Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế phối hợp chăm sóc sức khỏe nhân dân
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: “Trải qua nhiều năm chiến tranh, lại thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiên tại, dịch bệnh và những tai nạn, rủi ro về sức khỏe nên hiện nay số người có vấn đề xã hội của Việt Nam rất lớn, chiếm trên 20% dân số”.
“Cả nước hiện có 9 triệu người có công, trên 10 triệu người cao tuổi; 7,6 triệu người khuyết tật; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 2,783 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; trên 2 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm. Ngoài ra ngành LĐ-TB&XH còn phải quản lý khoảng 254 nghìn người nhiễm HIV được phát hiện; hơn 210 nghìn người nghiện ma túy; hơn 48 nghìn người bán dâm”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thông tin.
Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, cả nước có khoảng 53 triệu lao động. Trong đó có 22 triệu người lao động làm việc trong khu vực có hợp đồng lao động. Khoảng trên 30 triệu người lao động còn lại làm việc trong khu vực phi kết cấu, không có hợp đồng lao động, tự kiếm sống và không tham gia bảo hiểm xã hội. Việc khám sức khỏe định kỳ và phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp, triển khai các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm, quản lý các bệnh không lây nhiễm, bệnh liên quan đến nghề nghiệp cho người lao động rất cần được chú trọng.
“Bộ LĐ-TB&XH tin tưởng rằng, việc hai Bộ ký kết chương trình hợp tác sẽ giúp cho việc triển khai công việc của hai ngành tốt hơn, những dịch vụ cung cấp cho người dân, những nhiệm vụ về quản lý đối tượng sẽ được thực hiện tốt hơn. Hai Bộ sẽ đóng góp tích cực hơn vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đem đến sự hài lòng cho người dân”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.
Nhấn mạnh công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân hiện còn nhiều khó khăn - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến hy vọng, với nỗ lực của toàn ngành Y tế và sự tham gia phối hợp tích cực của các bộ, ban, ngành và các tổ chức xã hội, -công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là công tác bảo vệ sức khỏe người lao động, người cao tuổi, người khuyết tật, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, an toàn lao động, phòng, chống đuối nước ở trẻ em sẽ ngày càng được củng cố, hoàn thiện góp phần xây dựng nền y tế Việt Nam theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao đổi Biên bản sau khi ký kết. Ảnh Mạnh Dũng |
Theo chương trình ký kết, hai Bộ sẽ bố trí nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới. Trong đó, tập trung vào việc triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và nâng cao sức khỏe cho nhân dân và người có công với cách mạng, người lao động, các đối tượng chính sách, người cao tuổi, người khuyết tật; phòng, chống bệnh nghề nghiệp; an toàn lao động, phòng, chống đuối nước ở trẻ em; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về y tế lao động xã hội, bình đẳng giới…
Bên cạnh đó, hai Bộ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng của ngành LĐ, TB&XH. Đặc biệt, trong giai đoạn 2018-2021, hai Bộ sẽ đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng mô hình thí điểm về chăm sóc y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng tại các cơ sở của ngành LĐ-TB&XH.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại