Thứ bảy 18/01/2025 16:03
Tình làng nghĩa xóm ở Thủ đô

Bài 5: Khi nghĩa xóm làng được phóng chiếu thành nguyên tắc ứng xử

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Không thể phủ nhận rằng, chuyện lưu giữ và phát huy những truyền thống đối nhân xử thế, tương thân tương ái ở trong các cộng đồng dân cư đã giúp ích rất nhiều cho hệ thống chính trị. Bởi rằng, ở những cộng đồng, khu dân cư ấy, tự thân họ đã điều chỉnh và ý thức được hành vi cũng như lối sống của mình để hạn chế thấp nhất phát sinh những phản ứng tiêu cực trong cuộc sống với những người xung quanh.    

Mặc dù mới tiếp nhận vị trí công tác mới không được bao lâu, nhưng Thượng úy Nguyễn Đức Khánh, cảnh sát khu vực phường Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, để hiểu hết và quản lý khu dân cư như khu dân cư tổ 13 phường Kim Liên khó mà dễ. Khó bởi anh mới tiếp nhận công tác, nhiệm vụ mới, việc nắm bắt và hiểu rõ từng hộ, từng gia đình là chuyện không phải một sớm một chiều. Nhưng lại dễ, bởi bản thân tổ 13 là một cộng đồng dân cư có một “truyền thống” với lối sống đề cao văn hóa cộng đồng rất tốt, bản thân chính những thiết chế trong cái nếp văn hóa đó khiến mỗi người dân đã tự quản lý chính mình.

“Trong công tác những người cảnh sát khu vực như chúng tôi, nắm bắt và hiểu hết từng hộ dân là điều bắt buộc phải rõ. Rất may mắn trong công tác chúng tôi có quần chúng nhân dân giúp đỡ. Các cô, các bác ở đây như một cuốn từ điển sống, đồng thời như những cộng tác viên, những "chân rết" trong dân của lực lượng cảnh sát”, Thượng úy Khánh nói.

Gần dân và hiểu dân, cái hạnh phúc nhất của người cảnh sát khu vực có lẽ là cộng đồng dân cư luôn đề cao tính thượng tôn pháp luật, đồng thời ý thức tự xây dựng cộng đồng mình đang sống thành một cộng đồng văn hóa. “Những xô xát, những tranh chấp và những kèn cựa giữa các hộ dân với nhau được giảm trừ đến mức tối đa. Có những cãi vã xảy ra, nhiều khi chưa cần đến lực lượng hành pháp, hoặc chính quyền vào cuộc, chính những người dân đang sinh sống gần nhau đã thay chúng tôi “xử lý” ngọn ngành đâu vào đấy rồi”, theo Thượng úy Khánh.

bai 5 khi nghia xom lang duoc phong chieu thanh nguyen tac ung xu
Thượng úy Nguyễn Đức Khánh trao đổi với bà con dân phố

Không biết câu tục ngữ “bán anh em xa, mua láng giềng gần” ra đời bao giờ nhưng có lẽ nó có nguồn gốc từ tập quán canh tác nông nghiệp lúa nước của người Việt. Thói quen, tập quán của nền văn minh lúa nước thời ấy buộc con người phải thiết lập cuộc sống quần tụ. Về huyết thống, không ai có thể bác bỏ “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, nhưng khi gia đình có việc gì cần kíp, cha mẹ, anh em họ hàng ở xa chưa giúp được ngay, thì láng giềng là nơi đầu tiên có thể nhờ cậy; để rồi “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “tình làng, nghĩa xóm” đã trở thành nguyên tắc chi phối mọi quan hệ trong cuộc sống hằng ngày của các gia đình. Và nguyên tắc ấy được phóng chiếu trở thành nguyên tắc ứng xử của xã hội.

Trước thế kỷ 20, các đô thị ở Việt Nam chủ yếu là trung tâm hành chính, chưa phải là trung tâm kinh tế. Lúc đó, các phố nghề ở Hà Nội sản xuất các loại hàng hóa đáp ứng nhu cầu của cư dân Hà Nội và vùng lân cận. Dân cư sống ở các phố nghề vẫn sống và tổ chức cuộc sống theo tập quán hàng xóm, láng giềng, tối lửa tắt đèn có nhau. Sau nhiều biến thiên với cuộc xâm lược của người Pháp, Hà Nội dần thay đổi, cũng chấp nhận sự xuất hiện của nhiều ngành nghề mới. Những phố nghề không còn độc tôn, mối quan hệ thân hữu láng giềng dần rời rạc.

Tuy nhiên, đến những năm 50 của thế kỷ 20, các nhà ở tập thể xuất hiện ở Hà Nội. Có thể kể đến khu tập thể Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ… Bởi do cùng chung lối sống, nhang nhác về công việc và lối suy nghĩ, tinh thần làng xã lúc này lại được vận dụng và triển khai rất sâu đậm. Sống trong tập thể, mọi người vận dụng tói thói quen “bán anh em xa mua láng giềng gần” để tương trợ lẫn nhau. Về cơ bản, mọi người đều có ý thức với cộng đồng đó của mình. Đôi khi mếch lòng, không vừa ý, người ta cũng “chín bỏ làm mười”. Người ta tự ý thức gìn giữ văn hóa, lối sống của gia đình mình, để tránh nhà mình thành gương xấu để gia đình răn dạy con cái.

Tiếp đến những thay đổi, những phát triển của xã hội với thời đại của kinh tế thị trường, của thời đại công nghệ... Có những lúc kể cả ở chính những làng quê nông thôn, truyền thống tương thân tương ái như đã mai một. Những va chạm, xích mích, những câu chuyện cãi vã, tranh chấp xảy ra nhiều hơn. Ở giữa đô thị ồn ào, những xô bồ, những ích kỷ đó lại càng như lộ rõ.

Có rất nhiều những vụ việc đáng tiếc đã xảy ra trong gia đình cũng như cộng đồng. Có những khi người ta quay cuồng, bối rối và khủng hoảng về niềm tin. Lúc này, không có gì khiến người ta trông chờ nhiều hơn từ những truyền thống, những đạo lý và những tình cảm bao đời nay cha ông ta đúc kết.

Và thời Covid-19, hàng nghìn người con đang sinh sống, học tập ở nước ngoài được Tổ quốc giang tay ra đón, hàng nghìn, hàng vạn các y bác sỹ, công an, bộ đội, tình nguyện viên… làm việc ngày đêm, ăn gió nằm sương để thực hiện cái nghĩa tương thân tương ái, nghĩa đồng bào một lần nữa khơi dậy cho người ta hiểu rất rõ những đạo lý tốt đẹp của truyền thống đã có lúc người ta xem nhẹ kia.

Tình làng nghĩa xóm, không chỉ còn là những giao tiếp cục bộ, mà hơn bao giờ hết, đến nay, nó chính là nghĩa đồng bào!

bai 5 khi nghia xom lang duoc phong chieu thanh nguyen tac ung xu Bài 4: Những cá nhân tích cực khơi gợi và gìn giữ lối ứng xử truyền thống
bai 5 khi nghia xom lang duoc phong chieu thanh nguyen tac ung xu Bài 3: Những cộng đồng đề cao tính hướng thiện trong cuộc sống
bai 5 khi nghia xom lang duoc phong chieu thanh nguyen tac ung xu Chuyện tình làng nghĩa xóm ở Thủ đô - Kỳ 1: Hương ước trong tổ dân phố
bai 5 khi nghia xom lang duoc phong chieu thanh nguyen tac ung xu Bài 2: Mỗi người dân tự đặt cho mình một trách nhiệm với cộng đồng

Ngọc Dung
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động