Chủ nhật 15/09/2024 10:49

Bị hại trong vụ án sai phạm tại Tập đoàn FLC được nhận lại bao nhiêu tiền/cổ phiếu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngoài án phạt tù với 50 bị cáo, Hội đồng xét xử (HĐXX) cũng phán quyết về quyền lợi của nhà đầu tư, là bị hại hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án sai phạm tại Tập đoàn FLC.
Bị hại trong vụ án sai phạm tại Tập đoàn FLC được nhận lại bao nhiêu tiền/cổ phiếu

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết được dẫn giải đến toà trong ngày đầu xét xử vụ án sai phạm tại

Tập đoàn FLC . Ảnh: Q.A

Trong phần tuyên án sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo khác trong vụ án sai phạm tại Tập đoàn FLC, TAND Hà Nội đã dành phần lớn thời gian nêu phán quyết về phần trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại cho bị hại và các nhà đầu tư cổ phiếu ROS (cổ phiếu của Công ty Faros).

Theo HĐXX, kết quả điều tra xác định trong 5 lần tăng vốn trước khi cổ phiếu ROS chào bán trên sàn HOSE, tổng số tiền nhóm Trịnh Văn Quyết góp vốn vào Công ty Faros là 1.197 tỷ đồng.

Vốn điều lệ của Công ty Faros đăng ký tại thời điểm niêm yết trên sàn chứng khoán là 4.300 tỷ đồng. Vì thế, số tiền nâng khống giá trị DN tại thời điểm Công ty Faros niêm yết trên sàn chứng khoán là 3.102 tỷ đồng.

Tổng số cổ phiếu được niêm yết trên sàn chứng khoán là 431 triệu cổ phiếu. Sau khi niêm yết, các bị cáo đã bán ra 391 triệu cổ phiếu, thu về số tiền 4.818 tỷ đồng.

Các bị cáo đã chiếm đoạt của các nhà đầu tư số tiền hơn 3.621 tỷ đồng.

HĐXX cho rằng, về nguyên tắc cần buộc các bị cáo phải bồi thường cho các nhà đầu tư ban đầu là bị hại số tiền bỏ ra mua cổ phiếu bị nâng khống. Nhưng thực tế có nhiều nhà đầu tư sau khi mua cổ phiếu ROS đã bán đi, có nhà đầu tư mua bán cổ phiếu nhiều lần, khối lượng cổ phiếu bị trộn lẫn trong các lần mua bán sau đó.

Có nhà đầu tư đã bán hết cổ phiếu đã mua nên không có yêu cầu bồi thường, có nhà đầu tư không biết mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên cũng không có yêu cầu bồi thường.

Tại thời điểm các bị cáo bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư, có nhà đầu tư mua giá cao nhưng cũng có nhà đầu tư mua với giá thấp, việc giao dịch, khớp lệnh diễn ra nhiều năm. Do đó, đến nay không xác định được chính xác việc mua bán trong từng lần khớp lệnh.

Để đảm bảo công bằng trong vụ án, HĐXX buộc Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm phải bồi thường cho các nhà đầu tư số tiền bị chiếm đoạt trên giá trị nâng khống của mỗi cổ phiếu đã bán ra trên thị trường, tương ứng với khối lượng cổ phiếu các bị hại còn đang sở hữu.

Theo đó, 430 triệu cổ phiếu đã phát hành theo vốn điều lệ 4.300 tỷ đồng của Faros, trong đó giá trị nâng khống là 3.102 tỷ. Như vậy mỗi cổ phiếu ROS được niêm yết phát hành có 72,15% nâng khống.

Mệnh giá cổ phiếu ROS được chào bán trên thị trường khi đó là 10.000 đồng. Do đó trên mỗi cổ phiếu, các bị cáo đã nâng khống 7.215 đồng. "Các bị cáo sẽ phải đền bù 7.215 đồng cho mỗi cổ phiếu bán cho bị hại, nhân với khối lượng cổ phiếu bị hại đang sở hữu" - bản án nêu.

Bị hại trong vụ án sai phạm tại Tập đoàn FLC được nhận lại bao nhiêu tiền/cổ phiếu
Theo HĐXX, các bị cáo sẽ phải đền bù 7.215 đồng cho mỗi cổ phiếu bán cho bị hại. Ảnh: Hồng Nguyên

Ngoài ra, tòa cũng xác định có hơn 63.000 nhà đầu tư đang còn sở hữu cổ phiếu ROS, các nhà đầu tư này không mua trực tiếp cổ phiếu của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm bán ra đợt đầu, không bị các bị cáo lừa trực tiếp nên không được xác định là bị hại. Tuy nhiên, họ là những người đang sở hữu cổ phiếu ROS bị nâng khống giá trị nên cần đưa vào vụ án với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để xem xét bảo đảm quyền lợi.

Về những nhà đầu tư này, HĐXX cho rằng số tiền tăng vốn lần 6 và lần 7 có tổng vốn điều lệ 5.675 tỷ đồng (trong đó, số vốn có thật của Faros là 2.573 tỷ đồng, vốn khống là hơn 3.100 tỷ đồng). Như vậy, tỷ lệ vốn khống trên tổng vốn điều lệ là 54,66%. Quy ra trong mỗi cổ phiếu ROS mệnh giá 10.000 đồng sẽ có 5.466 đồng là vốn khống.

Các bị cáo phải bồi thường phần giá trị nâng khống 5.466 đồng cho người liên quan.

Trường hợp bị hại và người liên quan nếu chưa có yêu cầu bồi thường trong vụ án này, HĐXX dành quyền khởi kiện cho họ khi có yêu cầu.

Trước đó, TAND Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết mức án 21 năm tù tổng hợp hai tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Thao túng thị trường chứng khoán". Tuyên phạt Trịnh Thị Minh Huế - em gái bị cáo Quyết, kế toán Tập đoàn FLC - 14 năm tù hai tội danh "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản";

Bị cáo Trịnh Văn Đại - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (anh họ bị cáo Quyết) mức án tổng cộng 11 năm tù; Hương Trần Kiều Dung - cựu Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn FLC mức án 8 năm 6 tháng; Trịnh Thị Thúy Nga - Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán BOS, 8 năm tù cùng hai tội danh trên.

Ở tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", tòa tuyên phạt bị cáo Trần Đắc Sinh - cựu Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) 6 năm 6 tháng;

Lê Hải Trà - cựu Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc thường trực, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh 5 năm tù; Trầm Tuấn Vũ - cựu Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh 5 năm 6 tháng tù;

Lê Thị Tuyết Hằng - Giám đốc Phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên Hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh 30 tháng tù treo.

41 bị cáo khác bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 15 tháng treo đến 7 năm 6 tháng tù các tội theo truy tố.

Hôm nay tuyên án cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết nhận án 21 năm tù
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động