Bất ngờ trong cuộc đua vào ghế Tổng thống Iran
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nếu không có gì thay đổi, ngày 14-6, cử chi Iran sẽ đi bầu cử để tìm ra vị Tổng thống mới sau hai nhiệm kỳ gây tranh cãi của ông Mahmoud Ahmadinejad, người không có quyền tranh cử lần thứ ba theo luật định. Bất ngờ đã xảy ra, ứng cử viên hàng đầu Hachemi Rafsandjani bị loại khỏi cuộc đua.
Về lý thuyết, tất cả người dân Iran đều có thể ra ứng cử trong các cuộc bầu cử Tổng thống, song trên thực tế, bất cứ ai cũng có thể bị loại ngay từ vòng “sơ tuyển” của Hội đồng Giám hộ Hồi giáo. Hội đồng Giám hộ Hồi giáo này có quyền lựa chọn các ứng cử viên theo tiêu chuẩn không mấy khách quan, và điều quan trọng nhất được chú ý là lòng trung thành với chế độ, nói cách khác là trung thành với Lãnh tụ tinh thần tối cao Ali Khamenei.
Ứng cử viên sáng giá Hachemi Rafsandjani bị loại.
Năm nay, trong số hơn 600 ứng cử viên, chỉ có 8 người được lựa chọn ra tranh cử. Trong số những người bị loại, điều khiến người dân Iran và các nhà quan sát ngạc nhiên là có ứng cử viên vô cùng sáng giá Hachemi Rafsandjani. Ông là người rất thân cận với Cố Đại Giáo chủ Khomeiny, người sáng lập ra nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Ông đã từng hai nhiệm kỳ làm Tổng thống từ năm 1989 -1997, là “Tổng Tư lệnh” trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq, và bản thân Đại Giáo chủ Ali Khamenei cũng nhờ ông mà được bầu sau khi Khomeiny mất.
Quyết định gây nhiều tranh cãi này cho thấy các phần tử cứng rắn của chế độ không sẵn sàng cho những sự cởi mở và sự nhượng bộ với bên ngoài trong thời điểm Iran đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị chưa từng thấy, xuất phát chủ yếu từ những biện pháp trừng phạt quốc tế, từ sự lãnh đạo tồi và chính sách của Ahmadinejad.
Rafsandjani không nổi tiếng là nhà dân chủ hay nhà cải cách, nhưng ông được biết đến là người thực dụng và có tư tưởng thỏa hiệp. Chính ông là người đã đưa Iran thoát khỏi thế cô lập trong những năm 90 của thế kỷ trước sau cuộc chiến tranh Iran-Iraq và là người đã bình thường hóa quan hệ với phương Tây. Việc loại bỏ một ứng cử viên như vậy với cái cớ là không trung thành với chế độ Hồi giáo cho thấy chế độ này vẫn đang hết sức cứng nhắc.
Một số nhà quan sát cho rằng sở dĩ chính quyền không chấp nhận mọi sự cởi mở ở trong nước bằng việc loại bỏ Rafsandjani và kiên quyết theo đuổi chính sách không nhượng bộ về vấn đề hạt nhân trong các cuộc thương lượng với Nhóm P5+1 là do chế độ Tehran cho rằng việc sở hữu vũ khí hạt nhân là việc làm vô cùng cần thiết để tránh cho Iran khỏi một cuộc can thiệp của nước ngoài.
Tuy nhiên, về chính thức, chính quyền Iran luôn bác bỏ những cáo buộc của bên ngoài rằng họ có tham vọng sở hữu loại vũ khí giết người hàng loạt này.
Rõ ràng chế độ Iran đã rất mạo hiểm. Việc không có Rafsandjani, người có mối quan hệ rộng rãi và có nhiều chân rết trong giới thương gia, tầng lớp trung lưu và một bộ phận quan trọng của các giới tôn giáo truyền thống, có thể làm tăng tỷ lệ vắng mặt của cử tri trong cuộc bầu cử này. Đặc biệt, Rafsandjani còn có được sự ủng hộ của các nhà cải cách, nhất là của cựu Tổng thống Mohamad Khatami - người rất có uy tín trong xã hội Iran. Đây cũng có thể là một yếu tố làm giảm số lượng cử tri tham gia cuộc bầu cử, và rất có thể lại dẫn tới những bất ngờ như đã từng xảy ra.
Trong quá khứ, người ta đã chứng kiến những bất ngờ lớn trong một số cuộc bầu cử, chẳng hạn, hồi năm 1997, ông Mohamad Khatami, một ứng cử viên gần như không được mọi người biết tới, đã tiến hành chiến dịch vận động bầu cử dựa vào các cuộc cải cách và sự ủng hộ hết lòng đối với thanh niên và phụ nữ. Và thật ngạc nhiên, ông đã đánh bại ứng cử viên được bộ máy chính quyền lúc bấy giờ hậu thuẫn ngay từ vòng đầu với số phiếu ủng hộ đạt mức kỷ lục 75%.
Trước thềm cuộc bầu cử mới, người ta cũng đang hy vọng những bất ngờ như thế để có một Iran thực sự mới với một vị Tổng thống mới.
Minh Tâm
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại