Thứ sáu 22/11/2024 07:32
Giải đáp chính sách

Các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Căn cước công dân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 14/2/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 175/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước 2023.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hỏi: Tôi được biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước 2023. Xin quý báo cho biết, các hành vi bị nghiêm cấm và việc thu thập, cập nhật, điều chỉnh, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC)?

(Trần Văn Hải, quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Trả lời: Về câu hỏi của quý bạn đọc, xin trả lời như sau:

Ngày 14/2/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 175/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước 2023. Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm được nêu tại Điều 7:

1. Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.

2. Giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.

3. Nhũng nhiễu, gây phiền hà, phân biệt đối xử khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến căn cước, CSDLQGVDC và Cơ sở dữ liệu căn cước (CSDLCC).

4. Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về căn cước, thông tin trong CSDLQGVDC và CSDLCC; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp không chính xác, cung cấp trái quy định của pháp luật các thông tin, tài liệu về căn cước hoặc thông tin trong CSDLQGVDC, CSDLCC.

5. Không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này.

6. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi khác gây cản trở, rối loạn hoạt động của cơ sở hạ tầng thông tin CSDLQGVDC và CSDLCC, hệ thống định danh và xác thực điện tử.

7. Làm giả, sửa chữa, cố ý làm sai lệch nội dung thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước của người khác; thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; sử dụng thẻ căn cước giả, căn cước điện tử giả, giấy chứng nhận căn cước giả.

8. Truy nhập, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán hoặc thực hiện các hoạt động khác liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân trong CSDLQGVDC, CSDLCC, hệ thống định danh và xác thực điện tử trái quy định của pháp luật.

9. Khai thác, chia sẻ, mua, bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu trong CSDLQGVDC, CSDLCC, hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Về thu thập, cập nhật, điều chỉnh, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong CSDLQGVDC, Điều 10 quy định:

1. Thông tin quy định tại Điều 9 của Luật này được thu thập, cập nhật, điều chỉnh vào CSDLQGVDC từ tàng thư do lực lượng CAND quản lý và CSDLCC, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu Quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp thông tin quy định tại các khoản 1, 4, 5, 7, 8, 9 và 11 Điều 9 của Luật này chưa có hoặc chưa đầy đủ thì cơ quan quản lý căn cước yêu cầu người dân cung cấp.

3. Cơ quan quản lý căn cước phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan kiểm tra thông tin khi thu thập, cập nhật, điều chỉnh để bảo đảm tính chính xác, thống nhất.

4. Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin CSDLQGVDC được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh Quốc gia, pháp luật về an ninh mạng và pháp luật về an toàn thông tin mạng.

5. Phương thức khai thác thông tin trong CSDLQGVDC bao gồm:

a) Kết nối, chia sẻ trực tiếp giữa cơ sở dữ liệu Quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu khác, trung tâm dữ liệu Quốc gia với CSDLQGVDC hoặc theo các phương thức khác của Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam;

b) Cổng dịch vụ công Quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an;

c) Văn bản cung cấp thông tin;

d) Ứng dụng định danh Quốc gia;

đ) Nền tảng định danh và xác thực điện tử;

e) Phương thức khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

6. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong CSDLQGVDC phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức đó.

7. Cá nhân được khai thác thông tin của mình trong CSDLQGVDC.

8. Tổ chức và cá nhân không thuộc quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều này khi khai thác thông tin cá nhân trong CSDLQGVDC phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý căn cước và cá nhân là chủ thể của thông tin được khai thác. Trường hợp khai thác thông tin của người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 14 tuổi, người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý căn cước và một trong những người đại diện hợp pháp, người thừa kế theo quy định tại khoản 9 Điều này.

9. Người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 14 tuổi khai thác thông tin của mình thông qua người đại diện hợp pháp.

Việc khai thác thông tin của người bị tuyên bố mất tích do người đại diện hợp pháp của người đó quyết định.

Việc khai thác thông tin của người đã chết do người được xác định là người thừa kế của người đó quyết định.

10. Thông tin trong CSDLQGVDC là căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra, thống nhất thông tin về cá nhân.

11. Chính phủ quy định chi tiết các khoản 1, 2, 3, 5 và 9 Điều này; quy định trình tự, thủ tục khai thác thông tin trong CSDLQGVDC.

Những trường hợp nào phải cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước từ 1/7/2024?
Hướng dẫn cập nhật thông tin Căn cước công dân trong đăng ký thuế
Đề xuất thủ tục đăng ký căn cước điện tử từ 1/7/2024
N.N
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động