Thứ sáu 19/04/2024 19:44

Các chính sách miễn giảm thuế ảnh hưởng đến thu ngân sách

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Ngày 12-6, thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai chia sẻ: Qua giám sát nhiều địa phương cho thấy, vấn đề trăn trở nhất là chính sách miễn giảm thuế tác động rất nhiều đến thu ngân sách địa phương.

Theo báo cáo Thẩm tra Về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015 do Ủy ban Tài chính-Ngân sách của QH, về cơ bản các Bộ, ngành, đơn vị đã thực hiện tốt công tác kế toán, khóa sổ, lập báo cáo quyết toán, thẩm định, phê duyệt quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN).

Công tác thực hiện quyết toán NSNN năm 2015 đã tuân thủ quy trình, thủ tục theo luật định. Về thu ngân sách Nhà nước, tổng thu cân đối NSNN năm 2015 là 1.291.342 tỷ đồng, trong đó các khoản thu theo dự toán được Quốc hội quyết định là 998.217 tỷ đồng, tăng 9,6% (87.117 tỷ đồng) so với dự toán.

Đồng thời, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, bất cập như công tác quản lý thu thuế vẫn có mặt hạn chế, chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế còn lớn; cơ chế tự tính tự khai, tự nộp thuế là cơ chế ưu việt trong quản lý thuế nhưng có nơi, có chỗ bị lợi dụng vì ý thức của người nộp thuế chưa cao, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát thuế chưa hiệu quả; Việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) chưa kịp thời, dẫn đến quyết toán chưa phản ánh chính xác số thu và bội chi NSNN…

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) thống nhất với số liệu quyết toán năm 2015 và chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại. “Nhiều năm nay, quyết toán chưa phản ánh đúng số thu ngân sách, làm sai lệch tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thu và bội chi ngân sách. Nguyên nhân là do quyết toán hoàn thuế GTGT theo dự toán không phải theo số thực tế phải hoàn. Những năm gần đây, Chính phủ đã quyết tâm khắc phục tình trạng này nhưng vẫn chưa triệt để, không thể dự toán chính xác tuyệt đối số hoàn thuế”.

B MAi
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội): Việc miễn giảm thuế trên diện rộng trong thời gian dài sẽ tác động đến thu NSNN ảnh Tư liệu

ĐB Hoàng Quang Hàm đề nghị, Chính phủ cần đổi mới công tác quyết toán thu theo hai cách: Một là kịp thời trình Quốc hội điều chỉnh dự toán hoàn thuế theo đúng thực tế để quyết toán chính xác số thu ngân sách hoặc theo cách thứ hai là chỉ đưa vào thu ngân sách số thu NSNN thực sự được hưởng, là số thu sau khi đã trừ hoàn thuế.

Thứ hai, nhiều năm nay tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu nhưng thu ngân sách luôn luôn vượt dự toán. Thực trạng này thể hiện thu NSNN có những nguồn thu không vững chắc, không phải tự nội lực phát triển sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Chính phủ đã dùng các biện pháp tình thế để hoàn thành kế hoạch thu như khai thác thêm dầu thô, thu từ đất, thoái vốn Nhà nước…

“Đây là vấn đề Chính phủ cần phải cân nhắc kỹ, vì để cân đối ngân sách bền vững thì nguồn thu phải bền vững, để khống chế bội chi và bảo đảm an toàn nợ công thì phải chi trong khả năng của nền kinh tế và vay trong khả năng trả nợ. Bên cạnh đó, đất đai, tài nguyên, dầu thô là của để dành, có giới hạn và cần phải khai thác hợp lý, nhất là khi không được giá”, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh.

Để chấn chỉnh kỷ luật ngân sách, theo ĐB Hoàng Quang Hàm, Chính phủ cần cân nhắc có một Nghị quyết để triển khai Nghị quyết của Quốc hội, giao cho một cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc và có báo cáo cụ thể chi tiết và rõ mức độ xử lý.

Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đánh giá, việc chỉ đạo quyết liệt tổ chức thực hiện NQ của QH về dự toán NSNN 2015 đã góp phần khắc phục những khó khăn nhất định, duy trì tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, đảm bảo được những cân đối lớn của nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

ĐB Mai Sỹ Diến cho rằng, việc các DN tự kê khai nộp thuế và quyết toán qua mạng là tốt nhưng chưa thống nhất có kết quả kiểm toán về báo cáo tài chính để xác định mức thu chính sách thu thuế hợp lý…

Đối với việc chấp hành quy định pháp luật về thu NSNN năm 2015, thu NSNN tăng hơn 87 nghìn tỷ đồng so với dự toán thu nhưng tăng chủ yếu từ ngân sách địa phương là hơn 82 nghìn tỷ đồng, việc tăng thu chủ yếu lại từ nguồn cấp quyền sử dụng đất- một nguồn thu không ổn định và không phản ánh được nội lực phát triển của nền kinh tế. Nguyên nhân của vấn đề trên như báo cáo của kiểm toán là do một số địa phương khi lập dự toán thu đã ước thực hiện thu năm 2014 thấp hơn so với khả năng thực hiện, dự toán chưa đầy đủ, chưa bao quát hết nguồn thu trên địa bàn.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) bày tỏ bất cập là tình trạng lồng ghép các chính sách xã hội và chính sách thuế khá phổ biến. Đôi khi chúng ta sử dụng công cụ thuế như một công cụ hữu hiệu để giải quyết vấn đề mang tính xã hội, điều này mất đi tính trung lập của thuế và cũng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Các quy định miễn giảm thuế chưa mang tính hệ thống. Hiện nay ngoài các đạo luật về thuế quy định miễn giảm thuế thì nhiều đạo luật khác cũng quy định như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ Môi trường ảnh hưởng đến tính hệ thống của các quy định này.

Việc miễn giảm thuế trên diện rộng trong thời gian dài sẽ tác động đến thu NSNN. Tính riêng năm 2013 khi thực hiện giảm thuế thu nhập đặc biệt đã giảm thu ngân sách 2.380 tỷ; năm 2014 giảm 2.500 tỷ, chưa kể giai đoạn vừa qua trong nhiều năm từ 2008 đến nay đã áp dụng liên tục 6 NQ của QH về miễn giảm thuế thuế, tác động đến thu ngân sách.

Bên cạnh đó, chính sách miễn giảm thuế góp phần làm giảm tỷ lệ hội viên huy động vào ngân sách Nhà nước. Năm 2011 tỷ lệ huy động vào ngân sách 26% thì năm 2015 còn 23,8%. Nếu so sánh năm 2016 với năm 2010 thì tỷ lệ hội viên đạt 24,9% đến năm 2011-2015 tỷ lệ hội viên chỉ còn 20,9%, không đạt được mục tiêu đề ra là 22-23%. Nếu so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Lào, Malaysia thì tỷ lệ của chúng ta thấp hơn rất nhiều… Qua giám sát nhiều địa phương vấn đề trăn trở nhất là chính sách miễn giảm thuế tác động rất nhiều đến thu ngân sách địa phương, ĐB Vũ Thị Lưu Mai chia sẻ.

Phân tích về những bất cập trong chính sách giảm thuế, ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng việc thực hiện miễn giảm thuế trong một số trường hợp tạo tâm lý chưa thực sự bình đẳng giữa người được miễn giảm và người không được miễn giảm. Theo phóng sự điều tra ngày 8-6 trên chương trình thời sự, nhiều DN cho rằng vấn đề thuế không phải mấu chốt mà vấn đề họ kỳ vọng là Chính phủ có chính sách xúc tiến thương mại, mặt bằng sản xuất, khoa học công nghệ, hỗ trợ về vốn, tín dụng.

Vân Hà / PL&XH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động