Bị tạm dừng hưởng chế độ phúc lợi, cặp vợ chồng khởi kiện
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBà Vịnh trao đổi với PV |
Những yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại
Theo Đơn khởi kiện và trong quá trình xét xử, nguyên đơn - bà Đinh Thị Vịnh trình bày, vợ chồng bà công tác tại Cty Vật tư nông nghiệp Hà Bắc, nay là Cty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang. Thời gian công tác của bà là 25 năm 7 tháng, được quy đổi là 26 năm 11 tháng. Ngày 30/7/2015, GĐ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bắc Giang có Quyết định số 07/QĐ-BHXH tạm dừng hưởng chế độ BHXH hàng tháng đối với bà. Lý do được nêu, để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh làm rõ hành vi sai phạm trong việc giả mạo hồ sơ hưởng chế độ BHXH; thời điểm tạm dừng kể từ tháng 8/2015.
Ngày 21/9/2017, GĐ BHXH tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 232/QĐ-BHXH về việc điều chỉnh mức hưởng chế độ BHXH (chế độ hưu trí về mất sức lao động) đối với bà Vịnh. Không đồng ý với Quyết định số 232/QĐ-BHXH của GĐ BHXH tỉnh Bắc Giang, bà Vịnh đã khởi kiện Quyết định số 232/QĐ-BHXH ra TAND tỉnh Bắc Giang.
Ngày 9/7/2018, TAND tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm. Bản án số 06/2018/HC-ST của TAND tỉnh Bắc Giang không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Vịnh và bà Vịnh kháng cáo. Ngày 25/6/2019, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm và tuyên, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Vịnh về việc yêu cầu hủy Quyết định số 232/QĐ-BHXH ngày 21/9/2017 của GĐ BHXH tỉnh Bắc Giang về việc điều chỉnh mức hưởng BHXH; Buộc GĐ BHXH tỉnh Bắc Giang thực hiện nhiệm, công vụ về giải quyết chế độ hưu trí đối với bà Vịnh theo quy định của pháp luật.
Do Quyết định số 07/QĐ-BHXH ngày 30/7/2015 của GĐ BHXH tỉnh Bắc Giang về việc tạm dừng hưởng chế độ BHXH hàng tháng của bà Vịnh trái pháp luật, dẫn đến bà bị thu hồi thẻ Bảo hiểm y tế dành cho cán bộ hưu trí nên từ tháng 8/2015 đến tháng 9/2019, bà Vịnh phải chịu những thiệt hại về vật chất và tinh thần trong việc khám chữa bệnh mà không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Lục nêu, ngày 21/9/2017, GĐ BHXH tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 231/QĐ-BHXH về việc điều chỉnh mức hưởng chế độ BHXH. Quyết định này nêu, điều chỉnh lại mức hưởng chế độ BHXH đối với ông Lục... Lý do điều chỉnh, do không đủ thời gian công tác để hưởng chế độ hưu trí. Sau khi điều chỉnh, thời gian công tác của ông là 20 năm 8 tháng... Hưởng chế dộ mất sức lao động kể từ ngày 1/9/1993: tỷ lệ hưởng 46%”.
Ông Lục cho rằng, việc chuyển ông sang chế độ mất sức lao động thì phải có biên bản giám định sức khỏe của Hội đồng giám định y khoa tại thời điểm nghỉ việc. Việc BHXH tỉnh Bắc Giang ra quyết định điều chỉnh mức lương chế độ BHXH sang chế độ mất sức lao động đối với ông là trái pháp luật. Do đó, ông Lục đề nghị BHXH tỉnh Bắc Giang bồi thường hơn 383 triệu đồng.
Tại tòa, luật sư Nguyễn Văn Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bảo vệ quyền và lợi ích cho ông Lục, bà Vịnh nêu, do Quyết định số 231/QĐ-BHXH ngày 21/9/2017, Quyết định số 232/ QĐ-BHXH của GĐ BHXH Bắc Giang về việc điều chỉnh mức hưởng chế độ BHXH của ông Lục và bà Vịnh từ chế độ hưu trí sang trợ cấp mất sức lao động dẫn đến BHXH Bắc Giang đã đổi thẻ BHYT của ông Lục và bà Vịnh được hưởng mức từ chế độ hưu trí sang mức trợ cấp mất sức lao động không có căn cứ. Luật sư nêu, việc BHXH tỉnh Bắc Giang thu thẻ BHYT nên ông Lục, bà Vịnh phải khám, chữa bệnh bên ngoài mà không được hưởng chế độ BHYT trong thời gian từ tháng 8/2015 đến tháng 10/2019
“Về việc khám, chữa bệnh của ông Lục, bà Vịnh, chúng tôi đã cung cấp cho BHXH tỉnh Bắc Giang các tài liệu chứng cứ: Sổ khám chữa bệnh, bệnh án, biên lai mua thuốc tại các nhà thuốc có địa chỉ rõ ràng. Toàn bộ hồ sơ này đã được TAND TP Bắc Giang thu thập từ cơ quan BHXH Bắc Giang. Thực tế, hầu hết việc khám bệnh và mua thuốc theo toa bác sỹ kê tại các nhà thuốc đều không xuất hóa đơn GTGT. Nay, các cơ sở khám chữa bệnh và nhà thuốc không thể xuất hóa đơn GTGT cho ông Lục, bà Vịnh là do thời điểm khám chữa bệnh và mua thuốc đã lâu, đã quá thời hạn xuất hóa đơn (các cơ sở này đã quyết toán xong năm tài chính)”- lời luật sư Thắng.
Ông Thắng cũng nêu các căn cứ chi phí dịch vụ pháp lý, tiền xe đi lại phục vụ việc đòi bồi thường, những thiệt hại thực tế, theo quy định của BLDS 2015, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Luật sư đề nghị toà chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Lục, bà Đinh Thị Vịnh, buộc BHXH tỉnh Bắc Giang bồi thường cho ông Nguyễn Văn Lục 383.000.000 đồng; bà Đinh Thị Vịnh 556.921.500 đồng.
Chỉ chấp nhận một phần đơn khởi kiện?
HĐXX nhận định, do Quyết định hành chính số 232/QĐ-BHXH ngày 21/9/2017 về việc điều chỉnh chế độ từ hưu trí về mất sức lao động bị tòa án hủy bỏ nên BHXH tỉnh Bắc Giang phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thực tế từ việc ban hành quyết định hành chính sai trái gây ra.
Việc bà Vịnh thuê luật sư có lập hợp đồng và có phiếu thu tiền, vụ việc tư vấn và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Vịnh và ông Lục đã được kết thúc bằng bản án có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao tại Hà Nội nên chấp nhận yêu cầu này của bà Vịnh.
Đối với yêu cầu bồi thường tiền đi lại theo kiện là 29 triệu đồng, bà Vịnh theo kiện cấp sơ thẩm ở Bắc Giang và phúc thẩm ở Hà Nội là có thật, việc đi lại và xét xử ở TAND cấp cao diễn ra ở Hà Nội. Đồng thời, bà Vịnh cũng nhiều lần phải đi ra BHXH Việt Nam để giải quyết vụ việc nên cần chấp nhận yêu cầu này của bà Vịnh. Tuy nhiên, bà Vịnh không cung cấp đầy đủ hóa đơn nên áp dụng quy định 1 năm theo kiện thì tính bằng 6 tháng lương tối thiểu (17.880.000 đồng).
Đối với yêu cầu bồi thường về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm, HĐXX thấy không có sự ảnh hưởng đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, sinh hoạt gia đình và cá nhân; không có chi phí hợp lý, khắc phục thiệt hại nên không có căn cứ để chấp nhận bồi thường đối với yêu cầu này. Đối với yêu cầu bồi thường về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, HĐXX xét thấy không có tài liệu chứng cứ gì về hành vi xâm phạm hay mức độ lan truyền bằng lời nói hay đăng phát trên phương tiện thông tin đại chúng nên không có căn cứ chấp nhận.
Về yêu cầu khởi kiện của ông Lục, yêu cầu tòa án buộc BHXH tỉnh Bắc Giang bồi thường cho ông tổng số tiền là 383.000.000 đồng. Tương tự nhận định như trên thì không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lục.
Đối với yêu cầu bồi thường về chi phí khám chữa bệnh từ tháng 8/2015 đến tháng 10/2019 là 349.921.500 đồng, HĐXX nêu, căn cứ kết quả giám định của BHXH TP Hà Nội, số hồ sơ, hóa đơn của bà Vịnh đủ điều kiện thanh toán tương ứng số tiền hơn 8.026.539 đồng. Số tiền còn lại tuy có hồ sơ, tài liệu nhưng không đủ điều kiện thanh toán.
HĐXX quyết định, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Vịnh, buộc BHXH tỉnh Bắc Giang bồi thường cho bà Vịnh số tiền là 125.906.539 đồng. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lục.
Bà Vịnh cho biết, sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm vì quyền và lợi ích của người khởi kiện chưa được đảm bảo.
Bí thư xã giết em vợ, đốt xác phi tang để trục lợi tiền bảo hiểm | |
Hơn 1,8 triệu người ở Hà Nội tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc | |
Vợ chồng giám đốc Công ty TNHH Quốc Huy Anh bị bắt tạm giam |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại