Thứ hai 20/05/2024 16:00
Góp ý Dự thảo Phòng, chống tác hại của rượu bia

Bộ Y tế đề xuất kiểm soát quảng cáo bia

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 25-5, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các bên liên quan về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mà Bộ là cơ quan soạn thảo.

Phía các doanh nghiệp đặt vấn đề: Luật Quảng cáo không cấm quảng cáo bia. Vậy Dự thảo luật đưa nội dung này cấm quảng cáo bia có đúng không?.

Lý giải điều này, bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết: Dự thảo Luật hiện nay chỉ đề xuất hạn chế/kiểm soát quảng cáo bia chứ không cấm hoàn toàn quảng cáo bia. Điều này là phù hợp với chủ trương chung của Nhà nước đã đề ra trong Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.

Cụ thể, Chiến lược Quốc gia nêu rõ: Giải pháp kiểm soát chặt chẽ quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại rượu, bia và đồ uống có cồn khác gồm: Nghiên cứu biện pháp phù hợp để cấm toàn diện quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại đối với rượu, bia và đồ uống có cồn khác từ 15 độ trở lên. Nghiên cứu đề xuất các biện pháp quản lý phù hợp đối với hoạt động quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại và tài trợ để quảng cáo đối với rượu, bia và đồ uống có cồn khác dưới 15 độ.

Trên phương diện quốc tế, chiến lược toàn cầu giảm sử dụng chất có cồn ở mức có hại do Đại hội đồng Y tế thế giới thông qua năm 2010 đã đưa ra các giải pháp kiểm soát đồ uống có cồn bao gồm biện pháp kiểm soát quảng cáo, tiếp thị mọi loại đồ uống có cồn bao gồm cả rượu và bia. Chiến lược thể hiện cam kết cả các quốc gia thành viên của WHO về duy trì hành động ở tất cả các cấp.

Bên cạnh đó, chính sách kiểm soát quảng cáo bia (cấm hoàn toàn, hoặc hạn chế một phần) cũng đã được áp dụng ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Cụ thể, quy định hạn chế quảng cáo bia trên các kênh truyền hình, báo/tạp chí, internet, mạng xã hội đã được nhiều quốc gia áp dụng.

Luật Quảng cáo không quy định cấm quảng cáo bia thì Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia vẫn có thể quy định các biện pháp hạn chế đối với quảng cáo bia vì việc một luật sửa nhiều luật đã được Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định.

bo y te de xuat kiem soat quang cao bia
Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia vẫn tiếp tục xin ý kiến đóng góp của các bên liên quan (ảnh V.H)

Đồng thời, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy pháp luật ban hành sau.

Vì vậy, việc Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định một số vấn đề khác với các quy định tại các văn bản luật ban hành trước nhằm đáp ứng mục tiêu phòng, chống tác hại của rượu, bia là bảo đảm tính hợp pháp.

Liên quan đến hoạt động tài trợ của các hãng bia, một số doanh nghiệp cho rằng: Tác hoạt động văn hóa và thể thao xã hội hóa (do các doanh nghiệp tài trợ) đem đến cho rộng rãi công chúng tại Việt Nam các chương trình giải trí hấp dẫn, đẳng cấp quốc tế.

Những hoạt động này cũng góp phần giúp hỗ trợ phát triển ngành dịch vụ du lịch và ẩm thực Việt Nam, đóng góp cho nền kinh tế ở các địa phương phát triển, tạo việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống nói chung. Tại các sự kiện này, Ban tổ chức không bán bia mà còn nhân cơ hội này để tuyên truyền về hành vi uống có trách nhiệm.

Bà Trần Thị Trang nêu rõ: Sử dụng rượu bia với những hậu quả lớn về mặt sức khỏe, kinh tế, văn hóa và xã hội đi ngược với những mục tiêu của văn hóa, thể thao và giáo dục. Đối với các hoạt động thuộc các lĩnh vực này, nhà nước cần cấm tài trợ và nhận tài trợ. Ngoài ra, đối với các hoạt động tài trợ khác, thì hoạt động tài trợ không được gắn với việc quảng bá tên tuổi của các công ty vì đây thực tế là một hình thức quảng cáo.

Ở Việt Nam, do không có chính sách kiểm soát nên các hoạt động tài trợ bia gắn liền với thể thao, lễ hội âm nhạc nhắm trực tiếp đến giới trẻ nhiều vô kể, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết. Thậm chí, các công ty bia còn sử dụng hình ảnh cầu thủ bóng đá được yêu thích của giới trẻ trong video quảng cáo của mình. Mức độ tác động của các sự kiện ngày càng lớn với sự lan tỏa của mạng xã hội hiện nay.

“Uống có trách nhiệm” là một thông điệp không rõ ràng. Nó chỉ có ý nghĩa với người không uống rượu bia, còn một khi đã uống thì người uống còn chẳng kiểm soát nổi bản thân, huống gì đến từ trách nhiệm. Đây là một khái niệm mập mờ vì không ai có thể xác định thế nào là “uống có trách nhiệm” và đâu là ngưỡng”, bà Trần Thị Trang nhấn mạnh.

Những tác động của rượu bia lên hệ thần kinh diễn ra chậm hơn và kéo dài hơn thời gian sử dụng. Người uống khi cảm thấy bắt đầu có dấu hiệu say để dừng thì lượng cồn thực tế đã nạp vào dạ dày và lưu thông trong máu sẽ vẫn tiếp tục tác động đến hệ thần kinh và tình trạng say rượu sẽ xảy ra cả sau khi người uống đã dừng uống.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động