Bệnh nhân Covid-19 có thể xuất viện sau 10 ngày dương tính
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐây là một trong những điểm mới của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do chủng virus Corona mới (SARS-CoV-2) mà Bộ Y tế mới ban hành ngày 14-7.
Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 mới, hầu hết người bệnh (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào; Khoảng gần 20% số bệnh nhân diễn biến nặng, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 5-8 ngày.
Các biểu hiện nặng bao gồm: viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện…Trong đó khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái, …), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), rối loạn đông máu, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.
Tử vong xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo. Ở người lớn, các yếu tố tiên lượng tăng nguy cơ tử vong là tuổi cao, điểm suy đa tạng SOFA cao khi nhập viện và nồng độ D-dimer > 1 mg/L.
Thời kỳ hồi phục: Sau giai đoạn toàn phát 7-10 ngày, nếu không có ARDS bệnh nhân sẽ hết sốt các dấu hiệu lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh. Chưa có bằng chứng khác biệt về các biểu hiện lâm sàng của Covid-19 ở phụ nữ mang thai. Ở trẻ em, đa số trẻ mắc Covid-19 có các các biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn người lớn, hoặc không có triệu chứng. Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ em là sốt và ho, hoặc các biểu hiện viêm phổi nặng dẫn tới tử vong. Tuy nhiên một số trẻ mắc Covid-19 có tổn thương viêm đa cơ quan giống bệnh Kawasaski: sốt; ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, hoặc phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; suy tuần hoàn; các biểu hiện tổn thương chức năng tim và tăng men tim; rối loạn tiêu hóa; rối loạn đông máu và tăng các chỉ số viêm cấp.
Bệnh Covid-19 có các mức độ như sau: Không triệu chứng: là người nhiễm SARS-CoV-2 được khẳng định bằng xét nghiệm realtime RT-PCR dương tính, nhưng không có triệu chứng lâm sàng; Mức độ nhẹ; Mức độ vừa; Mức độ nặng-viêm phổi nặng; Mức độ nguy kịch khởi phát với các triệu chứng hô hấp mới hoặc xấu đi trong vòng một tuần kể từ khi có các triệu chứng lâm sàng. Kèm theo đó là hướng dẫn về dấu hiệu nhận biết cũng như đưa ra các tiêu chí để đánh giá mức độ.
Hướng dẫn cũng đưa ra nguyên tắc điều trị chung: Phân loại người bệnh và xác định nơi điều trị theo các mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các trường hợp bệnh nghi ngờ (có thể xem như tình trạng cấp cứu) cần được khám, theo dõi và cách ly ở khu riêng tại các cơ sở y tế, lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán xác định. Trường hợp bệnh xác định cần được theo dõi và điều trị cách ly hoàn toàn. Ca bệnh (F0) nhẹ hoặc không có triệu chứng (viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ) điều trị tại các buồng bệnh thông thường… ; Ca bệnh nặng (viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết) hoặc ca bệnh nhẹ ở người có các bệnh mạn tính hay người cao tuổi cần được điều trị tại các buồng bệnh hồi sức tích cực; Ca bệnh nặng-nguy kịch: (suy hô hấp nặng, ARDS, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan) cần được điều trị hồi sức tích cực.
Do chưa có thuốc đặc hiệu, điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu. Cá thể hóa các biện pháp điều trị cho từng trường hợp, đặc biệt là các ca bệnh nặng-nguy kịch. Có thể áp dụng một số phác đồ điều trị nghiên cứu được Bộ Y tế cho phép. Theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các tình trạng nặng, biến chứng của bệnh.
Các biện pháp theo dõi và điều trị chung: Nghỉ ngơi tại giường, phòng bệnh cần được đảm báo thông thoáng (mở cửa sổ, không sử dụng điều hòa), có thể sử dụng hệ thống lọc không khí hoặc các biện pháp khử trùng phòng bệnh khác như đèn cực tím (nếu có); Vệ sinh mũi họng, có thể giữ ẩm mũi bằng nhỏ dung dịch nước muối sinh lý, xúc miệng họng bằng các dung dịch vệ sinh miệng họng thông thường; Giữ ấm - Uống đủ nước, đảm bảo cân bằng dịch, điện giải; Thận trọng khi truyền dịch cho người bệnh viêm phổi nhưng không có dấu hiệu của sốc; Đảm bảo dinh dưỡng và nâng cao thể trạng, bổ sung vitamin nếu cần thiết...
Sau 10 ngày dương tính mà không có triệu chứng lâm sàng và có kết quả âm tính, nồng độ virus thấp thì có thể được xuất viện (ảnh minh họa) |
Tiêu chuẩn xuất viện căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm cụ thể như sau: Xuất viện vào ngày thứ 10 kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 khi đạt các tiểu chuẩn gồm không có triệu chứng lâm sàng trong vòng 10 ngày kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2; Tối thiểu lấy hai mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30); Thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24 giờ.
Xuất viện vào ngày thứ 14 kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 khi đạt các tiêu chuẩn: Có triệu chứng lâm sàng trong 10 ngày kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2; Tối thiểu lấy hai mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30); Thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24 giờ.
Xuất viện sau ngày thứ 14 kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 (ngày ra viện được xác định là sau 3 ngày kể từ ngày không còn triệu chứng lâm sàng và đảm bảo tiêu chuẩn về kết quả xét nghiệm); Có triệu chứng lâm sàng sau 10 ngày kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Tối thiểu lấy hai mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30); thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24h. 2.
Theo dõi sau xuất viện: Người bệnh cần tiếp tục được cách ly phù hợp tại nhà dưới sự giám sát của y tế cơ sở và CDC địa phương thêm 14 ngày và theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần/ngày, nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và xử trí kịp thời.
Việc bàn giao, vận chuyển người bệnh sau khi xuất viện thực hiện theo Công văn số 425/CV-BCĐ ngày 19-1-2021 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và các văn bản thay thế khác (nếu có).
Thực hiện Công điện số 914/CĐ-TTg ngày 6-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 5389/BYT-MT ngày 7-7-2021 của Bộ Y tế về việc tiếp nhận đối với người từ TP Hồ Chí Minh về địa phương, để tăng cường kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP. Hà Nội quyết liệt thực hiện một số nội dung sau:
Hà Nội yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, xử phạt; yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, không tụ tập quá 10 người ngoài trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, nơi công cộng; các cơ sở dịch vụ, nhà hàng ăn uống trong nhà thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn phòng chống dịch và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.
Tăng cường kiểm soát toàn bộ hoạt động vận tải từ các vùng dịch về Thành phố Hà Nội: Hạn chế tối đa hoạt động vận tải hành khách công cộng từ các vùng dịch (danh sách vùng dịch được công bố, cập nhật thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế) về Hà Nội và ngược lại. Tổ chức hoạt động vận tải đi lại hợp lý đến các tỉnh (thành phố) có dịch theo định hướng: Tỉnh (thành phố) có dịch nếu có vận tải đường sắt hoặc đường hàng không thay thế thì cho dừng hoạt động vận tải đường bộ. Kiểm soát chặt chẽ hành khách đi các phương tiện vận tải hành khách công cộng: Xe khách liên tỉnh, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch trên địa bàn Thành phố.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại