Thứ tư 24/04/2024 20:32
Án lệ số 52/2021/AL

Bài cuối: Chưa đánh giá đúng và toàn diện các tài liệu, chứng cứ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 20-5-2019, ông Tống Thanh V kháng cáo yêu cầu sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà U. Hai ngày sau, bà U kháng cáo bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của đương sự.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn?

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 276/2019/DS-PT ngày 27-11-2019, TAND tỉnh Bình Dương tuyên, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Tống Thị U, bị đơn ông Tống Thanh V; sửa một phần bản án sơ thẩm (về phần án phí) các nội dung khác của Bản án dân sự sơ thẩm số 17/2019/DS-ST ngày 9-5-2019 của TAND thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương giữ nguyên.

Sau đó, ông Tống Thanh V có đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm nêu trên. Tại quyết định kháng nghị số 96/2020/KN-DS ngày 22-6-2020, Chánh án TAND cấp cao tại TP HCM kháng nghị một phần bản án dân sự phúc thẩm nêu trên; đề nghị TAND cấp cao tại TP HCM xét xử giám đốc thẩm hủy một phần bản án dân sự phúc thẩm về phần chia di sản của cụ Nguyễn Thị C1; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Bình Dương xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.

Tòa nhận định, cụ Tống Văn T (chết vào năm 2007) và cụ Nguyễn Thị C1 (chết ngày 8-9-2011), là vợ chồng, có 11 người con. Sau khi cụ T chết (năm 2007), ngày 16-11-2009, cụ C1 và những người con (của cụ T, cụ C1) lập văn bản, thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất; văn bản có sự chứng thực của UBND thị trấn Y, huyện Z, tỉnh Bình Dương vào cùng ngày 16-11-2009.

Xét, vào cùng ngày 14-6-2010, cụ C1 lập 2 hợp đồng để tặng cho ông V 2 phần đất trong số tài sản nói trên, như sau: Phần đất thứ nhất có diện tích 12.883m2 thuộc các thửa 6, 18, 31, 32, 51, 52 tờ bản đồ số 15 thị trấn Y; Phần đất thứ hai có diện tích 4.119m2 thuộc thửa 257 tờ bản đồ số 16 thị trấn Y.

Hai hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đều được UBND thị trấn Y chứng thực hợp pháp vào cùng ngày 14-6-2010. Sau khi được tặng cho quyền sử dụng đất, ông V đã thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) theo quy định của pháp luật để chuyển tên chủ sử dụng đất từ cụ C1 sang cho đương sự.

Vào ngày 16-8-2010, ông V đã được UBND huyện Z cấp “sổ đỏ” đối với phần đất có diện tích 12.883m2 thuộc các thửa 6, 18, 31, 32, 51, 52 tờ bản đồ số 15 thị trấn Y (“sổ đỏ” số CH00539 ngày 16-8-2010). Trong phần đất này, phía bà U chỉ đòi chia thừa kế đối với diện tích đất 9.839,9m2 (bởi vì bà U đồng ý trừ ra diện tích đất còn lại mà ông V đã phân chia cho ông L1 và ông P1)...

Hợp đồng tặng cho không có hiệu lực pháp luật

Xét, đối với phần đất có diện tích 12.883m2 thuộc các thửa 6, 18, 31, 32, 51, 52 tờ bản đồ số 15 thị trấn Y (trong phần đất này, phía bà U chỉ đòi chia thừa kế đối với diện tích đất 9.839,9m2 bởi vì bà U đồng ý trừ ra diện tích đất còn lại mà ông V đã phân chia cho ông L1 và ông P1).

Xét, đối với phần đất có diện tích 4.119m2 thuộc thửa 257 tờ bản đồ số 16, thị trấn Y (theo kết quả đo đạc thực tế vào ngày 8-3-2013 của Tòa án cấp sơ thẩm, diện tích đất là 3.786,1m2 ): Tại thời điểm xác lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất ngày 14-6-2010 (từ cụ C1 chuyển cho ông V), Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, về mặt pháp lý, cho đến khi người nhận chuyển quyền sử dụng đất (theo giao dịch tặng cho) chưa kịp đăng ký quyền sử dụng đất cho mình, mà người chuyển quyền sử dụng đất đã chết, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất sẽ không có hiệu lực pháp luật. Nếu xét theo lập luận nói trên, việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định rằng phần đất có diện tích 4.119m2 thuộc thửa 257, tờ bản đồ số 16, thị trấn Y, cho đến nay vẫn là di sản của cụ C1 chưa chuyển dịch cho ông V và chấp nhận yêu cầu thừa kế tài sản, là đúng.

Xét về bản chất pháp lý, hợp đồng tặng cho tài sản là loại hợp đồng đơn vụ, nghĩa là trong loại hợp đồng này, chỉ một bên có nghĩa vụ đối với bên kia. Vì thế, trong một số trường hợp như trường hợp cụ thể nói trên (người được tặng cho quyền sử dụng đất chưa kịp đăng ký quyền sử dụng đất cho mình, mà người tặng cho quyền sử dụng đất đã chết), Tòa án có thể xem xét và công nhận hiệu lực pháp luật của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất xác lập vào ngày 14-6-2010 khi xác định rằng hợp đồng này là văn bản thể hiện ý chí sau cùng của cụ C1 đối với tài sản của đương sự.

Hợp đồng đã thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật về quyền tặng cho quyền sử dụng đất. Cho đến khi chết, người tặng cho tài sản không có văn bản nào để thay thế hợp đồng tặng cho tài sản đã ký kết trước đó và không có hành động nào thể hiện sự thay đổi ý chí đã thể hiện tại hợp đồng tặng cho tài sản đã ký kết. Người được tặng cho tài sản không thực hiện được việc đăng ký tài sản (quyền sử dụng đất) là do trở ngại khách quan về TTHC (hoặc do trở ngại khách quan khác), không phải do ý chí chủ quan của người tặng cho tài sản.

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều chưa đánh giá đúng và toàn diện các tài liệu, chứng cứ, cũng như chưa thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để xét xử đúng về việc tranh chấp phần đất có diện tích 4.119m2 thuộc thửa 257, tờ bản đồ số 16, thị trấn Y, huyện Z, tỉnh Bình Dương, 10 theo sự phân tích nói trên.

Do đó, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP HCM hủy phần bản án phúc thẩm giải quyết về việc tranh chấp phần đất có diện tích 4.119m2 thuộc thửa 257 tờ bản đồ số 16 thị trấn Y, huyện Z, tỉnh Bình Dương, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.

Quyết định, chấp nhận kháng nghị số 96/2020/KN-DS ngày 22-6-2020 của Chánh án TAND cấp cao tại TP HCM; hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 276/2019/DS-PT ngày 27-11-2019 của TAND tỉnh Bình Dương xét xử vụ án “Tranh chấp về thừa kế tài sản; tranh chấp về yêu cầu tuyên hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất vô hiệu” giữa nguyên đơn là bà Tống Thị U; bị đơn là ông Tống Thanh V, về phần giải quyết tranh chấp phần đất có diện tích 4.119m2 thuộc thửa 257, tờ bản đồ số 16, thị trấn Y, huyện Z, tỉnh Bình Dương (theo kết quả đo đạc thực tế vào ngày 8-3-2013 của Tòa án cấp sơ thẩm, diện tích đất là 3.786,1m2 ). Giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Bình Dương xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án bị hủy nói trên.

Nội dung án lệ: Khi xét xử lại vụ án, nếu hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất xác lập vào ngày 14-6-2010 giữa cụ C1 (bên tặng cho) và ông V (bên được tặng cho) có đủ các điều kiện cần và đủ liệt kê dưới đây, thì phải công nhận hiệu lực của hợp đồng; các điều kiện đó là: Hợp đồng đã thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật về quyền tặng cho quyền sử dụng đất. Cho đến khi chết, người tặng cho tài sản không có văn bản nào để thay thế hợp đồng tặng cho tài sản đã ký kết trước đó và không có hành động nào thể hiện sự thay đổi ý chí đã thể hiện tại hợp đồng tặng cho tài sản đã ký kết. Người được tặng cho tài sản không thực hiện được việc đăng ký tài sản (quyền sử dụng đất) là do trở ngại khách quan về TTHC (hoặc do trở ngại khách quan khác), không phải do ý chí chủ quan của người tặng cho tài sản.”
Bảo An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động