Thứ hai 25/11/2024 14:34

Các phường, thị trấn tại Hà Nội không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 7-7, tại Kỳ họp thứ 15, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường), gồm: Các phường của các quận thuộc TP; 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây, gồm: phường Sơn Lộc, phường Quang Trung, phường Ngô Quyền và phường Lê Lợi.

Các thị trấn của 5 huyện: thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng; thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh; thị trấn Trâu Quỳ, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm; thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì.

Các khu chung cư, tập thể cũ, khu đô thị nằm trên địa bàn các huyện, thị xã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (cơ quan có thẩm quyền phê duyệt khu đô thị được quy định).

Các cơ sở chăn nuôi phải di dời (hoặc dừng hoạt động chăn nuôi) ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi từ khi Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2023.

Về các chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi: Các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các khu vực trên thực hiện di dời (hoặc dừng chăn nuôi) đến vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi được hỗ trợ khi chăn nuôi trâu bò và vật nuôi khác có thường xuyên từ 1 trâu, bò hoặc từ 20 con dê trở lên;

Đối với chăn nuôi lợn có thường xuyên từ 2 con lợn nái hoặc dưới 5 con lợn thịt hoặc từ 1 con lợn nái và 3 con lợn thịt trở lên. Đối với chăn nuôi gia cầm có thường xuyên từ 200 con gia cầm thương phẩm hoặc từ 100 con gia cầm sinh sản trở lên.

Những chủ cơ sở, người lao động làm việc trực tiếp tại các cơ sở chăn nuôi này khi dừng chăn nuôi có nhu cầu đào tạo, chuyển đổi nghề sẽ được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề. Thời gian hỗ trợ dưới 3 tháng cho đào tạo nghề trình độ sơ cấp.

cac phuong thi tran tai ha noi khong duoc phep chan nuoi gia suc gia cam
Hộ chăn nuôi ở các khu vực này sẽ được hỗ trợ chi phí khi chuyển đổi nghề (ảnh: T.A)

Hỗ trợ chi phí học nghề, mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học. Mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học. Mức hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người tham gia học nghề ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.

Người lao động có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp vào đào tạo dưới 3 tháng, đăng ký với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp hoặc Phòng LĐ-TB-XH cấp huyện nơi có hộ khẩu thường trú để đăng ký học nghề.

Ngoài các nội dung chính sách nêu trên, các đối tượng thụ hưởng chính sách được hưởng các chính sách khác của Trung ương và TP theo quy định nhưng không trùng lắp về nội dung hỗ trợ. Trường hợp trong cùng thời điểm và cùng một nội dung hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng chính sách chỉ được lựa chọn một mức hỗ trợ cao nhất và có lợi nhất.

Trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, theo số liệu thống kê tại thời điểm tháng 5-2020, toàn TP có khoảng 207.587 cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Các phường thuộc các quận nội thành, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây, các thị trấn thuộc 5 huyện ven đô (Đan Phượng, Hoài Đức; Đông Anh; Gia Lâm, Thanh Trì) đề xuất không được phép chăn nuôi trên địa bàn, hiện có 203.804 con gia súc, gia cầm/3.354 trang trại, nông hộ (có 91.545 con gia súc, gia cầm/3.300 nông hộ, 112.259 con gia súc, gia cầm/54 trang trại).

Đối với các phường thuộc các quận nội thành, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây, các thị trấn thuộc 5 huyện ven đô, các khu đô thị được các cấp có thẩm quyền phê duyệt với số lượng chăn nuôi rất ít, hiệu quả kinh tế không cao, môi trường chăn nuôi ngày càng có nguy cơ ô nhiễm, khả năng lây lan dịch bệnh cao, có nhiều mối nguy về mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này đã ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tác động không tốt đến sự phát triển của đô thị.

Vì vậy, 3.354 nông hộ, trang trại chăn nuôi với khoảng 2.606 lao động, trong đó 1.033 nông hộ/2.066 lao động, 54 trang trại /540 lao động (không tính số lao động ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tận dụng hoặc nuôi phục vụ nhu cầu thực phẩm của gia đình mang lại hiệu quả kinh tế rất thấp, không lấy chăn nuôi làm nguồn thu nhập chính) cần phải dừng hoạt động hoặc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định.

T. An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động