Thứ hai 20/05/2024 18:43

Biển quảng cáo cỡ lớn “đe dọa” người tham gia giao thông

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Ở những TP lớn như Hà Nội, HCM... dễ dàng bắt gặp những tấm biển quảng cáo kích thước lớn, nhiều màu sắc được tại các ngã ba, ngã tư, thu hút sự chú ý. Xung quanh những tấm biển này có nhiều chuyện đáng bàn.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Tại Hà Nội, những tấm biển quảng cáo đủ màu sắc đã tô điểm một phần đường phố, bộ mặt đô thị trông sống động và hiện đại hơn, và thường được đặt tại nơi đông người, đặc biệt là ngã ba, ngã tư, đã thu hút sự chú ý của nhiều người, mang lại hiệu ứng tốt cho doanh nghiệp muốn giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Tuy nhiên, những tấm biển này cũng tiềm ẩn nhiều hiểm họa khôn lường có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nếu như những chiếc đèn pha, đèn led bị lắp ẩu, hở điện. Đơn cử, vào cuối năm 2014 tại một thẩm mỹ viện trên phố Kim Mã (quận Ba Đình), ngọn lửa đã thiêu rụi 5 tầng nhà và lan sang một số nhà liền kề. Nguyên nhân sau đó được xác định là do tấm biển quảng cáo bị chập điện gây cháy.

Thực tế, các biển quảng cáo được treo ngoài trời rất dễ bắt lửa khi chập cháy, bởi được thiết kế bằng phông, bạt, gỗ. Các bức tường gắn biển thường được chủ nhà tận dụng tối đa diện tích, bao kín hoàn toàn mặt tiền của ngôi nhà nên tốc độ cháy sẽ lan nhanh hơn; hệ thống dây dẫn nguồn cấp điện lại không được kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên nên lớp vỏ cách điện dễ bị hư hỏng, gây chập cháy dây nguồn. Các tấm biển thường không được lắp các thiết bị bảo vệ điện như cầu dao nên khi xảy ra sự cố, nguồn cấp điện không được ngắt.

Những tấm biển quảng cáo cũng luôn ẩn họa mất an toàn đối với người đi đường khi được treo trên cao nhưng lại được làm quá diện tích cho phép, hoặc được gia cố để “nới” diện tích quảng cáo khiến người dân cảm thấy lo lắng khi đi qua những khu vực gắn biển, đặc biệt là vào mùa mưa bão.

Trong trận mưa dông tháng 9-2015, nhiều tuyến phố bị ngập sâu, hàng loạt cây bị bung gốc, đổ nghiêng ngả và rất nhiều biển quảng cáo bị đổ sập. Do đó, những tấm biển quảng cáo nếu lắp đặt tùy tiện, không đảm bảo kỹ thuật sẽ luôn là mối nguy cơ tiềm ẩn nguy hiểm đe dọa tính mạng người dân, nhất là người tham gia giao thông.

Chính quyền địa phương có cấp phép cho việc cơi nới để lắp biển quảng cáo trên nóc tòa nhà số 3 phố Tô Hiệu hay không? Ảnh: N.Tuấn

Ai chịu trách nhiệm?

Nguy hiểm là vậy, song vai trò quản lý của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong vấn đề này lại khá mờ nhạt. Hay nói chính xác hơn là sự quản lý, kiểm tra, kiểm soát còn lỏng lẻo, khiến nhiều tấm biển treo rất cao được chủ nhà tự ý cơi nới và cho thuê đặt quảng cáo.

Đơn cử như tại nhà số 3 phố Tô Hiệu, phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), chủ nhà đang cho gia cố thêm sắt, hàn khung để làm một tấm biển quảng cáo lớn trên nóc tòa nhà. Hay nhà số 221 đường Hoàng Quốc Việt, cũng tại phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy), tấm biển quảng cáo về nội thất được gắn ở vị trí cao quá mức so với chiều cao công trình, gây lo ngại cho người dân xung quanh và người đi đường.

Dư luận nghi ngờ có “điều gì đó” trong việc giám sát công trình, đảm bảo mỹ quan, an toàn đô thị. Theo tìm hiểu, những tấm biển quảng cáo lớn, muốn được lắp ráp, xây dựng cũng không hề đơn giản, phải trải qua nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương.

Nhiều cái lợi cũng như nhiều người hưởng lợi khi những tấm biển quảng cáo cỡ lớn được treo lên. Nhưng có lẽ sẽ chẳng ai dám chịu trách nhiệm khi những vụ cháy do những tấm biển này gây ra những vụ tai nạn. Câu hỏi là trách nhiệm thì ai sẽ đứng ra nhận: doanh nghiệp quảng cáo, người cho thuê quảng cáo hay cơ quan chức năng và chính quyền địa phương?

Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP Hà Nội), việc quảng cáo ngoài trời, trên tường nhà người dân, công trình cao ốc không được gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội. Đây là hành vi bị cấm trong Điều 8 của Luật Quảng cáo ban hành năm 2012. Do đó, cơ quan quản lý trong lĩnh vực này cũng như chính quyền địa phương cần phải kiểm tra, kiểm soát kỹ, đặc biệt là yếu tố kỹ thuật phải đảm bảo an toàn cho người dân.

“Rõ ràng mỗi tấm biển, pa-nô quảng cáo được dựng lên đều được gắn liền với trách nhiệm cấp phép của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương. Do đó khi xảy ra tai nạn do những tấm biển này gây nên, chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm liên đới” - luật sư Tuấn chỉ rõ.

Khoản 1, Điều 27 Luật Quảng cáo quy định: Việc đặt bảng quảng cáo phải tuân thủ quy hoạch quảng cáo của địa phương và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Điều 31 Luật này cũng quy định: Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép xây dựng công trình quảng cáo nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương. Sau khi được xét duyệt theo quy định, tổ chức, cá nhân mới được thực hiện.

Nguyễn Tuấn

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động