Bao giờ dán nhãn “cảnh báo” cho trẻ em?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhãn cảnh báo không chỉ của riêng phim điện ảnh
Một năm qua, việc dán nhãn phân loại độ tuổi trên các phim điện ảnh ra rạp ở Việt Nam được xem là một “bước tiến” để không còn cảnh: Các nhà duyệt phim phải ngồi “lọ mọ” cắt chi tiết nhạy cảm, còn phụ huynh thì phải lò dò đoán xem phim này trẻ em xem được không. Mặc dù chuyện xung quanh cái nhãn phân loại cũng còn nhiều điều để nói, nhưng như thế đã là một sự thay đổi phù hợp với phim chiếu rạp ở Việt Nam – điều mà đáng ra phải làm từ trước đó rất lâu mới phải.
Nhưng chuyện dán nhãn phân loại thực ra không chỉ của riêng phim chiếu rạp. Tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, người ta đã dán nhãn phim và các chương trình truyền hình, hoặc phân loại kênh, hoặc có cảnh báo trước mỗi chương trình, nhằm bảo vệ trẻ em trước những “tình huống nhạy cảm”, thiếu phù hợp với lứa tuổi.
Tại Canada, ngay cả khi phát sóng một chương trình do nước ngoài sản xuất, các nhà đài cũng phải tuân thủ theo các quy chuẩn phân loại của Canada. Trong khi đó, đài ABC của Mỹ phân loại bằng cách vận hành nhiều kênh khác nhau cho các đối tượng khán giả khác nhau, cụ thể như ABC và ABC2 phát các chương trình cho khán giả trưởng thành, còn ABC KIDS dành cho lứa tuổi mẫu giáo, còn ABC ME cho trẻ em lớn hơn.
Đó là những quy định cần thiết để bảo vệ trẻ em trước những nội dung không hợp lứa tuổi. Các kênh truyền hình Anh, Mỹ khi chiếu phim thường có dòng cảnh báo để phụ huynh được nhắc nhở về việc có nên xem cùng con hay không?
Trong khi đó, ở Việt Nam, kênh chuyên biệt cho trẻ nhỏ hầu như không có, trong khi thói quen xem phim cùng cả gia đình với nhiều thế hệ lại duy trì qua rất nhiều năm, thành nếp quen thuộc. Phim lên khung giờ vàng vào khoảng 20g trở đi 100% là phim về người lớn với yêu đương, tranh giành địa vị… Nhiều chi tiết quá nhạy cảm được cho là chiếu sau 9g tối khi trẻ em đã đi ngủ là lời giải thích không phù hợp, khi lứa trẻ em cấp tiểu học (từ 6 tuổi trở lên) vẫn xem phim vào giờ này.
Có nhiều chi tiết nhạy cảm trong phim giờ vàng hoàn toàn không phù hợp với trẻ, nhưng các đài truyền hình trong nước hiện chưa có nhãn cảnh báo nào đối với người xem. Ảnh VFC |
Nhãn cảnh báo cho trẻ em: Làm ngay không muộn
Để ý các phim giờ vàng đang gây chú ý, có quá nhiều chi tiết không phù hợp với trẻ dưới 12 tuổi: Truy sát, giết người, cảnh nhạy cảm, phá thai, tự tử, ngoại tình… dù các nhà làm phim đã cố chau chuốt, tiết chế trong ngôn từ nhưng với nhận thức của trẻ nhỏ, những chi tiết như trên rõ ràng vẫn không phù hợp.
Theo đó, Thông tư quy định về tỉ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm… do Bộ Thông tin và truyền thông ban hành có hiệu lực từ ngày 1-10 được cho là giải pháp phù hợp tại thời điểm này.
Điều 16 của Thông tư quy định khá chi tiết đối với việc cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo chí, xuất bản phẩm. Những cảnh báo nội dung không phù hợp có thể bằng nhiều phương thức như âm thanh, hình ảnh, chữ viết, biểu tượng... nhưng phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nhận biết.
Nội dung cảnh báo phải thể hiện được các khuyến cáo như: Nội dung không phù hợp với trẻ em, đề nghị cân nhắc trước khi đọc, nghe, xem; cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn nếu trẻ đọc, nghe, xem. Chương trình, phim có hình ảnh và chi tiết nhạy cảm, khuyến cáo nên có sự hướng dẫn của phụ huynh khi xem. Phải ghi rõ các nội dung không phù hợp với trẻ em dưới 6 tuổi, từ 6 đến 11 tuổi, từ 11 đến 16 tuổi. Các xuất bản phẩm dành cho trẻ em có nội dung về giáo dục giới tính, chống bạo lực, xâm hại thân thể trẻ em phải ghi “cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn trẻ em đọc” tại trang tên sách hoặc bìa 4.
Nhiều ý kiến cho rằng: Đáng ra những quy định này phải được xây dựng và áp dụng từ lâu - khi công nghệ thông tin thực sự bùng nổ ở Việt Nam rồi mới phải.
Có như thế, những chương trình dán mác “giờ vàng” mới thực sự “vàng” khi không bị cắt xén nội dung. Quan trọng hơn là phụ huynh và trẻ nhỏ được cảnh báo hợp lý để chọn chương trình phù hợp mà không phải vừa xem vừa “run” vì không biết có chi tiết nhạy cảm với trẻ hay không!
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại