Thứ ba 16/07/2024 18:15

Cách nhận biết và phòng tránh lừa đảo phát tán SMS Brandname giả mạo

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đối tượng lừa đảo sử dụng trạm phát sóng BTS giả mạo, gửi hàng loạt tin nhắn SMS Brandname tới người dùng nhằm mục đích chiếm quyền điều khiển thiết bị để chiếm đoạt tài sản.
Cách nhận biết và phòng tránh lừa đảo phát tán SMS Brandname giả mạo

Cẩm nang nhận biết và phòng tránh lừa đảo phát tán SMS Brandname giả mạo (Ảnh: Bộ Công an)

Theo Bộ Công an, các điện thoại với tính năng tự động kết nối vào các trạm BTS có cường độ sóng mạnh và ở gần. Lợi dụng cơ chế này, các đối tượng đem trạm BTS giả lên ô tô hoặc xe máy, di chuyển đến những nơi đông người sau đó phát tán tin nhắn tới những thuê bao ở gần.

Tin nhắn của bọn tội phạm từ các trạm BTS giả này thường mang tên các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp chính thống (như: Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Vietcombank, Techcombank...), bên trong chứa nội dung như tin nhắn thông thường của các cơ quan, tổ chức nhưng kèm theo đường dẫn giả mạo nhằm mục đích dẫn dụ người dân click vào đó hòng chiếm quyền điều khiển thiết bị.

Ngoài ra, các đối tượng có thể sử dụng các phần mềm spam tin nhắn iMessage để phát tán tin nhắn giả mạo thương hiệu đến người dùng sử dụng thiết bị có hệ điều hành IOS.

Bên cạnh đó, do tính năng tự động nhận diện thương hiệu trên điện thoại nên các tin nhắn giả mạo nhận được giống những tin nhắn chính thống đã nhận được trước đó.

Dấu hiệu nhận biết

Nhận được tin nhắn mang tên các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp chính thống (như: Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Vietcombank, Techcombank...), bên trong chứa nội dung như tin nhắn thông thường của các cơ quan, tổ chức, kèm theo đường dẫn giả mạo, đề nghị người dân truy cập, nhập thông tin tài khoản để chiếm đoạt hoặc cài đặt ứng dụng chứa mã độc để chiếm quyền điều khiển thiết bị.

Các trang web giả mạo thường chứa mã độc hoặc giả mạo trang web chính thống của cơ quan, tổ chức, yêu cầu đăng nhập tài khoản, nhập mã OTP nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Biện pháp phòng tránh

Kiểm tra kỹ nội dung khi nhận được tin nhắn từ các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các tin nhắn gây chú ý (trúng thưởng, cảnh báo, khuyến mãi...). Không click vào các đường dẫn có dấu hiệu đáng ngờ, kiểm tra ký tên miền trang web trước khi đăng nhập thông tin tài khoản.

Tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP với bất kỳ ai.

Khi nhận được các tin nhắn có dấu hiệu bất thường phải liên lạc ngay với đơn vị chủ quản của brandname thông qua hotline. Gọi điện thoại đến cơ quan, tổ chức liên quan để xác thực xem có phải trang web, ứng dụng là của họ hay không.

Cần làm gì sau khi bị lừa đảo trực tuyến?

Khi nghi ngờ bản thân có biểu hiện đang bị lừa đảo qua mạng, hãy tìm kiếm thông tin về các hình thức lừa đảo trên mạng internet hoặc xin sự tư vấn từ bạn bè, người thân. Đừng ngại ngùng chia sẻ câu chuyện mình đang gặp phải, người bên ngoài sẽ luôn có tâm lý bình tĩnh, tỉnh táo hơn.

Trình báo ngay sự việc đến cơ quan Công an nơi gần nhất để nhận được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ với Ngân hàng chủ quản để báo cáo sự việc và đề nghị hỗ trợ.

Lưu lại tất cả thông tin như lịch sử trò chuyện, các số điện thoại, tài khoản mạng xã hội liên quan, sao kê giao dịch ngân hàng và cung cấp cho cơ quan Công an khi trình báo.

Cài đặt lại mật khẩu các tài khoản cá nhân trong trường hợp bị đánh cắp thông tin cá nhân hoặc bị tấn công chiếm quyền điều khiển thiết bị điện tử.

Cảnh báo cho bạn bè, người thân về hình thức lừa đảo mình đã hoặc đang gặp phải nhằm chủ động phòng ngừa.

Mua xe không giấy tờ, vừa mất tiền vừa vi phạm pháp luật
Người phụ nữ nhẹ dạ, mất trắng hơn 1,4 tỷ đồng
Nguyễn Vũ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động