Thứ hai 20/05/2024 15:06

Bâng khuâng nhớ đám cưới thời bao cấp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đám cưới Hà Nội thời bao cấp khác với thời nay nhiều lắm. Hồi đó, đôi trai gái muốn công khai tìm hiểu nhau và tiến tới hôn nhân không chỉ nói với gia đình đôi bên mà còn phải báo cáo tổ chức đoàn thể rõ ràng. Cách thức tổ chức một đám cưới cũng đầy đủ nghi lễ theo phong tục nhưng giản tiện và ấm cúng.

Cuộc sống thời đó khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Đám cưới thời kỳ bao cấp thường được chuẩn bị trước đó nhiều tháng. Việc chuẩn bị thực phẩm được gia đình hai bên để dành tem phiếu để mua tích trữ dần. Thanh niên nam nữ khi lập gia đình chỉ được tiêu chuẩn mua 2kg bánh, kẹo, 4 gói chè, thuốc lá. Vậy nên các bà mẹ thường mang bột mỳ, trứng gà, đường đi đặt làm bánh quy ở các lò bánh thủ công để tiếp khách. Bánh quy mang hình bông hoa, con bướm… vui mắt đáo để.

Thiếp mời của các cặp đôi thường rất đơn giản, chỉ in 1 màu hồng cánh sen trên giấy trắng. Hình ảnh trang trí thiếp cưới luôn là bàn tay cầm bông hoa hồng hoặc nâng ly rượu. Trên thiếp ghi rõ ngày giờ, địa điểm cùng đôi chữ lồng tên cô dâu chú rể. Bên ngoài bìa thiếp thường được trang trí cặp chữ song hỷ, đôi bồ câu ngậm dải lụa hồng. Nhiều cặp vợ chồng đến nay vẫn giữ nguyên thiếp cưới dung dị của mình thời ấy. Tuy giản dị nhưng thiếp cưới như một dấu mốc quan trọng của một đời người.

bang khuang nho dam cuoi thoi bao cap
Ảnh minh họa.

Ngày cưới, hội trường thường được trang trí cắt dán đôi bồ câu cắn mỏ nhau bay trên chữ Phúc ở chính giữa, một bên là tên cô dâu chú rể lồng vào nhau e ấp bên hình đèn lồng, một bên là dòng khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Ở cuối hội trường, có nơi còn treo thêm dòng khẩu hiệu: “Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn”.

Trang phục cưới ngày đó khác xa bây giờ. Cô dâu thường mặc áo dài gấm hoa, tà áo chấm qua đầu gối hoặc váy voan trắng viền đăng ten, chiếc khăn voan mỏng khoác nhẹ trên mái tóc khiến cô dâu như e ấp hơn, ai cũng đi một đôi găng tay trắng muốt. Chú rể mặc một chiếc sơ mi trắng “đóng thùng” trong bộ vest sẫm màu. Cô dâu ôm bó hoa lay ơn màu trắng hoặc đỏ. Đặc biệt, bó hoa cô dâu thường có thêm một dải hoa hồng màu trắng tết dây rõ dài. Bây giờ xem lại ảnh cưới, hẳn là lớp trẻ cảm nhận nhiều điều thú vị về trang phục cưới của “phụ huynh” ngày ấy.

Hồi đó, các gia đình khá giả mới có điều kiện đón dâu bằng xe máy hoặc xe ô tô 24 chỗ. Đa số đều dùng xe đạp hoặc đi bộ.

Khi cô dâu tiến vào hôn trường, những bản nhạc ưa thích được trỗi lên như: “Chiều Matxcơva”, “Tình ca trên thảo nguyên”, “Đôi bờ”, “Tình cây và đất”, “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”… Hầu hết các tiết mục văn nghệ đều là “cây nhà lá vườn” do bạn bè của cô dâu chú rể hát tặng, chỉ có ban nhạc phải đi thuê mà thôi. Sau này, khi đã có dàn loa akai “thần thánh” thì hầu như đám cưới nào cũng mở nhạc ABBA, BONEY từ lúc bắt đầu đám cưới đến khi kết thúc.

Quà đám cưới thời đó nhiều hiện vật mà hạn chế hiện kim. Những món quà tặng rất hữu dụng cho đôi vợ chồng trẻ như: Bộ ấm chén, bát đũa, xoong nồi, phích nước, chậu nhôm, sổ tay, lịch, tranh treo tường…

Ngẫm ra, cưới mỗi thời một khác nhưng lý do chỉ có một: Bởi đủ yêu thương và đủ duyên phận nên về chung một mái nhà. Dù khác biệt về nghi thức, cách tổ chức… nhưng đám cưới thời nào cũng ấm áp niềm vui.

Vy Anh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động