Bố mẹ "đánh thuốc mê" đưa con gái đi viện tâm thần vì nghiện... điện thoại
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLiên quan đến sự việc trên, sáng ngày 7-1, Tiến sĩ Tô Thanh Phương - Trưởng khoa Cấp tính nữ (Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I - Thường Tín, Hà Nội) cho biết, mới đây, bệnh viện tiếp nhận một trường hợp nữ sinh mắc chứng trầm cảm vì quá nghiện điện thoại, mạng xã hội Facebook. Khuyên con không được, bố mẹ phải đánh thuốc mê đưa con đến bệnh viện.
“Trường hợp trên là em Nguyễn Ngọc Linh (18 tuổi, ở Hà Nội). Theo gia đình thì trước đây, Linh là một học sinh giỏi, liên tục đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Tuy nhiên, từ đầu năm học lớp 12 đến nay, lực học của nữ sinh này bỗng nhiên sa sút, thậm chí em còn sống thu mình, khép kín không chỉ với bạn bè, mà cả với những người thân trong gia đình” - TS. Phương thông tin trên Dân trí.
Một trường hợp phải nhập viện vì nghiện điện thoại, Facebook. Ảnh: Dân trí |
Báo Tiền phong cho hay, theo lời người nhà bệnh nhân kể lại, trước khi vào lớp 12 con gái ông là học sinh giỏi, rất ngoan. Tuy nhiên, 4 tháng gần đây ông thấy con bỗng thay đổi tính nết, sống khép mình, không giao lưu với bạn bè, học tập giảm sút nghiêm trọng. Gia đình bắt đầu để ý con và phát hiện con gái suốt ngày ôm điện thoại.
“Bạn rủ đi thăm thầy cô ngày 20-11, cháu cũng không đi, thậm chí đến bữa cũng không xuống ăn. Nhiều hôm thức đến 2-3g. Có lần, tôi về nhà giữa trưa có việc, vô tình bắt quả tang con trốn học ở nhà ôm điện thoại. Khuyên bảo con không được, vợ chồng tôi quyết định cắt mạng internet. Không ngờ sau đó, cháu có phản ứng dữ dội, đập phá đồ đạc, chửi, chống trả bố mẹ”- người bố kể lại
Gia đình đã mời bác sĩ tâm lý đến nhà nhưng con gái ông bất hợp tác. Cuối cùng nghe theo lời bác sĩ, vợ chồng ông đành phải “đánh” thuốc mê rồi đưa con đi viện điều trị.
Về trường hợp này, BS Tô Thanh Phương cho hay, bệnh nhân mắc chứng trầm cảm do nghiện mạng xã hội.
“Bệnh nhân đã được điều trị đang theo phác đồ điều trị trầm cảm nhưng không hợp tác nên cần sự hỗ trợ tâm lý rất lớn từ phía gia đình”- BS Phương nói.
Theo BS Phương, ngày càng có nhiều trường hợp trầm cảm do nghiện điện thoại, Facebook, game phải nhập viện. Từ tần suất thấp, dần dần người bệnh chỉ thích chơi duy nhất chiếc điện thoại, xa lánh thế giới bên ngoài. Trong 6 tháng đầu, người bệnh ở giai đoạn cấp tính và điều trị cần ít nhất 6 tháng. Nếu để nghiện lâu trên 6 tháng thì sẽ chuyển sang mãn tính và thời gian điều trị có thể kéo dài 3-5 năm…
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại