Cả nước đồng lòng hướng về tâm dịch Bắc Giang
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhận lệnh lên đường ngay trong đêm
Ngay trong cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã giao cho Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt, toàn quyền “điều quân” từ mọi nơi tới Bắc Giang. Đồng thời, cần “đảo quân”, bố trí để các cán bộ, nhân viên y tế đã tham gia từ đầu đợt dịch tới giờ có cơ hội nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Riêng với lực lượng xét nghiệm, Bộ trưởng đã yêu cầu các trường Y trên cả nước phải chuẩn bị nhân lực lượng sẵn sàng với hơn 20.000 người. Cục Khoa học Đào tạo và Công nghệ sẽ điều phối, tập huấn cho lực lượng này để chi viện cho Bắc Giang thay thế lực lượng hiện đang chống dịch tại tỉnh nhằm đủ lực lượng duy trì chiến đấu.
Về điều trị, Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện có các đơn vị hồi sức tích cực mạnh như: BV Chợ Rẫy ở TP Hồ Chí Minh, BV Phổi Trung ương, BV Bạch Mai, BV Đại học Y Hà Nội hỗ trợ cho Bắc Giang điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt các bệnh nhân nặng.
Thực hiện chỉ đạo đó, ngay trong đêm 25-5, BV Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh đã cử đội ngũ tinh nhuệ gồm 13 thành viên của đội phản ứng nhanh lên đường hỗ trợ cho Bắc Giang.
Đoàn công tác của BV Chợ Rẫy gồm 13 người lên đường Bắc Tiến hỗ trợ Bắc Giang (ảnh: BVCR) |
Trong đoàn lần này có BS Chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu (người từng được biết đến điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng, trong đó có BN91-nam phi công người Anh trong đợt dịch năm 2020). BS. Linh chia sẻ: Để hỗ trợ Bắc Giang trong công tác phòng, chống dịch, điều trị bệnh nhân Covid-19, anh cùng đồi nghiệp đã sẵn sàng chung tay với cả nước, chi viện lực lượng đến “chia lửa” với đội ngũ nhân viên y tế nơi tuyến đầu.
Ê kíp gồm 13 thành viên, trong đó có 6 bác sĩ, 7 điều dưỡng, kỹ thuật viên tại các khoa: Hô hấp, Cấp cứu, Hồi sức- Cấp cứu, Tim mạch, Truyền nhiễm, và các khoa cận lâm sàng.
Tất cả đều là những bác sĩ, nhân viên y tế tinh nhuệ đến từ các khoa, phòng, có năng lực chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm trong các lần “chi viện” tới các điểm nóng của dịch COVID-19 trên toàn quốc (điển hình là các bác sĩ đã tham gia vào đợt chi viện ở Đà Nẵng trong đợt dịch tháng 7-2020).
Với lực lượng tinh nhuệ nhất đến Bắc Giang, ê-kip các bác sĩ đã dự trù các tình huống có thể xảy ra khi điều trị cho bệnh nhân Covid-19: Phải cấp cứu, lọc máu, chạy ECMO, kiểm soát bằng máy thở, sử dụng hệ thống siêu âm, vận chuyển bệnh nhân cấp cứu…
BS. Chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh (bên phải), người từng điều trị cho BN91-nam phi công người Anh cũng có mặt trong chuyến đi này (ảnh: BT) |
Bên cạnh đó, các bác sĩ BV Chợ Rẫy sẵn sàng hỗ trợ, tổ chức tập huấn cho các địa phương trong cả nước để phát triển năng lực phòng, chống dịch bệnh của địa phương trên tinh thần “4 tại chỗ”. Phát triển cơ sở hạ tầng, nhân lực, xét nghiệm, năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19; đặc biệt là những bệnh nhân nặng.
Hoàn thành thiết lập 58 giường điều trị tích cực
Thống kê của tỉnh Bắc Giang cho thấy, đến tối 25-5 trên địa bàn tỉnh ghi nhận tổng số 1.431 bệnh nhân Covid-19. Riêng trong ngày 25-5 đã ghi nhận 375 trường hợp. Trong đó có 4 bệnh nhân nặng đang thở máy, tiên lượng nặng; có 24 bệnh nhân đang thở oxy gọng kính; 1 ca tử vong.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, BV Bạch Mai đã cử nhiều đoàn công tác về Bắc Giang và Bắc Ninh để hỗ trợ 2 tỉnh này chống dịch Covid-19. Tại Bắc Giang, đoàn BV Bạch Mai có 2 nhiệm vụ: Hỗ trợ Bắc Giang thành lập đơn vị ICU với công suất 58 giường được đặt ở BV Phổi Bắc Giang và thành lập BV dã chiến qui mô 620 giường được đặt tại Nhà thi đấu tỉnh.
TS-BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, “chỉ huy trưởng” của đơn vị ICU cho biết: Sau 4 ngày khẩn trương, thần tốc phối hợp cùng các anh em và đồng nghiệp tại Bệnh viện phổi Bắc Giang, đến 12g30 ngày 25-5, đơn vị ICU đã chính thức đi vào hoạt động và hiện đang điều trị cho 9 bệnh nhân Covid-19 nặng của tỉnh Bắc Giang.
Phòng Điều trị tích cực tại BV Phổi Bắc Giang với 58 giường được thiết lập xong bởi đoàn công tác của BV Bạch Mai (ảnh: Thế Anh) |
Với việc được trang bị đầy đủ máy móc hiện đại và nhân lực, đơn vị ICU đặt tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang kỳ vọng sẽ tiếp nhận điều trị toàn bộ bệnh nhân Covid-19 nặng của Bắc Giang, để những bệnh nhân này không phải chuyển lên tuyến trên.
Trực tiếp chỉ huy thành lập BV dã chiến tại nhà thi đấu Bắc Giang, TS-BS. Đỗ Ngọc Sơn-Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai cho biết: Bệnh viện dã chiến tại nhà thi đấu Bắc Giang có công suất 620 giường, được chia làm 3 khu chính: khu hành chính; khu điều trị bệnh nhân và khu nhân viên y tế.
Đến ngày 25-5 phần khung thô của bệnh viện đã hoàn thiện, cần bổ sung thiết bị máy móc, bình oxy, các hệ thống làm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Với tinh thần khẩn trương, hi vọng trong 2-3 ngày tới, BV dã chiến này sẽ đi vào hoạt động và tiếp nhận điều trị các bệnh nhân Covid của Bắc Giang.
Cả nước chia lửa cùng Bắc Giang
Trước đó, nhiều đoàn công tác của ngành y tế các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Yên Bái… đã lên đường “chia lửa”, hỗ trợ Bắc Giang, Bắc Ninh phòng dịch Covid-19.
Ngày 16-5, UBND TP Hà Nội đã cử đoàn cán bộ y tế trực tiếp tham gia hỗ trợ huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đoàn công tác gồm 20 bác sỹ, nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã mang kinh nghiệm và biện pháp xử lý phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội để hỗ trợ Bắc Giang trong công tác truy vết, xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng, phun hóa chất khử khuẩn, hạn chế dịch bệnh lây lan và bùng phát.
Đồng thời, đại diện CDC Hà Nội-ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc đã trao tặng CDC tỉnh Bắc Giang 1 tấn Cloramin B để phun khử trùng chủ phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội trao ủng hộ của Hà Nội cho CDC Bắc Giang (ảnh: Đức Vân) |
Ngày 24-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã kêu gọi cả nước trợ giúp Bắc Giang, Bắc Ninh vượt khó chống dịch Covid-19. Và ngay trong ngày 24-5, qua sự kết nối của Bộ Y tế 14 doanh nghiệp, tổ chức đã trao tặng số tiền hơn 5 tỷ đồng cùng các nhu yếu phẩm như: hơn 15.000 tấn gạo; hơn 1.000 thùng sữa và nước trái cây; 1 triệu thùng mỳ tôm; 250 thùng nước yến; 500 thẻ bảo hiểm an toàn cho cán bộ y tế trị giá 25 tỷ đồng… cùng thuốc, khẩu trang hỗ trợ nhân dân và người lao động, nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại 2 địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, các tập đoàn và người dân trong cả nước thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ hướng về tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang cùng hỗ trợ, chia sẻ với hai tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch này, giúp hai tỉnh đối phó với dịch một cách hiệu quả.
Bộ trưởng khẳng định sự những sự hỗ trợ này thể hiện rõ nét tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam. “Bắc Ninh và Bắc Giang chống dịch tốt sẽ góp phần vào công cuộc chống dịch của cả nước. Do đó, chúng tôi cũng mong các địa phương trong cả nước hướng về Bắc Ninh, Bắc Giang để có những hỗ trợ hết sức thiết thực đến nhân dân và người lao động trên địa bàn 2 tỉnh”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Cùng với sự chung tay của ngành y tế, nhiều tổ chức, cá nhân cũng chung tay hỗ trợ người dân, công nhân trong vùng cách ly về nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm. Thậm chí khi hoa quả đến mùa vụ thu hoạch như dứa, vải cũng được nhiều tổ chức, cá nhân đứng ra thu gom nhằm hỗ trợ người dân trong vùng dịch vận chuyển tới nơi tiêu thụ với mức giá tốt nhất…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại