Cán bộ thanh tra không được lạm quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho đối tượng thanh tra
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Thông tư này quy định quy tắc ứng xử chung, ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong ngành Thanh tra và trong thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân.
Quy tắc ứng xử chung gồm: 1- Tinh thần và thái độ làm việc; 2- Trang phục, tác phong làm việc; 3- Giao tiếp qua điện thoại, thư điện tử và trên mạng xã hội; 4- Ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; 5- Ứng xử giữa công chức, viên chức với cấp trên và với đồng nghiệp; 6- Ứng cử với cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác và cơ quan thông tin, báo chí; 7- Ứng xử với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra nhà nước phải nêu cao ý thức trách nhiệm phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động thanh tra. Bên cạnh đó, thực hiện đúng nguyên tắc, nội dung, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thanh tra được quy định trong Luật Thanh tra, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Có thái độ thận trọng, khách quan, toàn diện khi xem xét, đánh giá sự việc; lắng nghe, tôn trọng các ý kiến giải trình hợp lý của đối tượng thanh tra, hướng dẫn cho đối tượng thanh tra hiểu và thực hiện đúng quy định pháp luật. Tránh các quan hệ xã hội có thể dẫn đến việc phải nhân nhượng trong hoạt động thanh tra...
Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra nhà nước không được làm những việc sau: Lợi dụng danh nghĩa cán bộ, công chức, viên chức thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật; lạm quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra; sử dụng phương tiện, tài sản của đối tượng thanh tra vì lợi ích cá nhân. Tư vấn, môi giới cho các cá nhân ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và các công việc khác mà việc tư vấn, môi giới đó có khả năng gây phương hại đến lợi ích quốc gia, đến cơ quan, đơn vị. Nhận quà của đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức; kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý trái pháp luật. Tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra khi Kết luận thanh tra chưa được công khai và chưa được lãnh đạo giao theo quy định của pháp luật; trả thù, đe dọa, trù dập người tố cáo các hành vi vi phạm của mình.
Theo Thông tư, việc tiếp công dân phải bảo đảm công khai, khách quan, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật; cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình giải thích cặn kẽ những thắc mắc liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; có thái độ đúng mực, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.
Ngoài ra, cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân không được làm những việc sau: Gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân; làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp; phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-5-2021.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại