Bài 1: Thực trạng thị trường BĐS Hà Nội, nguồn cung khan hiếm, giá tăng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGiá bất động sản Hà Nội sau đại dịch có xu hướng tăng. |
Sau gần 2 năm ngủ yên vì đại dịch Covid-19 thì bắt đầu từ cuối năm 2021 thị trường bất động sản đã sôi động trở lại. Nhưng trái ngược với các năm trước, năm nay thị trường bất động sản ven đô, đất ngoại thành, thậm chí là đất rừng, đất đồi, đất lâm nghiệp đặc biệt thu hút được giới đầu tư. Tuy nhiên, theo nhân định của các chuyên gia thì trong dài hạn, bất động sản năm 2022 được nhận định sẽ khá khắc nghiệt do phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, lạm phát.
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định: “Bước sang năm 2022, mặc dù diễn biến dịch phức tạp nhưng các giao dịch bất động sản vẫn sôi động. Tuy nhiên, trong dài hạn, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, lạm phát nên bất động sản năm 2022 sẽ khá khắc nghiệt.”
Trong khi người dân “khát bất động sản” thì nguồn cung của Hà Nội đang ở trong tình trạng thiếu hụt, kham hiếm. Chia sẻ về nguồn cung bất động sản tại Hà Nội, bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc Bộ phận tư vấn và nghiên cứu CBRE Hà Nội cho biết: “Với bất động sản tại Hà Nội thì nguồn cung sẽ liên tục tăng và những quỹ đất ở Hà Nội, đặc biệt là ở ngoại ô, với những khu vực chưa quá phát triển về mặt BĐS vẫn còn dư địa để tăng trưởng. Tuy nhiên 3 tháng đầu năm nay, theo thống kê ban đầu của chúng tôi thì nguồn cung không phải quá lớn, nếu so với cùng kỳ năm 2021 thì còn thấp hơn, tuy nhiên, đây cũng không phải là điều đáng ngại.”
Trong khi đó, bà Đỗ Thu Hằng, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội nhận định: “Ở thời điểm hiện nay, nguồn cung căn hộ để bán tập trung nhiều ở các khu vực như Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai. Ở các khu vực khác vẫn có nguồn cung nhưng chỉ có tỷ lệ nhỏ. Giá sơ cấp theo nghiên cứu của Savills ở quý 4.2021 tăng nhẹ 3% theo quý nhưng so với cùng kỳ năm trước là 10%. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi nhận thấy giá vẫn tăng nhẹ so với nguồn cầu của một số khu vực nội đô vẫn gia tăng. Đối với khu vực này, tỷ lệ nguồn cung vẫn còn ít”.
Tương tự, theo bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc Bộ phận tư vấn và nghiên cứu CBRE Hà Nội, trước áp lực lạm phát và nhiều biến động như hiện nay, xu hướng tăng giá nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra đối với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, việc tăng giá cũng sẽ theo hướng thận trọng: “Dự báo trong thời gian tới, chúng ta đang thấy có nhiều diễn biến như lãi suất và lạm phát tác động sẽ ảnh hưởng đến môi trường bất động sản. Với những thay đổi như vậy, theo chúng tôi cũng cần theo dõi, và theo chúng tôi là sẽ còn tiếp diễn sự tăng giá, như các chi phí nguyên liệu tăng, đẩy giá thành BĐS tăng cao và giá bán BĐS cũng sẽ tăng cao.”
Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, việc giá bất động sản tăng sẽ khiến người có nhu cầu thật khó mua. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia cho biết: “Rõ ràng trong bối cảnh nguồn cung thiếu, giá của bất động sản đó tăng lên thì khả năng mua cũng như thu xếp tài chính để sở hữu mua một căn nhà để ở sẽ khó khăn hơn. Chính vì vậy, trong chương trình phát triển Nhà ở 10 năm Chính phủ cũng đã hết sức lưu ý vấn đề này và trong đó tôi nghĩ rằng là cần sớm giải quyết được vấn đề nguồn cung.”
Không chỉ tác động đến người có nhu cầu thật và giảm cơ hội sở hữu nhà ở của người có thu nhập thấp mà cũng phần nào tác động đến các nhà đầu tư bởi sẽ khiến thanh khoản phần nào chững lại. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát và nhiều biến động như hiện nay, bất động sản được nhiều chuyên gia nhận định là kênh trú ẩn được nhiều nhà đầu tư tìm đến. Với bối cảnh này, các nhà đầu tư cần lưu ý gì trong chiến lược đầu tư?
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại