“Anh hùng giải cứu mỹ nhân” và bài học cho những thanh niên “sống ảo”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCA quận Đống Đa, Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bốn người về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Những người này gồm Nguyễn Văn Đức, SN 1997, trú tại Thanh Hoá; Triệu Ồng Nhất, SN 1996; Hoàng Ồng Nhất và Lương Thanh Miều, cùng SN 1998, cùng trú tại Lào Cai.
Theo CQCA, Đức có quen biết với chị Nguyễn Thị T., SN 2002, trú tại Hà Nội. Do tỏ tình nhiều lần nhưng không được, Đức bàn bạc với Miều lên kế hoạch bắt cóc chị T. rồi đóng vai “anh hùng giải cứu mỹ nhân” để khiến chị này rung động, chấp nhận tình cảm của Đức.
Bốn đối tượng dựng lên màn kịch bắt cóc, đòi tiền chuộc |
Tại CQCA, Đức khai chị T. chưa đồng ý làm người yêu vì cho rằng Đức hay “chém gió”. Để tạo lòng tin với T., Đức quyết định dựng lên vở kịch nêu trên. Đức hứa sẽ trả cho Miều 60 triệu đồng tiền công sau khi kế hoạch thực hiện trót lọt, đồng thời lên mạng internet đặt mua còng số 8, dùi cui điện... Về phía mình, Miều chủ động rủ thêm hai bị can còn lại tham gia.
Tiếp đó, Miều thuê xe ô tô và đi bắt cóc T. khi chị này đi giao hàng tại một địa điểm ở địa bàn quận Đống Đa. Trên xe, các đối tượng khóa tay cô gái bằng còng số 8, quấn băng dính quanh đầu và bịt miệng. Sau đó, chiếc xe di chuyển đến một ngôi nhà hoang ở huyện Đông Anh.
Tại đây, nhóm nghi phạm cởi hết quần áo chị T. rồi chụp ảnh, sau đó tháo băng dính, đe chị T. không được khóc lóc, kêu la. Nhóm này ép cô gái đọc mật khẩu điện thoại, rồi gọi điện cho Đức, yêu cầu đưa tiền đến chuộc người.
Nhận được thông tin, Đức mang theo 100 triệu đồng, một đồng hồ Hublot, một điện thoại Vertu và nói tổng trị giá hơn 600 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, “nhóm bắt cóc” rời đi, để lại Đức và cô gái. Thoát ra ngoài, T. đến CQCA trình báo, màn kịch của Đức và nhóm nghi phạm bị bóc mẽ. Hiện CA quận Đống Đa đang củng cố hồ sơ, xử lý các đối tượng theo quy định.
Theo dõi vụ việc trên, luật sư Phạm Quang Xá (Cty luật XTVN - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi bắt giữ người trái pháp luật để đòi tiền chuộc là hành vi vi phạm pháp luật, không những xâm hại đến sức khỏe, quyền tự do thân thể, tự do đi lại cư trú của công dân mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân và có thể gây ra nhiều hệ lụy khác cho xã hội, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Đây là hành vi hết sức nguy hiểm cho xã hội có dấu hiệu tội phạm bởi vậy dù là “trò đùa” thì hành vi bắt giữ người đã xảy ra, đã khiến nạn nhân sợ hãi và đã xâm phạm đến quyền tự do thân thể, quyền tự do đi lại cư trú của nạn nhân nên hành vi này cũng sẽ bị xử lý hình sự theo quy định pháp luật.
“Dù hành vi có thể là đùa, một dự tính đánh lừa tình cảm,tuy nhiên hành vi bắt, giữ người trái pháp luật đã thực hiện, đã xâm phạm đến quyền tự do thân thể, tự do đi lại, tự do cư trú của công dân nên hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 157 BLHS năm 2015”, luật sư Phạm Quang Xá cho biết.
Như vậy, trường hợp lời khai của các đối tượng là đúng, các đối tượng bắt giữ cô gái này đòi tiền chuộc 500 triệu đồng là “kịch bản” chỉ để lấy lòng, để dựng chuyện hào hiệp, cho một đối tượng chiếm được tình cảm của cô gái này thì các đối tượng chỉ bị xử lý về tội về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” theo Điều 157 BLHS nêu trên và mức hình phạt cao nhất trong tình huống này có thể lên đến 7 năm tù nếu hành vi được xác định là có tổ chức.
“Vụ việc này có lẽ sẽ là một bài học cho những thanh niên “sống ảo”, sẵn sàng dựng chuyện, giả dối, không từ thủ đoạn nào để lừa gạt, nhằm chiếm được tình cảm của người khác, thêm vào đó là thiếu hiểu biết pháp luật dẫn đến bi kịch ngày hôm nay đã rước họa vào thân”, luật sư Phạm Quang Xá phân tích.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại