Thứ bảy 23/11/2024 02:19
Thực hiện Chương trình số 03-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội: Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn cần khắc phục

Bài 3: Vẫn “nóng” về vấn đề xử lý nước thải, thoát nước

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo nhận định của Thường trực HĐND TP Hà Nội, trên địa bàn TP hiện nay, tổng công suất của các nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động chỉ chiếm khoảng 28,8% lượng nước thải cần xử lý, thấp hơn so với mục tiêu phải đạt được đến năm 2020 là 60% theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bài 3: Vẫn “nóng” về vấn đề xử lý nước thải, thoát nước
Tổng số vốn bố trí đầu tư kế hoạch trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 cho 39 dự án xây dựng trạm xử lý nước thải, các công trình thoát nước, thủy lợi tiêu úng là hơn 13.500 tỷ đồng, bằng 6,2% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn cấp TP. Ảnh: Khánh Huy

Nhiều dự án xử lý nước thải chưa triển khai xây dựng

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, đến nay, TP Hà Nội có 6 khu xử lý nước thải, tổng công suất 276.000m3/ngày đêm, vừa qua bổ sung hơn 9.000m3/ngày đêm, tỷ lệ nước thải được thu gom xử lý mới đạt được 29,1%.

Tổng số vốn bố trí đầu tư kế hoạch trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 cho 39 dự án xây dựng trạm xử lý nước thải, các công trình thoát nước, thủy lợi tiêu úng là hơn 13.500 tỷ đồng, bằng 6,2% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn cấp TP.

Hiện có 8 dự án chưa triển khai thực hiện, đó là các dự án: Xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực sông Nhuệ; xây dựng thoát nước quận Hà Đông; xây dựng công trình đầu mối cấp 1 quận Long Biên; xây dựng hệ thống thu gom nước thải lưu vực S1 cho Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Phú Đô; xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ; xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây; xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải An Lạc.

Mặc dù đã được bố trí vốn, nhưng rất nhiều dự án triển khai chậm, như dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trên địa bàn huyện Thanh Trì, có tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản. Đây là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải. Chủ đầu tư là Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP Hà Nội.

Bài 3: Vẫn “nóng” về vấn đề xử lý nước thải, thoát nước
Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì, Hà Nội) được xem là một trong những dự án có quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải và được đánh giá là nhà máy xử lý nước thải lớn nhất miền Bắc

Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian thực hiện kéo dài tới năm 2025, thay vì năm 2021 như kế hoạch ban đầu. Dự án đang triển khai 4 gói thầu, trong đó, tiến độ thành phần một số hạng mục của các gói thầu rất chậm so với kế hoạch, chỉ đạt từ 19-40%.

HĐND TP Hà Nội nhận định, nếu không được nhanh chóng khắc phục, tháo gỡ, thì chỉ tiêu tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đến năm 2025 đạt từ 50-55% theo các chương trình công tác của Thành ủy sẽ khó mà về đích đúng hẹn.

Theo báo cáo của UBND TP nước thải thu gom xử lý mới đạt 28,8%. Khi hoàn thành dự án xử lý nước thải Yên Xá sẽ nâng khối lượng lên thành 50%. Tuy nhiên, việc triển khai dự án này là rất chậm, trong 8 năm qua, cả 4 gói thầu vẫn đang thi công, trong đó đặc biệt các gói xây lắp 2, 3, 4 là rất chậm trong khi Thủ tướng Chính phủ vừa ra hạn chủ trương đến năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sử dụng vốn ODA nhưng lại bị chậm. Theo tiến độ phải hoàn thành vào năm 2022 nhưng dự án hiện đang vướng mắc và chậm trễ. Khu nhà máy xử lý trung tâm sẽ hoàn thành vào tháng 6/2023 nhưng nhà máy xong mà hệ thống thu gom, đưa nước thải về chưa xong thì cũng không hoạt động được.

Về tiến độ đầu tư các dự án xử lý nước thải, thoát nước chung trên địa bàn TP Hà Nội, lãnh đạo TP Hà Nội nhìn nhận còn chậm. Trong giai đoạn 5 năm trước, các dự án hạ tầng kỹ thuật này chưa được chú trọng đầu tư công vì TP cố gắng huy động vốn xã hội hóa theo hình thức BT. Nhưng, khi Luật PPP ra đời, đã chấm dứt đầu tư theo cơ chế BT nên có khoảng “gãy” về cơ chế, buộc phải chuyển sang đầu tư công.

Ông Tuấn cho biết, trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tập trung vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn TP Hà Nội để cơ bản đạt được chỉ tiêu mà Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra.

Đối với 5 huyện ngoại thành được xác định lên quận vào năm 2025, bên cạnh việc định hướng đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung theo khu vực, lưu vực thì TP cũng giao các huyện chủ động nghiên cứu lập đề xuất đầu tư quy hoạch nước thải quy mô vừa và nhỏ.

Dự kiến thu tiền dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải là việc làm rất cần thiết trong thực tiễn

Trong năm 2022, TP phát hiện 58 dự án xả thải vượt chỉ tiêu cho phép, số tiền xử phạt 4 tỉ đồng.

Qua quá trình kiểm tra tồn tại một số nguyên nhân chủ yếu là: Theo quy hoạch cấp nước của TP, các khu đô thị sẽ không xây dựng trạm xử lý thải phân tán, sẽ đấu nối vào đầu mối thu gom thoát nước thải và các hệ thống xử lý nước thải tập trung. Một số khu đô thị đã tồn tại từ lâu nên thiếu quy hoạch cho việc bố trí trạm xử lý nước thải trong khu đô thị. Vấn đề này dẫn đến khó khắc phục xử lý hiện trạng xử lý nước thải theo quy định.

Một số khu đô thị, chủ đầu tư đã hoàn tất xây dựng hạ tầng và đã bàn giao cho người dân, nên việc bố trí kinh phí phát sinh cho việc xử lý nước thải khó thực hiện, do không có trong kế hoạch sử dụng vốn dự án ban đầu. Cùng với đó, do khó khăn giải phóng mặt bằng triển khai theo tiến độ từng giai đoạn dự án, một phần dự án đã được bàn giao cho chủ đầu tư khác. Vì vậy, có một số khu đô thị có một số giải pháp tạm thời xử lý từng cụm dự án thành dự án riêng lẻ, sau đó mới hoàn tất hạ tầng toàn bộ khu đô thị xây dựng dự án theo kế hoạch tập trung.

Bài 3: Vẫn “nóng” về vấn đề xử lý nước thải, thoát nước
Theo giám sát của HĐND TP, tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các CCN đã hoạt động ổn định giai đoạn 2014-2015 đang bị chậm; một số CCN được đầu tư đồng bộ trạm xử lý nước thải tập trung song chưa phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp, hộ dân trong CCN chưa thực hiện nghiêm đấu nối xả thải với hệ thống này.

Theo thống kê từ Sở Công thương, trên địa bàn TP Hà Nội có 70 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động nhưng tính đến tháng 8/2022, TP mới có 30 CCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn 11 CCN đang được Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP tập trung thực hiện.

Theo giám sát của HĐND TP, tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các CCN đã hoạt động ổn định giai đoạn 2014-2015 đang bị chậm; một số CCN được đầu tư đồng bộ trạm xử lý nước thải tập trung song chưa phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp, hộ dân trong CCN chưa thực hiện nghiêm đấu nối xả thải với hệ thống này. Cùng với đó, việc thu phí nước thải cũng nhiều khó khăn do chủ đầu tư chưa xác định giá dịch vụ thoát nước và lưu lượng nước của doanh nghiệp, người dân...

Liên quan đến việc TP Hà Nội xây dựng đề án giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trong đó dự kiến thu tiền dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải tại 12 quận, thị xã, chuyên gia đánh giá tuy hơi muộn nhưng là việc làm rất cần thiết trong thực tiễn. Tuy nhiên khi thực hiện cần chú ý hơn trong công tác tuyên truyền, làm sao để người dân hiểu rõ về mục đích của việc tăng giá dịch vụ này. Cần minh bạch hơn về sử dụng phí thu được đã góp phần như thế nào trong việc xử lý nước thải sinh hoạt. Cần để người dân biết tiền mình đóng được chi cho khoản gì, đúng và đủ hay không.

Trước đó, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp 10, trong đó có việc ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải.

Giá dịch vụ thoát nước đề xuất tăng dần theo lộ trình 5 năm và thu thông qua giá nước sạch. Cụ thể, năm thứ nhất thu bằng 10% giá nước, năm thứ 5 thu khoảng 35%. Mức giá TP Hà Nội đưa ra thấp hơn các tỉnh thành đang thực hiện, cụ thể Đà Nẵng 15%; Nha Trang 30-40%; Bắc Ninh 25-38% và Hải Phòng 20%.

Theo Kế hoạch 312/KH-UBND ngày 28/12/2022 về phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị TP Hà Nội, giai đoạn 2021-2025 xác định 5 nhóm giải pháp để tổ chức thực hiện nội dung trên. Đáng chú ý, song song công tác tuyên truyền về nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân trong việc chi trả phí bảo vệ môi trường, giá dịch vụ thoát nước; bố trí nguồn đầu tư; có cơ chế, chính sách cụ thể và tổ chức điều hành, phối hợp thực hiện, TP sẽ lựa chọn mô hình, công nghệ xử lý nước thải đó là tiếp tục triển khai các nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn theo quy hoạch; xây dựng hệ thống xử lý nước thải phân tán (phi tập trung) cho từng tiểu khu hay từng công trình như các khu biệt thự, nhà vườn, các khu có tính chất nửa đô thị, nửa nông thôn và các cụm nông thôn nhỏ cách xa các khu đô thị tập trung. TP đặt mục tiêu hoàn thành tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đến năm 2025 đạt 50-55%.

TP cũng sẽ định hướng ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, khu vực các quận: Hà Đông, Long Biên và khu vực phía Tây, nhằm giải quyết tình trạng úng ngập do mưa; ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải để thu gom và xử lý nước thải đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quy định nhằm góp phần cải thiện môi trường tại khu vực nội thành, khu vực đô thị có mật độ dân cư cao, tốc độ đô thị hóa lớn như quận Hà Đông, Long Biên..., giảm thiểu ô nhiễm lưu vực các sông: Nhuệ, Cầu Bây; ưu tiên đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu dân cư tập trung đã và đang hình thành của một số huyện theo Đề án lên quận vào năm 2025.

Bài 1: Cơ chế, chính sách hỗ trợ còn hạn chế khiến doanh nghiệp không “mặn mà” đầu tư xây dựng chợ
Bài 2: Vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội sẽ đạt 35% vào năm 2025?
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động