Thứ hai 25/11/2024 16:33

Các doanh nghiệp cần làm gì trước những cảnh báo mì ăn liền Việt Nam của EU?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) cho biết, cơ quan này đã khẩn trương vào cuộc tiến hành kiểm tra, xác minh sau khi nhận được thông tin Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo mì ăn liền Việt Nam chứa ethylene oxide (EO) vượt ngưỡng.
Các doanh nghiệp cần làm gì trước những cảnh báo mì ăn liền Việt Nam của EU?
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương), trong 3 trường hợp bị cảnh báo chỉ có 1 trường hợp được xác định có chỉ tiêu EO vượt ngưỡng quy định của EU

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, cơ quan này nhận được cảnh báo của EU về một số sản phẩm mì ăn liền xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, Đức gửi cảnh báo mì ăn liền hương vị gà, cà ri của Công ty CP Thực phẩm Á Châu vì chứa chất cấm EO vượt ngưỡng quy định của EU; Malta gửi cảnh báo sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia do xác định nguyên liệu sản xuất loại bánh phở này từ gạo biến đổi gen.

Cụ thể, theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương), trong 3 trường hợp bị cảnh báo chỉ có 1 trường hợp được xác định có chỉ tiêu EO vượt ngưỡng quy định của EU. Đối với sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia được Malta xác định mối nguy là sản xuất từ gạo biến đổi gene, doanh nghiệp có trách nhiệm đáp ứng các quy định về các sản phẩm theo các tiêu chuẩn mà nước nhập khẩu đưa ra.

Đối với cảnh báo từ Ba Lan về sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam, thông tin ban đầu, hồ sơ nhập khẩu của doanh nghiệp chưa đầy đủ nên bị trả lại.

Đối với cảnh báo của Đức về sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu, hiện vẫn đang được xác minh, tuy nhiên có khả năng lô hàng này xuất khẩu từ năm 2021. Theo quy định của EU, thời điểm này các lô hàng chưa bị kiểm soát chỉ tiêu EO khi xuất khẩu.

TS Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Na cho hay, từ đầu năm đến nay, hệ thống cảnh báo về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU đã phát đi 2.531 cảnh báo sản phẩm của các quốc gia vi phạm quy định. Riêng Việt Nam có 50 cảnh báo liên quan nông sản, thực phẩm. Trong đó, 1 sản phẩm mì ăn liền bị cảnh báo vì mối nguy chứa chất ethylene oxide vượt ngưỡng quy định của EU. Đây là mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty CP Thực phẩm Á Châu, bị cảnh báo tại thị trường Đức. Việc lô hàng được sản xuất theo nhãn riêng của nhà nhập khẩu. Các doanh nghiệp vẫn thường tin tưởng nhà nhập khẩu sẽ am hiểu thị trường tại chỗ nên tin tưởng "gia công". Nhưng khi bị cảnh báo vi phạm thì nhà sản xuất bị thiệt hại, ảnh hưởng uy tín. Các quy định về SPS (các vấn đề liên quan vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật) là pháp lý bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ bên cạnh các yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng, thương mại mà bên mua yêu cầu.

Đối với chỉ tiêu ethylene oxide trong các sản phẩm thảo mộc, rau củ khô, hạt vừng (có trong gói gia vị của mì ăn liền), hiện EU quy định ngưỡng cho phép rất thấp, từ 0,01 mg/kg – 0,02mg/kg trong khi Mỹ, Canada cho phép ngưỡng tối đa lên đến 7 mg/kg. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU phải hết sức chú ý, cần phải điều chỉnh công nghệ, kiểm soát nguyên liệu để phù hợp với yêu cầu thị trường. Những quy định liên quan SPS được các thị trường cập nhật liên tục, doanh nghiệp cần theo dõi. Doanh nghiệp tránh trường hợp cứ sản xuất theo đơn đặt hàng cũ của đối tác có thể bị vi phạm phải cảnh báo.

Các doanh nghiệp có thể vào website Văn phòng SPS Việt Nam (http://www.spsvietnam.gov.vn) để cập nhật thông tin.

Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, theo đề nghị từ phía EU, thời gian qua Bộ Công thương đã triển khai nhiều hoạt động tăng cường kiểm soát trong chuỗi cung ứng thực phẩm như chủ động thiết lập hệ thống kiểm soát chỉ tiêu EO trong thực phẩm thông qua mạng lưới các cơ quan kỹ thuật, cơ sở kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước; hướng dẫn các doanh nghiệp trong ngành gia tăng các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất, tập trung vào hệ thống các nhà cung ứng nguyên liệu và lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu EO theo quy định của EU.

Cùng với đó, Bộ Công thương đã thành lập Tổ công tác kiểm tra các dây chuyền sản xuất và giám sát chủ động trên diện rộng với 3 nhóm sản phẩm mì ăn liền tại Việt Nam bao gồm: Nhóm sản phẩm tiêu thụ ở thị trường trong nước, nhóm sản phẩm nhập khẩu và nhóm sản phẩm xuất khẩu. Những lô hàng xuất sau ngày 17/2 đến nay được kiểm soát EO chưa có lô hàng nào bị trả lại

Bộ Công thương lưu ý kể từ ngày 17/2/2022, EU đã áp dụng yêu cầu về chứng thư đối với từng lô sản phẩm mì ăn liền nhập khẩu vào khu vực này. Do đó, doanh nghiệp nên lưu ý tới các yêu cầu về hồ sơ để đảm bảo đáp ứng quy định, tránh các trường hợp bị từ chối nhập khẩu liên quan tới thông tin hồ sơ.

Một lần nữa, Bộ Công thương khuyến cáo các doanh nghiệp, để tránh vi phạm các quy định của các thị trường dự kiến xuất khẩu sản phẩm, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, tìm hiểu thị trường, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến các biện pháp kỹ thuật của từng thị trường để đảm bảo tuân thủ đầy đủ trước khi tiến hành xuất khẩu hàng hóa. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình giải quyết các khó khăn vướng mắc đối với hoạt động xuất khẩu.

Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tiêu thụ mì ăn liền
Cục An toàn thực phẩm phản ứng thế nào trước việc Ireland thu hồi sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo?
Khẩn trương ban hành quy chuẩn về mức giới hạn Etylen oxit trong thực phẩm
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động