Bỏ trang phục bảo hộ sẽ mất "vũ khí" bảo vệ nhân viên y tế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGần đây, có một số ý kiến cho rằng liệu nhân viên y tế, đặc biệt đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm, lực lượng y tế làm việc ở tại cộng đồng có nhất thiết phải mặc bộ quần áo bảo hộ như vậy không? Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang bày tỏ: Thời điểm này, thời tiết rất khắc nghiệt tại Bắc Giang đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của nhân viên y tế, các em học sinh, sinh viên làm việc trực tiếp ngoài cộng đồng. Phải nói là đây là sự quan ngại hết sức lớn của Bộ phận thường trực.
Để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế, các em học sinh sinh viên đến tham gia cùng phòng, chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang, chúng tôi đã có một số chỉ đạo, yêu cầu tất cả đoàn công tác phải đảm bảo sức khỏe, được bồi dưỡng về mặt dinh dưỡng, một số loại nước uống sẵn sàng để nâng cao sức khỏe.
Bên cạnh đó, thời gian lấy mẫu ngoài cộng đồng, chúng tôi đã yêu cầu các đoàn bố trí lấy mẫu với hai ca là từ sáng sớm đến 9g và buổi chiều tiến hành từ 19g-23g. Các điểm lấy mẫu phải ở vùng râm mát, có thông khí, có quạt. Buổi tối, ban đêm, phải đầy đủ ánh sáng để phục vụ, đảm bảo công tác an toàn, chính xác của các đoàn được tốt nhất.
"Quan điểm của Bộ Y tế cho đến giờ phút này là tiêu chí an toàn của người lấy mẫu đặt lên hàng đầu. Trước đến giờ, tất cả nhân viên y tế đi lấy mẫu đều đã được trang bị trang phục, đồ bảo hộ an toàn. Các ý kiến cho rằng không cần thiết bộ trang phục bảo hộ, chúng tôi sẽ lưu ý và nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, trong tình hình hiện giờ, nếu bỏ bộ trang phục bảo hộ sẽ làm mất vũ khí bảo vệ cho nhân viên y tế khi tham gia lấy mẫu", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định
Đồng thời, Bộ Y tế đã họp chuyên gia và nhận thấy giải pháp thay thế bộ đồ thoáng khí hơn, dùng quạt thông gió, bán mặt nạ là không khả thi vì có thể gây tăng ô nhiễm khuếch tán, giá thành cao mà không mang lại nhiều hiệu quả.
Giải pháp khả thi nhất hiện nay là sử dụng quạt đeo, giúp không khí đối lưu khi mặc bộ đồ, làm giảm nóng bức khó chịu. Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường đã nghiên cứu, chế tạo xong và chờ nhà sản xuất. Ngoài ra, Bộ Y tế đang xem xét giải pháp cấp khí sạch làm mát tạm thời cho nhóm 4 người.
Bộ Y tế đã đề nghị Viện Vệ sinh Lao động về những trang phục bảo hộ có thổi khí từ bên ngoài, giảm nhiệt độ bên trong. Theo ông Sơn, trong ngày 1-6, Bắc Giang sẽ triển khai một số thử nghiệm loại trang phục này, có thể cung cấp rộng rãi cho các nhân viên làm nhiệm vụ lấy mẫu, tiếp nhận, điều trị, hồi sức.
Việc lấy mẫu xét nghiệm đã được chia ca vào buổi sáng sớm và chiều tối để giảm áp lực nắng nóng cho đội ngũ tham gia chống dịch (ảnh: BYT) |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, hiện Bắc Giang huy động lực lượng cán bộ y tế đông nhất từ trước đến nay với khoảng 2.200 các y, bác sĩ; sinh viên trường đại học; các tình nguyện viên trong công tác giám sát, thu dung, điều trị và kiểm soát dịch tại các khu công nghiệp và toàn tỉnh Bắc Giang.
Từ khi thành lập (ngày 8-5) đến nay, Bộ phận thường trực đặc biệt đã góp phần giúp đỡ cho tỉnh ủy, UBND, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bắc Giang trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành, đặc biệt hoạt động giám sát dịch tễ. Bộ Y tế đã cử chuyên gia giỏi nhất về điều trị hỗ trợ xây dựng khu hồi sức cho Bắc Giang. Lực lượng y tế tham gia vào công tác điều trị trực tiếp, thu dung các bệnh nhân Covid-19.
Bên cạnh đó, một công tác vô cùng quan trọng phải làm thần tốc là lấy mẫu xét nghiệm cũng đã được Bộ Y tế điều động lực lượng nhân viên y tế rất lớn đến lấy mẫu khoanh vùng, dập dịch sớm.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại