Thứ sáu 19/04/2024 08:16

Bệnh viện thiếu vật tư y tế, thuốc điều trị: Người bệnh chịu thiệt!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hiện nay, nhiều cơ sở y tế bị thiếu thuốc, vật tư y tế khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi đi khám chữa bệnh. Nhiều người đã phải trì hoãn phẫu thuật do thiếu vật tư y tế trong danh mục bảo hiểm thanh toán, nếu muốn phẫu thuật ngay phải tự bỏ tiền túi tự mua vật tư y tế bên ngoài.
Bệnh viện thiếu vật tư y tế, thuốc điều trị: Người bệnh chịu thiệt!
Khi thiếu thuốc, vật tư y tế khiến người bệnh chịu thiệt, bệnh viện thất thoát (ảnh minh hoạ-P.C)

Các bệnh viện ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế

Bà T.X, 65 tuổi, ở Hà Tĩnh bị đục thủy tinh thể, có chỉ định phải phẫu thuật. Tuy nhiên, khi bà cất công ra một bệnh viện lớn của Hà Nội để phẫu thuật chỉ nhận được câu trả lời "về nhà đợi" bởi loại thủy tinh thể nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả hiện đã hết (khoảng 4 triệu đồng). Nếu bà muốn phẫu thuật ngay thì phải dùng loại không được bảo hiểm chi trả có giá tầm 16 triệu đồng. Khi nhẩm tính mổ cả hai mắt chi phí hết hơn 30 triệu, cao hơn mức bảo hiểm thanh toán quá nhiều nên bà X, đành về nhà rồi tính tiếp.

Một bác sỹ ở BV tại Hà Nội cũng chia sẻ trường hợp bệnh nhân 86 tuổi bị tiểu đường biến chứng, kèm chấn thương phần mềm do tai nạn nhưng phải chuyển 3 bệnh viện để điều trị trong nhiều tháng trời vì bệnh viện thiếu thuốc. Đến khi gia đình bày nguyện vọng ở lại và ký cam kết đồng ý mua thuốc bên ngoài thì tình trạng bệnh nhân đã cải thiện nhanh chóng.

"Nhờ có "đơn thuốc ngoài", chỉ một tuần sau, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được ra viện. Thật may mắn, vì thêm vài triệu tiền thuốc mỗi ngày với gia đình này không phải vấn đề lớn”-BS này cho biết.

Hoặc theo chia sẻ của một bác sĩ chuyên về truyền nhiễm thì bệnh nhân vào viện điều trị vẫn có thuốc nhưng nếu chỉ định dùng thuốc kháng sinh thì chỉ có tetracyclin-một loại kháng sinh thế hệ cũ được tìm ra từ những năm 1948.

Vấn đề thiếu vật tư y tế, thuốc điều trị không chỉ được phản ánh ở một số cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện mà đã được các Đại biểu Quốc hội nêu ra tại hội trường Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) chia sẻ, bản thân ông cũng từng nghe có vị Bộ trưởng than phiền là đi mua thuốc Zinnat-loại kháng sinh rất thông dụng nhưng cũng không mua được.

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, những khó khăn trước đây như thu nhập nhân viên y tế, mua sắm trang thiết bị, vật tư thuốc men hiện nay không được cải thiện mà còn tệ hơn bao giờ hết. Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc men là nỗi lo lớn nhất của đại đa số các bệnh viện công và tư.

Chung nhận định này, khi trả lời bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đại biểu đoàn ĐBQH Hà Nội) cũng thừa nhận các bệnh viện công trên toàn quốc đang thiếu vật tư, thiết bị y tế, thiếu thuốc men, sinh phẩm. Nguyên nhân do giám đốc các bệnh viện không mặn mà lắm, thậm chí người ta ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế. Đây là điều đáng quan ngại vì nó ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém cho người bệnh vì họ phải mua vật tư, thuốc ở bên ngoài với giá cao nhưng không kiểm soát được chất lượng.

Còn dưới góc độ quản lý một cơ sở y tế tư nhân, Luật sư Phạm Văn Học-Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc BV Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho rằng: Nếu không có thuốc thì không thể chữa bệnh được, không có vật tư tiêu hao thì không thể phẫu thuật, làm thủ thuật được. Các bệnh viện vẫn hoạt động nhưng khi không được bảo hiểm thanh toán thì chi phí người bệnh sẽ phải tự bỏ ra. Và như vậy quyền lợi bảo hiểm y tế không được đảm bảo, người chịu thiệt hại đầu tiên chính là người bệnh.

“Tại bệnh viện tư nhân như chúng tôi không có chuyện thiếu thuốc, vật tư. Lợi thế là chúng tôi được quyền lựa chọn nhiều nhà thầu, gói thầu khác nhau. Tỉnh này không mua được thì sang tỉnh khác mua”, ông Học nói.

Theo vị Tổng giám đốc này, nguồn cung không thiếu, có chăng chỉ xảy ra tại một số thời điểm nhưng chỉ là ngắn hạn. Lý do chủ yếu có lẽ vì bệnh viện “sợ” đấu thầu. Các quy định của pháp luật về đấu thầu chưa cụ thể, nhiều vấn đề chồng chéo. Vì thế, giám đốc các bệnh viện không biết làm thế nào cho đúng, đấu giá thế nào cho phù hợp mà không sai luật.

Bệnh viện thiếu vật tư y tế, thuốc điều trị: Người bệnh chịu thiệt!
TS. Nguyễn Công Hựu, Giám đốc BV E (ảnh tư liệu)

Đơn vị trúng thầu chưa chắc đã có hàng cung cấp cho BV

Liên quan đến thực trạng trên, TS. Nguyễn Công Hựu, Giám đốc BV E cho biết, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế hiện nay gây bức xúc dư luận bởi thiếu trên toàn hệ thống. Nếu trước đó, BV thi thoảng thiếu một vài loại thuốc, một vài loại vật tư y tế nhưng xảy ra nhỏ lẻ, thì hiện tại, BV ở đâu cũng thiếu. Bản thân các bác sĩ cũng không biết làm gì giúp người bệnh.

Tuy nhiên, thực tế, để đấu thầu sản phẩm thì cần 4-5 tháng. Các khoa, phòng khám làm chuyên môn nhu cầu bao nhiêu dự trù lên để làm dự trù, thống kê và làm kế hoạch mua sắm. Các kế hoạch mua sắm này phải duyệt hồ sơ và lựa chọn đơn vị trúng thầu. Nhưng đơn vị trúng thầu đôi khi cũng không có hàng cung cấp cho BV. Quy trình làm thầu chậm có nhiều lý do có thể dự trù không kịp.

Giả sử BV dự kiến mua 1.000 viên thuốc nhưng sang năm lại dùng lên 1.500 viên, BV phải bổ sung thầu. Nếu trước đây, khi thiếu hụt BV sẵn sàng vay đơn vị cung cấp, mượn trước rồi làm hồ sơ trả sau. Nhưng hiện tại, không thể linh động như trước được nữa.

Ví dụ trong đợt dịch Covid-19, Bệnh viện E thầu 3000 kít test. Ngày đầu dùng chỉ khoảng 100 cái, ngày hôm sau lên 200 cái và có ngày lên nghìn cái. Thầu dùng chỉ được vài ngày là hết thầu. "Hết thầu, cũng rất đau đầu". BV được giao chức năng tự mua sắm vật tư phục vụ khám chữa bệnh, chống dịch. Lại thêm, nếu dịch xảy ra trong BV thì lãnh đạo BV đó phải chịu trách nhiệm. Người dân tới không có test thì cũng là lỗi của BV. Lúc đó, tất cả các hoạt động dự trù của BV đã biến động ngoài thống kê. Năng lực thống kê mua sắm không đáp ứng được, TS. Nguyễn Công Hựu chia sẻ.

Cũng theo Giám đốc BV E, nếu trước đó BV linh động mượn nhà thầu cung cấp nhưng thời điểm mượn thì kít test giá 500 nghìn đồng chẳng hạn và vài ngày sau trượt giá, tháng sau có thể chỉ còn 100 nghìn đồng. Lúc đó, BV trả lại công ty bằng giá nào? Làm thủ tục trả thì phải quay lại quy trình đấu thầu để có vật tư, thuốc trả đơn vị, điều đó không hợp lý. Lấy tiền ngân sách vay để thầu, giá cả biến động. BV phải tìm đủ mọi cách vay mượn trực tiếp với số lượng ít thì không sao chứ số lượng nhiều thì cũng khó. Vì vậy, nếu giở văn bản ra thì phải chờ rất lâu.

Trong điều kiện hiện nay, BV vẫn đang làm thầu để khắc phục tình trạng thiếu thuốc. Thầu đã xong nhưng cũng chưa dám chắc không thiếu thuốc bởi có sản phẩm chỉ có một nhà cung cấp nhưng nhà cung cấp vì đại dịch sản xuất không kịp, phân phối không kịp thì cũng không thể chắc chắn sẽ có thuốc. Tất cả các thủ tục hành chính bệnh viện cố gắng đẩy nhanh nhưng vẫn có điều kiện khách quan không thể triển khai được. Hiện BV đang cố gắng để giảm thiểu tối đa việc thiếu thuốc.

"Việc thiếu thuốc, vật tư không chỉ người bệnh thiệt thòi, tốn kém tiền mua thuốc, vật tư ngoài mà BV cũng thất thoát. Bệnh nhân không mua thuốc được ở BV trong khi đó BV hoạt động tự chủ phải tự chi từ tiền điện, nước. Mỗi bệnh nhân chi trả ra bên ngoài vài trăm nghìn, cả nghìn bệnh nhân cũng là khoản tiền lớn", TS. Nguyễn Công Hựu chia sẻ.
Sắp thanh tra việc mua sắm, đấu thầu thuốc chữa bệnh
Thực hiện mua sắm thuốc theo kết quả đấu thầu thuốc tập trung quốc gia
Đề xuất sửa quy định đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập
Tăng cường phòng chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế
Khẩn trương thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động