Thứ sáu 10/05/2024 05:11
Hà Nội đẩy mạnh phát triển kinh tế số

Bài 3: Đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hà Nội đang hướng tới mục tiêu trở thành 1 trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử vào năm 2025. Với lĩnh vực kinh tế, muốn chuyển đổi số mảng này được thúc đẩy hơn, việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số là rất quan trọng.
Bài 3: Đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số
Hà Nội sẽ tổ chức thực hiện khảo sát các doanh nghiệp nhỏ và vừa về nhu cầu chuyển đổi số và đánh giá hiệu quả công tác hỗ trợ chuyển đổi số. Ảnh: VGP

Truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số

Năm 2022, UBND TP Hà Nội đã ban hanh kế hoạch "Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025”. Kế hoạch cũng dự kiến kinh phí thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số là 315,164 tỷ đồng; trong đó, ngân sách thành phố chi 195,364 tỷ đồng, còn lại doanh nghiệp đóng góp và huy động từ các nguồn khác là 119,8 tỷ đồng.

Đồng thời, TP Hà Nội đã chi hơn 20 tỷ đồng trong năm 2021 và hơn 15 tỷ đồng trong năm 2022 để triển khai các nhiệm vụ của Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn.

TP Hà Nội cũng xem xét hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, thông qua cơ chế tài trợ dự án, thông qua các Quỹ đầu tư, các nhà đầu tư...

Hà Nội cũng sẽ tổ chức thực hiện khảo sát các doanh nghiệp nhỏ và vừa về nhu cầu chuyển đổi số và đánh giá hiệu quả công tác hỗ trợ chuyển đổi số. Song song với các nhiệm vụ trên là hình thành các kênh kết nối trên nền tảng mạng xã hội nhằm gắn kết, chia sẻ thông tin phục vụ cộng đồng doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn TP.

Theo đó, sẽ hỗ trợ các gói chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo mức độ chuyển đổi số ở 3 mức bắt đầu, tăng tốc và hướng đến thị trường toàn cầu…

Lộ trình đồng hành hỗ trợ cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số được Hà Nội lập ra cụ thể: Năm 2021, tập trung nghiên cứu, xây dựng kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”. Năm 2022 phê duyệt kế hoạch.

Năm 2023, tập trung đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền kế hoạch bằng việc nâng cấp phần mềm thu thập dữ liệu liên quan đến kế hoạch để bắt kịp xu hướng phát triển, đổi mới công nghệ qua mỗi năm…

Năm 2024, sẽ khảo sát hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Điều chỉnh kế hoạch phù hợp hơn với nhu cầu của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện và hiệu quả hơn. Năm 2025, hỗ trợ xây dựng, hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số để hỗ trợ toàn diện, sâu rộng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế số và thực hiện tốt cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc tiếp cận thành tựu sản xuất mới sẽ tạo ra công cụ đắc lực giúp các doanh nghiệp tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Do đó, năm 2023, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội đã, đang và sẽ tổ chức các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như: Chương trình hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động lĩnh vực sản xuất, chế biến; Ðào tạo khởi sự, quản trị kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm; Tư vấn hỗ trợ về thủ tục đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư và các thủ tục hành chính khác thực hiện tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội; Triển khai các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Mục tiêu chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hà Nội là phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; 90.000 doanh nghiệp mới được thành lập nhận hỗ trợ chuyển đổi số; 100% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sử dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử.

Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, Hà Nội tập trung xây dựng các công cụ, tài liệu hướng dẫn, phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số; truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số; kết nối, hình thành mạng lưới chuyên gia tư vấn, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp; thúc đẩy hệ sinh thái hỗ trợ chuyển đổi số của thành phố.

Doanh nghiệp cần lựa chọn cho mình chiến lược, lộ trình chuyển đổi số hiệu quả

Hiện nay, các thách thức phổ biến mà doanh nghiệp thường gặp trong quá trình chuyển đổi số liên quan đến vấn đề về nhận thức, lựa chọn công nghệ, hệ sinh thái, con người và năng lực tài chính để triển khai. Trong đó, theo nhận định của Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Bùi Trung Nghĩa, nhận thức và năng lực của doanh nghiệp về chuyển đổi số là vấn đề hết sức quan trọng và có yếu tố tiên quyết. Để thành công, doanh nghiệp cần được cung cấp đầy đủ thông tin nhằm hiểu đúng và lựa chọn cho mình chiến lược, lộ trình chuyển đổi số hiệu quả.

Tại Hội thảo khoa học về chuyển đổi số diễn ra tại Hà Nộị năm 2023, Tiến sĩ Nguyễn Văn Yên, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng, Hà Nội cần tăng tỷ lệ chi ngân sách hằng năm cho chuyển đổi số và khoa học, công nghệ.

Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) phải cho phép Hà Nội có thể điều chỉnh các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghệ để có thể thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ đến với Thủ đô, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp tăng tỷ trọng đầu tư vào khoa học, công nghệ.

Bài 3: Đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số
Các thách thức phổ biến mà doanh nghiệp thường gặp trong quá trình chuyển đổi số liên quan đến vấn đề về nhận thức, lựa chọn công nghệ, hệ sinh thái, con người và năng lực tài chính để triển khai. Ảnh minh họa.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết: Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội mong muốn các quận, huyện, thị xã của Thành phố cùng mạnh dạn, đề xuất, phát động các mô hình thí điểm chuyển đổi số tại địa phương.

Sở Thông tin và Truyền thông cùng các Sở, ban, ngành Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp CNTT, công nghệ số Thành phố sẽ đồng hành cùng các địa phương trong tiến trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cũng đề nghị các cơ quan đẩy mạnh chuyển đổi xanh và chuyển đổi số; tiếp tục tăng cường hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phấn đấu Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đối số với các hộ kinh doanh, trong sử dụng hóa đơn điện tử của các hộ kinh doanh…

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện cả nước có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 97% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp tới 45% GDP, 31% vào tổng thu ngân sách Nhà nước và thu hút hơn 5 triệu lao động.

Thế nhưng, có đến hơn 60% doanh nghiệp phản ánh rào cản lớn nhất mà họ gặp phải khi triển khai chuyển đổi số là lo ngại về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao; 52,3% doanh nghiệp phản ánh khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen của doanh nghiệp, người lao động.

(còn nữa)

Bài 1: Kinh tế số - xu hướng phát triển tất yếu
Bài 2: Vượt thách thức đạt những thành tựu quan trọng
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động