Thứ năm 09/01/2025 13:18
Đông y “bẩn” và những clip quảng cáo “ba đời nhà tôi…”

Bài 1: Chẩn đoán bệnh, bốc thuốc mà không cần giao tiếp với bệnh nhân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong vai một người có nhu cầu mua thuốc chữa bệnh mất ngủ cho mẹ, PV đã liên hệ trực tiếp tới số điện thoại của một đơn vị tự xưng là Trung tâm điều trị chứng mất ngủ. Và chỉ trong vài ba tiếng đồng hồ, liên tục chúng tôi nhận được ba, bốn cuộc gọi của “trung tâm” nhiệt tình tư vấn và giới thiệu sản phẩm đông y gia truyền.

Không thể phủ nhận rằng, video clip quảng cáo các thứ thuốc đông y điều trị xương khớp, mất ngủ, yếu sinh lý… lấy được không ít lòng tin của nhiều người nghe, người xem. Đặc biệt là lớp những người cao tuổi. Mỗi video clip đều được biên tập như một dạng phóng sự, khách quan với sự xuất hiện của chuyên gia, nhân chứng, của bệnh nhân với các hình ảnh, lời khen ngợi tuy không hoa mỹ, có chút ngô nghê nhưng luôn nhấn mạnh hiệu quả 100% của sản phẩm. Đặc biệt, video clip còn tăng hiệu ứng bởi những hình ảnh bệnh nhân nườm nượp, đứng ngồi chờ “thầy” “bốc thuốc”.

Không tên sản phẩm, cũng chẳng có cơ sở sản xuất, chỉ đơn giản một số điện thoại liên hệ. Chẳng quá khó để vào vai một người nhà bệnh nhân có chứng mất ngủ, tôi gọi điện đến số điện thoại công khai trên clip là 0398464567. Sau chỉ một tiếng tút, một giọng nam nghe máy cho biết tôi đã gọi điện đến số hotline của trung tâm điều trị chứng mất ngủ và sẽ ghi nhận thông tin và chuyển yêu cầu đến cho “thầy”.

Chưa đầy 5 phút, PV tiếp nhận một cuộc điện thoại, một giọng nữ trẻ, tự xưng là “thầy”. Không giới thiệu, cũng chẳng dài dòng, “thầy” trực tiếp lưu loát hỏi về triệu chứng của bệnh nhân rồi phân tích như một bác sỹ chuyên khoa. Rằng, chứng mất ngủ gắn liền với tuổi già, kèm theo những bệnh lý nền như đau đầu, đau mình mẩy, xương khớp.

Bài 1: Chẩn đoán bệnh, bốc thuốc mà không cần giao tiếp với bệnh nhân
Hình ảnh của video clip quảng cáo thuốc gia truyền "ba đời"

Sau khi phân tích một loạt, “thầy” thủ thỉ: Với bệnh mất ngủ như chị miêu tả, chị phải dùng thuốc càng sớm càng tốt không nên để lâu. Vì để càng lâu, điều trị càng mất thời gian và hiệu quả cũng không cao. Trước bên thầy bán thuốc theo thang, nhưng để tiện dụng hơn cho khách hàng, thầy đã nghiên cứu và bào chế thành dạng viên hoàn tán. Mỗi viên chỉ nhỏ như hạt tiêu, uống rất dễ và dược lực cũng nhanh chóng hơn khi sắc thuốc.

Và với một hộp thuốc khoảng 350 – 375 viên, bệnh nhân cần uống ngày 3 lần, mỗi lần 8 viên. “Giá mỗi hộp thuốc là 1.250.000 đồng/hộp. Với triệu chứng như chị mô tả, thầy đảm bảo chỉ cần uống 5 – 7 ngày sẽ có cải thiện và để chấm dứt hẳn mất ngủ thì chỉ cần uống trong vòng… hai tháng", "thầy" nói. Như vậy mỗi tháng cần 2 hộp, 2 tháng 4 hộp với tổng chi phí 5.000.000 đồng!

“Tư vấn” kỹ càng như thế, nhưng khi đề cập việc muốn gặp trực tiếp để được thăm khám để tìm nguyên nhân sâu hơn thì “thầy” chối: “Chỗ thầy không có trang thiết bị khám bệnh. Nên nếu muốn biết kỹ và sâu hơn mình có bệnh gì thì đến bệnh viện để siêu âm, chụp chiếu, khám bệnh… chứ chỗ thầy chỉ bắt mạch thôi. Làm sao mà có thể cẩn thận được như bệnh viện”?!

Và khi được hỏi “thầy” học trường nào, “thầy” lúng búng: “Nghề của thầy là gia truyền”. Vậy là “ba đời”. “Thầy” mừng rỡ: “Đúng rồi”. Vậy xin tên của “lương y”: “Thầy tên Đặng Công An”. Tên là nam, sao “thầy” lại là nữ? “Thầy” ngả bài: “Em chỉ là học trò thôi chị. Thầy đang đi họp chưa về.” Khi được yêu cầu gặp trực tiếp thầy, “học trò” chơi bài: “Em sẽ báo thầy gọi lại cho chị khi thầy họp xong.”

Tiếp sau đó, PV lại nhận được một cuộc gọi, giọng nam, tự xưng là “trưởng phòng” của trung tâm… Người này khẳng định: “Tất cả thuốc mà ở bệnh viện kê đều là thuốc kháng sinh. Uống kháng sinh sẽ khiến sức khỏe của bệnh nhân ngày càng đi xuống. Thậm chí ảnh hưởng đến gan, thận, tì… lâu dài khiến tắc nghẽn mạch máu, ảnh hưởng đến tim mạch. Thế nên việc uống thuốc Tây không thể giải quyết được vấn đề, mà người bệnh cần phải dùng toàn bộ thuốc nam mới có thể dứt bệnh.”

Vẫn muốn được đến thăm khám, “trưởng phòng” cũng thẳng thắn: “Chỗ thầy chỉ bắt mạch thôi chứ không thăm khám gì đâu. Nhưng uống thuốc của thầy là khỏi.” Và khi được hỏi thuốc được sản xuất ở đâu, công nghệ thế nào, “trưởng phòng” nổi khùng: “Tôi cam đoan với chị là thuốc của chúng tôi được sản xuất trên công nghệ tiên tiên nhất. Sản phẩm của chúng tôi có tem nhãn đàng hoàng, được chứng nhận bởi Bộ Y tế. Khi nhận được sản phẩm, chị có thể kiểm tra nếu không đủ tem, nhãn chị có thể trả lại.”

Và kiên quyết: “Thầy đến giờ vẫn chưa đi họp về. Mà thầy bận lắm. Chúng tôi là học trò thầy nhưng toàn học ở trường y ra nên chị yên tâm.”

(Còn nữa)

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động