Bác kháng cáo xin giảm án của chủ quán karaoke để xảy cháy làm 13 người tử vong
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo bản án sơ thẩm, Nguyễn Diệu Linh, SN 1986, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội, là chủ quán karaoke 68, quán karaoke thuộc danh mục có cơ sở nguy hiểm vè cháy nổ. Linh đã tự ý thay đổi thiết kế của quán, không làm đúng thiết kế về phòng cháy chữa cháy theo bản thiết kế đã thẩm duyệt; không kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công.
Cơ quan tố tụng kết luận, trong khi việc sửa chữa, lắp đặt quán karaoke vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa được nghiệm thu, đầu giờ chiều 1-11-2016, Nguyễn Diệu Linh vẫn chỉ đạo Võ Hoàng Kỳ (nhân viên quản lý) cho 2 tốp khách vào hát tại 2 phòng.
Bị cáo Hoàng Văn Tuấn, SN 1993, làm công việc hàn điện nhưng không có chứng chỉ thợ hàn, chưa được huấn luyện về an toàn lao động, chưa được cấp thẻ an toàn, không có biện pháp phòng chống cháy, dùng máy hàn thổi lửa trực tiếp vào bản lề cửa với mục đích dùng nhiệt cắt bản lề ra dẫn đến lửa bén vào vách phòng và gây cháy.
Lê Thị Thì, SN 1962, trú tại phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội là chủ sử dụng lao động nhưng không có chứng chỉ hành nghề, không tuân theo các quy định an toàn phòng chống cháy nổ. Thì biết rõ công việc hàn có thể dẫn đến cháy nổ, không có biện pháp phòng chống cháy nhưng vẫn đồng ý để Tuấn dùng máy hàn để nung, cắt bản lề cửa, dẫn đến cháy.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. |
Thì chỉ đạo Tuấn dùng máy hàn, máy cắt điện thổi lửa vào bản lề cửa ra vào tầng 2 để cắt bản lề. Trong khi thực hiện hàn cắt không có dụng cụ che chắn, đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy nên lửa bén vào vách phòng gây cháy, hậu quả làm 13 khách đến quán hát tử vong. Hậu quả của vụ cháy khiến 11 xe máy, 1 xe đạp điện, đồng thời làm cháy lan sang các nhà số 70, 72, 74…
Tại tòa, Linh khai, hai tiếng sau khi quán karaoke bị cháy bị cáo mới biết tin. Thời điểm xảy ra vụ cháy, bị cáo và gia đình không có mặt ở quán vì đã thuê đơn vị thi công, giám sát.
Linh thừa nhận, bị lực lượng chức năng nhắc nhở và ký biên bản cam kết không đưa quán vào hoạt động khi chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, Linh vẫn cho khách vào hát với mục đích thử nghiệm.
Trong khi đó, Hoàng Văn Tuấn thừa nhận tội. Anh ta khai, chưa được qua đào tạo bài bản về hàn điện và học được nghề hàn khi đi phụ thi công các công trình. Tuấn cũng không được huấn luyện về an toàn lao động, chưa được cấp thẻ an toàn.
Chiều đó, bị cáo được chủ cơ sở Lê Thị Thì gọi đi hàn nhưng ban đầu không biết tới thi công quán karaoke. TAND TP Hà Nội đã tuyên Linh 9 năm tù, Thì 7 năm tù, Tuấn 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy”.
Lần xử phúc thẩm này, Linh nêu lý do xin giảm nhẹ hình phạt vì đang nuôi con nhỏ, hậu quả vụ cháy bị cáo không hề mong muốn. Linh trình bày, biết cơ sở kinh doanh karaoke chưa được cấp giấy phép, và đang sửa chữa, hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy song bà chủ này vẫn để quản lý đón khách vào hát. "Việc cho kinh doanh sớm vì bị cáo muốn thu hồi vốn nhanh", Linh giải thích.
Tại tòa, đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội cho rằng, cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ (ăn năn hối cải, nhân thân tốt, đã bồi thường một phần cho các bị hại...) nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ của các bị cáo và yêu cầu hủy án sơ thẩm của các bị hại.
Do đó, HĐXX phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên y án sơ thẩm.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại