Văn hóa Thăng Long mang tính đại diện Quốc gia
Tham luận trong Hội thảo phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô sáng 4/10, do Bộ Tư pháp và UBND TP Hà Nội đã phối hợp tổ chức, PGS.TS Đặng Văn Bài khẳng định, văn hoá Thăng Long – Hà Nội do con người từ khắp mọi miền đất nước tụ hội lại, cùng chung tay sáng tạo nên, vì thế mặc nhiên nó phải mang tính đại diện của quốc gia. Và khi lan toả khắp nơi, văn hoá Thăng Long – Hà Nội dễ dàng được chấp nhận chào đón như là những “chuẩn mực văn hoá” cần noi theo.
Điều đó có nghĩa chất lượng nguồn nhân lực của Thăng Long – Hà Nội luôn được đánh giá cao. “Đó là các bậc vương công, quan lại, công thần, đại trí thức từ nhiều miền quê của đất nước, tầng lớp thợ thủ công có tay nghề tinh thông với nhiều bí quyết nghề nghiệp từ khắp bốn phương quy tụ về đây sản xuất và buôn bán; tầng lớp thương nhân, các doanh nhân lớn đã “bị” “Hà Nội hoá” qua nhiều đời; các tầng lớp tri thức, văn nghệ sĩ, các tầng lớp thanh niên, sinh viên dù vãng lai hay cư trú ổn định cũng ít nhiều được đắm mình trong không gian, môi trường văn hoá “thanh lịch” của người Hà Nội mà trưởng thành. Có thể coi, đây là “vốn con người” “vốn văn hoá” mang tính quyết định làm nên nét đặc sắc cho văn hoá của Thủ đô” – PGS.TS Đặng Văn Bài nói.
Phân tích đặc điểm của Thủ đô, PGS.TS Bài chỉ rõ, Thủ đô nói chung và các đô thị nói riêng luôn được khẳng định là một trong những thành tự văn hoá lớn lao nhất của nhân loại cũng như của từng quốc gia. Chúng được tiếp cận từ góc nhìn những di sản đô thị “một cơ thể sống động” liên tục phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử, với 3 bộ phận cấu thành cơ bản: Khu vực địa lý liền khoảnh, đủ rộng với những khu vực cảnh quan thiên nhiên điển hình; Quỹ kiến trúc đô thị; DSVH phi vật thể, phong tục tập quán, nếp sống, lối sống thanh lịch, đặc biệt là các lễ hội truyền thống có sức lan toả rộng lớn.
Ngoài ra, Thủ đô Hà Nội cần được lưu tâm với những nét đặc thù: Hà Nội được nổi danh là “Thủ đô thiên nhiên”, TP đặc trưng của sông, hồ và cây xanh; Hà Nội được mệnh danh là đô thị có làng trong phố, đô thị làng nghề và phố nghề nổi tiếng; từ góc nhìn DSVH phi vật thể, Hà Nội hội tụ được những nét văn hoá của nhiều địa phương trong cả nước, đồng thời cũng sáng tạo ra sự độc đáo, đặc sắc của thủ đô, đặc biệt là trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng.
Cần chính sách đặc thù
Từ những phân tích đó, theo PGS.TS Bài, các văn bản Luật cần tạo ra khung pháp lý cho việc hoạch định các chính sách đặc thù đầu tư cho phát triển văn hoá và bảo tồn DSVH ở một số mặt hoạt động. Cụ thể, vấn đề sở hữu về đất đai thuộc di tích cần được cụ thể, rõ ràng. Đơn cử như vấn đề cấp sổ đỏ cho di tích. Nếu vấn đề này không được xử lý dứt điểm sẽ dẫn đến sự tranh chấp và vấn đề này vượt ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật DSVH, nên rất cần được xem xét trong Luật Đất đai.
Về mặt văn hoá và DSVH, theo Phó Chủ tịch Hội đồng DSVH Quốc gia, Hà Nội có nhiều đặc thù và lợi thế về tiềm năng cho phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, mà phần lớn các tài nguyên và lợi thế của Hà Nội lại hội tụ trong DSVH làng, trong các làng nghề và phố nghề. Đó là các khu vực đông đặc các DSVH đang chịu áp lực rất lớn của quá trình đô thị hoá và xây dựng nông thôn mới. Vậy phải chăng, cần xem xét vấn đề đầu tư cho phát triển văn hoá và bảo tồn DSVH trong chương trình mục tiêu quốc gia về “Đại chấn hưng văn hoá Việt Nam”.
Hệ thống sông, hồ của Hà Nội là những yếu tố quan trọng tạo nên sức sống đặc thù ở Thủ đô, PGS.TS Bài nhấn mạnh. Không chỉ Hà Nội, mà trên toàn thế giới, các con sông chính là nguồn sống của các đô thị, với tư cách là phương tiện giao thông thuỷ, phương tiện thuỷ lợi, điều tiết nguồn nước chống ngập lụt cho đô thị mà còn là bộ phận cấu thành cảnh quan – văn hoá của Thủ đô. Nước nào cũng đầu tư vào việc tạo lập các cảnh quan – văn hoá, không gian công cộng ở đôi bờ các dòng sông văn hoá.
Ông Bài cho rằng, đã đến lúc phải có cơ chế chính sách đặc thù làm sống lại, thức tỉnh các chức năng, thế mạnh của sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và sông Nhuệ để tạo lập những cảnh quan sinh thái điển hình dọc theo đôi bờ các dòng sông lớn. “Với tư cách là thành viên trong hệ thống các TP sáng tạo của UNESCO, tôi nghĩ lãnh đạo TP cần đầu tư nhiều hơn nữa cho việc phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, trong đó có ưu tiên cho phát triển du lịch văn hoá, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng trên nền tảng “kinh tế nông nghiệp” ở các vùng quê ở ngoại ô.
Đặc biệt là tạo lập các không gian sáng tạo cho phát triển văn hoá” – PGS.TS Bài nói. Ông cho rằng, đã đến lúc, cần xây dựng cơ chế phù hợp cho việc vận hành mô hình “hợp tác công tư” trong lĩnh vực văn hoá nhằm điều hoà lợi ích của các bên có liên quan: Cơ quan quản lý Nhà nước về văn hoá, cộng đồng cư dân địa phương, các DN tư nhân và các nhà khoa học với tư cách tư vấn.
Ngày 4/10, Bộ Tư pháp và UBND TP Hà Nội đã phối hợp tổ chức hội thảo “Phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô”, nhằm đề xuất chính sách cho sửa đổi Luật Thủ đô. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn và Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến đồng chủ trì hội thảo. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, nhiệm vụ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) hiện đang được TP Hà Nội tích cực chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai thực hiện. Trong các chính sách đề xuất đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, chính sách về phát triển văn hóa, giáo dục của Thủ đô chiếm vai trò hết sức quan trọng... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại