Bắc Giang chuyển cách ly xã hội sang giãn cách xã hội với huyện Lục Nam và Yên Thế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo Quyết định số 582/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang về điều chỉnh áp dụng biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg sang giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với 2 huyện: Lục Nam, Yên Thế, từ 12g ngày 7-6, huyện Lục Nam sẽ chuyển sang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Chính phủ.
Việc điều chỉnh biện pháp cách ly xã hội đối với 2 huyện Lục Nam, Yên Thế cho thấy những tín hiệu đáng mừng trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh tại Bắc Giang. Bên cạnh đó, việc dỡ bỏ phong tỏa góp phần quan trọng giúp giao thông được thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hoạch và tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện Lục Nam.
Tại buổi lễ chứng kiến điều chỉnh biện pháp cách ly xã hội tại huyện Lục Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: Huyện Lục Nam sau khi kết thúc cách ly theo Chỉ thị 16 cần nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 15 của Chính phủ, không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh;
Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của ngành y tế, nhất là thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế. Đồng thời, nhanh chóng hỗ trợ người dân trên địa bàn tiêu thụ nông sản, đặc biệt là vải thiều. Không để xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho đời sống Nhân dân.
Cụ thể, nội dung việc thực hiện giãn cách xã hội tại 2 huyện Lục Nam, Yên Thế bảo đảm các nội dung chính như:
Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 10 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 5 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.
Dừng tất cả các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.
Dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, cụ thể: nhà hàng ăn uống, khu vui chơi, giải trí, massage, karaoke, quán bar, quán games, internet, phòng tập thể thao (gym, yoga, …)
Việc hiếu được tổ chức nhưng không tập trung quá 20 người, khuyến khích Nhân dân tổ chức đơn giản, gọn, hạn chế số người tập trung.
Hạn chế việc di chuyển của người dân đến các địa phương khác. Dừng các hoạt động giao thông công cộng, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.
Yêu cầu toàn thể Nhân dân tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, nghiêm túc tham gia khai báo y tế, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.
Giao cho Công an tỉnh phối hợp với UBND các huyện Lục Nam, Yên Thế chỉ đạo thiết lập lại các chốt kiểm soát kể từ trước 12g ngày 7-6; tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn duy trì sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.
Từ 12g ngày 7-6 huyện Lục Nam và Yên Thế thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Chính phủ thay cho Chỉ thị 16 (ảnh P.T) |
Lực lượng mỏng khó quản lý khu cách ly tập trung Trước đó, sáng 7-6, UBND tỉnh Bắc Giang đã triệu tập các thành phần liên quan công tác này và tổ giám sát cách ly Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế để tham vấn, hoàn chỉnh, nâng cao năng lực cách ly của tỉnh... Tại cuộc họp, đại diện Sở Y tế cho biết hiện Bắc Giang có tới 240 khu cách ly tập trung với khoảng 13.000 công dân. Về cơ bản, công tác cách ly đã khoanh vùng được tất cả những điểm nóng, số ca F0 chủ yếu trong các khu cách ly. Tuy nhiên, theo Tổ kiểm tra giám sát của Sở Y tế tỉnh vì lực lượng mỏng, tổ mới kiểm tra, giám sát được khoảng 58 đơn vị, đạt 25% tổng số khu cách ly. Nhiều đơn đơn vị quản lý khu cách ly chưa quan tâm làm báo cáo hàng ngày, tỉ lệ báo cáo chỉ 50%-60%. Hiện chỉ có 136/240 cơ sở báo cáo đều đặn, đạt 80% là TP Bắc Giang, Yên Thế, Lục Nam. Nhiều khi các quản lý khu cách ly cũng lơ là, buông lỏng, thiếu giám sát nhưng vẫn báo cáo tốt, trong lúc đó huyện cũng không kiểm tra lại. Một số cơ sở cách ly của trường mầm non thì cơ bản đáp ứng đủ nhà vệ sinh riêng, còn các khu cách ly tại trường tiểu học, THCS… vẫn phải sử dụng nhà vệ inh và nhà tắm chung. Đây là một trong những nguy cơ dẫn tới lây nhiễm chéo. Nhiều công dân đã đủ 21 ngày cách ly, nhưng vẫn chậm nhận được kết quả xét nghiệm, số khác sắp hết hạn cách ly lại bị “tính lại từ đầu” khi có ca F0, nên họ rất bức xúc. Nếu không làm tốt thì tại nhiều khu cách ly người dân phải ở quay vòng, vài tháng không được ra. Theo đại diện Ban chỉ huy Quân sự tỉnh, công tác cách ly còn nhiều bất cập, việc lây chéo không còn là nguy cơ mà chắc chắn đã xảy ra trong thực tế. Ban chỉ huy Quân sự tỉnh đã họp trực tuyến với Ban chỉ huy quận sự các huyện để đôn đốc, khắc phục, hiện nay việc tháo gỡ khó khăn đối với nhà vệ sinh, nhà tắm… đã phần nào được đáp ứng. Bên cạnh đó, vướng mắc trong xử lý đó là khi có ca F0 thì các F1 lại bị cách ly từ đầu, rất cần Sở Y tế có văn bản cụ thể để Ban chỉ huy Quân sự có căn cứ xử lý. Đồng thời, lực lượng mỏng, khuôn viên khu cách ly rộng dẫn đến nguy cơ mất an toàn cộng đồng rất lớn. Có điểm rộng từ 8.000 -10.000 m2, tường rào không có, chỉ có 7-8 đồng chí làm nhiệm vụ canh gác, thì rất khó quản lý. Vài trường hợp “vượt rào” khu cách ly ở Sơn Động vừa qua là điển hình khó khăn trong quản lý-đại diện Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang cho biết. Với tư cách đơn vị được tham vấn, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, chỉ huy tổ giám sát cách ly Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế đề xuất tỉnh một số điểm cần lưu ý: Cứ khu cách ly nào mới phát hiện F0 thì ngay ngày hôm sau phải kiểm tra ngay để kịp thời ứng phó. Thành lập thêm 1 khu cách ly dành cho những người F1+, có nguy cơ cao, để quản lý riêng tránh việc lây chéo. Quản lý khu cách ly trực tiếp có quyền giám sát qua hệ thống camera của khu cách ly để thuận lợi cho quản lý. Đối với vấn đề quản lý cách ly, ông Dương Chí Nam cho rằng, UBND tỉnh, Sở Y tế rà soát lại điều kiện cho ra như thế nào, giải quyết vấn đề cho ra đối với người cách ly. Khi đủ 21 ngày chuẩn bị cho ra mà lại tiếp xúc F0 thì xử lý rất nan giải. Nên việc ai ký quyết định cách ly tập trung, gia hạn cách ly thêm… cần quy định cụ thể, không gây khó khăn cho triển khai. Trước tình hình báo cáo hàng ngày còn nhiều thiếu sót, ông Nam đề nghị CDC tỉnh điểm danh, báo cáo tỉnh chỉ đạo các huyện phải đảm bảo báo cáo kịp thời, xử lý nghiêm tình trạng không báo cáo. Các thành viên trong tổ giám sát cách ly Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế đóng góp thêm những ý kiến về gấp rút thiết kế nhà vệ sinh, nhà tắm riêng tại các khu cách ly do BQP quản lý, không để tình trạng 20-30 người tắm chung. Bên cạnh đó, việc trả kết quả xét nghiệm cần phải để Ban quản lý khu cách ly nắm được, chấm dứt tình trạng trả kết quả cho đối tượng mà người quản lý không nắm được. Ưu tiên xét nghiệm sớm cho những người sắp hết thời hạn cách ly, và có chế độ ưu đãi cho người bị gia hạn cách ly khi có tiếp xúc với F0. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại