Các quy định về phòng chống dịch bệnh phải phù hợp với Luật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBộ Y tế không đặt ra yêu cầu xét nghiệm trong việc đi lại của người dân. Ảnh: Khánh Huy |
Những bất cập
Bần thần khi những ngày Tết cận kề nhưng vẫn chưa quyết việc có về quê hay không, chị Nguyễn Thu Lan (Long Biên) cho biết, đã gần 1 năm nay chị chưa về quê thăm bố mẹ, kỳ nghỉ Tết 9 ngày là dịp để chị có điều kiện quần tụ cùng gia đình. Tuy nhiên, vướng vào quy định phòng dịch của địa phương, e rằng có về quê cũng sẽ mất vui. Có khi lại gây phiền phức cho bố mẹ.
“Quê tôi ở một xã thuộc tỉnh Ninh Bình, bố mẹ tôi đã hơn 80 tuổi. Mặc dù ở bên cạnh luôn có các cô, các chú ở quê chăm nom, nhưng ở cái tuổi xưa nay hiếm cũng khó có thể lường trước được điều gì. Trước đó, do các cháu học online nên tôi đã cho hai đứa nhỏ về quê, nhưng đến càng cận kề ngày Tết lại càng băn khoăn, không biết hai vợ chồng có nên về với ông bà hay không?! Ninh Bình vẫn quy định người từ địa bàn có dịch thì tự cách ly tại nhà 7 ngày, về ở cùng với ông bà không đi đâu cũng không sao, nhưng bỗng dưng lại đem lại phiền phức cho ông bà, bởi cách ly như thế thì liệu hàng xóm, láng giềng, anh chị em họ hàng có được sang nhà nữa hay không?” – chị Lan tâm sự.
Xin nghỉ trước nhiều ngày, chị Dương Thị Hiền (Hoàng Mai) đã thu xếp đưa bọn trẻ về quê ăn Tết sớm. “Quê mình thuộc huyện ở Nghệ An. Cả năm cứ quanh quẩn dịch giã với giãn cách. Giờ năm hết Tết đến cũng muốn về quê với ông bà để cảm nhận sự may mắn mọi người trong gia đình vẫn còn an toàn khỏe mạnh. Ngay hôm về quê tôi đã thực hiện test nhanh rồi gửi kết quả đến trạm y tế thông báo. Xã cũng yêu cầu nhà tôi tự cách ly tại nhà 7 ngày. Như vậy đến Tết tôi hết cách ly có thể đến gặp gỡ, thăm hỏi cô dì, chú bác rồi.” – chị Hiền kể. Anh Nguyễn Văn Dương (Hoàng Mai) cho biết, anh quê ở Quảng Ninh, theo quy định của tỉnh thì khi về anh sẽ phải cách ly tập trung 7 ngày và 7 ngày tại nhà. “Bởi do đặc thù công việc, cũng do yêu cầu của công ty nên tôi được nghỉ Tết có… 5 ngày. Thôi thì lại Tết xa quê!”
Không chỉ như quê của chị Lan, chị Hiền… hiện đang có rất nhiều cách chống dịch với người về quê ăn Tết. Vài ngày trước, gần 30 gia đình có người về ăn Tết ở Thanh Hóa đã bị chính quyền khóa cửa và giữ chìa khóa. Dù test nhanh âm tính, nhưng suốt 7 ngày liền, ông bà nội cùng 2 cháu nhỏ đã bị chính quyền tại huyện Kiến Xương, Thái Bình nhốt trong nhà. Lý do bởi có 2 cháu trở về từ vùng đỏ Hải Phòng. Cũng còn vô số tỉnh yêu cầu người về ăn Tết phải có kết quả xét nghiệm, những người ở vùng đỏ cách ly tập trung, cách ly tại nhà từ 7 – 14 ngày. Ngán ngẩm các quy định cách ly cũng như xét nghiệm của nhiều tỉnh, anh Dương Văn Tiến (Hà Đông) ca thán: “Có lẽ không về quê ăn Tết là tốt nhất. Về nhà cách ly, biết đâu đến lúc đi làm trở lại lại tiếp tục cách ly. Tính ra một chuyến về và quay trở lại TP làm việc mất cả tháng trời…”.
Các quy định về phòng chống dịch bệnh phải phù hợp với Luật
Về câu chuyện các quy định khác nhau, không tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ y tế cũng như các Nghị quyết của Chính phủ, luật sư Nguyễn Tiến Hùng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, cho dù thế nào, các quy định về phòng chống dịch bệnh ở địa phương phải phù hợp với Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, phù hợp với văn bản của Chính phủ, của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh, nhằm đảm bảo thích ứng an toàn, tăng cường công tác phòng ngừa, nhưng không hạn chế tối đa hoatgj động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Theo đó, Điều 6, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định rất rõ: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong phạm vi cả nước; Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong phạm vi cả nước; Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo phân cấp của Chính phủ…
Còn trong Nghị quyết 128 của Chính phủ, người dân được đi lại từ cả 4 cấp độ nguy cơ; với người đến từ địa bàn cấp 3 kèm theo điều kiện về tiêm vắc xin, xét nghiệm; người đến từ địa bàn cấp 4 hạn chế đi lại. Các địa phương không làm trái quy định của TW, gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của người dân. Còn trong hướng dẫn thích ứng an toàn Covid-19 của Bộ y tế cũng không đặt ra yêu cầu xét nghiệm trong việc đi lại của người dân. Người dân chỉ xét nghiệm khi đến từ địa bàn cấp 4 hoặc khu phong tỏa; điều tra dịch tễ đến từ địa bàn cấp 3. Người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc F0 khỏi bệnh chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ.
Luật sư Nguyễn Tiến Hùng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Để thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, đảm bảo hiệu quả trong việc phòng chống dịch bệnh, trên tinh thần phòng chống dịch bệnh theo Nghị quyết của Chính phủ, các quyết định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, các địa phương cần phải rà soát lại các văn bản pháp quy, văn bản dưới luật để ra những quy định hợp lý, hợp tình hơn”. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại