Bản án nào đang chờ các nghi phạm?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh nhóm đối tượng bị camera ghi lại |
Tập trung truy bắt các đối tượng còn lại
Ngày 13-1, CA quận Hoàng Mai phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bắt giữ một trong ba nghi phạm gây ra vụ cướp tại chung cư HH1A Linh Đàm, xảy ra cách đây 5 ngày.
Trước đó, CQCSĐT CA quận Hoàng Mai phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ CA TP Hà Nội đang điều tra vụ cướp tài sản xảy ra chiều 8-1, tại căn hộ ở tòa chung cư HH1A Linh Đàm, phường Hoàng Liệt. Bị hại trong vụ án này là anh T.A (quê quán Nghệ An, nghề nghiệp: kinh doanh tự do).
Theo tài liệu điều tra, vào khoảng 19g ngày 8-1, anh T.A đến CQCA trình báo về việc chiều cùng ngày, có 1 nam thanh niên gọi vào số ĐTDĐ hỏi mua chiếc ĐTDĐ Samsung Note 10 plus mà anh T.A đang rao bán trên mạng xã hội. Sau khi thỏa thuận, khách ngỏ ý hẹn đến nhà anh T.A. để xem điện thoại.
Khoảng 1 tiếng sau, có 3 thanh niên tìm đến căn hộ của anh T.A. Không chút nghi ngờ, anh T.A mở cửa mời vào, lấy 2 chiếc điện thoại cho khách xem. Quá trình này, trong lúc anh T.A bất cẩn, đã bị một trong ba đối tượng dùng bình xịt hơi cay xịt vào mặt. Vừa đánh đấm, các đối tượng còn dùng dây chuẩn bị sẵn, trói chân tay anh T.A. Trước khi bỏ đi, các đối tượng lục lọi, lấy tổng cộng 3 chiếc điện thoại.
Sau đó, hàng xóm đi qua căn hộ 324 thì phát hiện chủ nhà là anh T.A. bị trói, bịt miệng bằng băng dính và mắt bị xịt hơi cay nên trình báo CA.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng chức năng đã tiến hành trích xuất camera an ninh của tòa nhà để truy tìm nghi phạm. Hiện các đơn vị nghiệp vụ CA quận Hoàng Mai phối hợp với CA TP Hà Nội tập trung truy xét bắt các đối tượng liên quan để điều tra làm rõ.
Các nghi phạm tàng trữ bình xịt hơi cay?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành động xịt hơi cay, hành hung chủ nhà của các nghi phạm thể hiện sự ngông nghênh, coi thường pháp luật, có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích.
Luật sư Thái viện dẫn, Điều 134 BLHS năm 2015 quy định người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 11-30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các tình tiết định khung quy định tại khoản 1 Điều này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ tới 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Theo phân tích của luật sư Thái, trước khi gây án, các nghi phạm đã gọi vào số ĐTDĐ hỏi mua chiếc ĐTDĐ Samsung Note 10 plus mà anh T.A đang rao bán trên mạng xã hội. Sau khi thỏa thuận, các đối tượng ngỏ ý hẹn đến nhà anh T.A để xem điện thoại và gây án manh động tại nhà của bị hại. Do đó, hành vi của các đối tượng được xác định là “có tổ chức” hoặc "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội" nên các nghi phạm sẽ phải đối mặt với hình phạt là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm tù theo quy định tại điểm a hoặc điểm g, khoản 2, Điều 168 BLHS năm 2015.
Luật sư Thái cũng cho biết, theo quy định, bình xịt hơi cay là một trong những công cụ hỗ trợ chỉ được trang bị cho một số đối tượng nhất định và phải được cấp Giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ khi sử dụng. Do đó, hành vi dùng bình xịt hơi cay tấn công nạn nhân của các nghi phạm có thể thuộc tình tiết định khung Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm theo Điểm a, Khoản 1, Điều 134 Bộ luật này.
Với tình tiết này, cơ quan chức năng có đủ căn cứ xử lý hình sự đối với các nghi phạm trong vụ cướp, kể cả khi tỷ lệ thương tật của anh T.A dưới 11%. Nếu tỷ lệ thương tật dưới 11%, các đối tượng tấn CAh T.A sẽ đối diện mức án tối đa 3 năm tù còn nếu mức độ tổn thương 11-30%, khung hình phạt áp dụng sẽ là 2-6 năm tù.
Ngoài ra, theo Điều 3 Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bình xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa... thuộc nhóm công cụ hỗ trợ mà chỉ những nhóm đối tượng nhất định mới được sử dụng. Do đó, CQĐT cần xem xét các yếu tố như, hậu quả của việc tàng trữ, đã từng bị xử phạt hay bị kết án do liên quan tới việc sử dụng hoặc tàng trữ bình xịt hơi cay hay chưa...
Nếu hành vi của các nghi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, thì các đối tượng còn có thể bị xử lý về tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ theo Điều 233 BLHS 2015.
Nếu không đủ căn cứ xử lý hình sự, cơ quan chức năng có thể xử phạt các nghi phạm trên về hành vi Sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép. Mức xử phạt áp dụng là 2-4 triệu đồng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại