Ai chịu trách nhiệm?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhông chỉ DA thủy điện Cốc Đàm, trong cả nước vẫn xuất hiện không ít DA vận hành sai công suất. Ảnh: K.H. |
Ai phải chịu trách nhiệm?
Như PL&XH từng phản ánh, DA thủy điện Cốc Đàm do Cty TNHH XD Hoàng Sơn làm chủ đầu tư được xây dựng tại xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Ngày 07/6/2022 Bộ Xây dựng nhận được văn bản của Bộ Công thương về việc lấy ý kiến đối với Hồ sơ điều chỉnh quy hoạch DA thủy điện Cốc Đàm.
Ngày 20/7/2022, Bộ Xây dựng chính thức có văn bản trả lời Bộ Công thương, khẳng định hồ sơ DA còn thiếu nhiều nội dung nên chưa có cơ sở đánh giá và xem xét việc điều chỉnh quy hoạch thủy điện.
Trong văn bản của mình, Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “DA thủy điện Cốc Đàm thuộc quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được Bộ Công Nghiệp (nay là Bộ Công thương) phê duyệt tại Quyết định số 1925/QĐ-NLDK ngày 31/5/2005, theo đó DA có công suất 6,3MW. Tuy nhiên tại Quyết định số 3543/QĐ-UBND ngày 08/12/2006, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt điều chỉnh DA với quy mô công suất 7,5MW là thực hiện không đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc này cần được xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành để đủ cơ sở pháp lý thực hiện điều chỉnh quy hoạch thủy điện theo quy định…”.
Nếu tính từ ngày 08/12/2006, khi UBND tỉnh Lào Cai chính thức phê duyệt điều chỉnh DA với quy mô công suất 7,5MW cũng đồng nghĩa với việc DA thủy điện Cốc Đàm đã vận hành vượt công suất tới 17 năm. Còn tính từ thời điểm năm 2007, thủy điện đi vào hoạt động thì chủ đầu tư đã khai thác sai công suất tới 16 năm.
Điều khó hiểu ở chỗ, biết Bộ Công Nghiệp chỉ cho phép DA vận hành với công suất 6,3MW nhưng không hiểu bằng niềm tin nào để UBND tỉnh Lào Cai, chủ đầu tư… điều chỉnh DA vượt quy mô công suất thành 7,5MW? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho quyết định này? Liệu các Sở, ngành liên quan của tỉnh Lào Cai với vai trò tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh có biết sự thật này?
16 năm vận hành sai công suất nhưng sự thật này chỉ bị phát hiện khi năm 2022 chủ đầu tư tiếp tục làm hồ sơ xin điều chỉnh quy hoạch DA từ 7,5MW lên 9,8MW, gồm 04 tổ máy.
Liên quan tới việc chủ đầu tư lập hồ sơ, cùng với đó là việc Bộ Công thương có văn bản gửi tới Bộ Xây dựng lấy ý kiến đối với hồ sơ điều chỉnh quy hoạch DA thủy điện Cốc Đàm. Trong văn bản ngày 20/7 được Bộ xây dựng gửi tới Bộ Công thương cho thấy Bộ Xây dựng có quan điểm cần phải làm rõ việc UBND tỉnh Lào Cai điều chỉnh DA từ 6,3MW lên thành 7,5MW là thực hiện không đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc này cần được xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Mặt khác, văn bản của Bộ Xây dựng cho thấy: “DA thủy điện Cốc Đàm cần phải được bổ sung cơ sở pháp lý điều chỉnh quy hoạch đáp ứng các quy định tại Thông tư số 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng DA thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan. Về đề xuất nâng quy mô công suất của DA cần được xem xét căn cứ vào các yêu cầu kỹ thuật của hệ thống điện khu vực DA, đảm bảo cân đối cơ cấu nguồn điện trong tổng thể phát triển ngành điện. Bộ Công thương đánh giá và chịu trách nhiệm về hồ sơ quy hoạch của DA nhằm đảm bảo tính pháp lý làm cơ sở xem xét hồ sơ điều chỉnh quy hoạch theo quy định đồng thời đảm bảo đúng mục tiêu, sự phù hợp và yêu cầu về cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt”.
Trong khi việc điều chỉnh vượt công suất DA từ 6,3MW lên thành 7,5MW đang bị Bộ Xây dựng kiến nghị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Sai phạm vẫn chưa rõ ai phải chịu trách nhiệm, việc khai thác nhà máy thủy điện ở công suất 7,5MW chưa biết có được cơ quan chức năng chấp thuận hay phải điều chỉnh về đúng bản chất ban đầu là 6,3MW thì liệu Bộ Công thương có tiếp tục điều chỉnh DA thủy điện Cốc Đàm từ 7,5MW lên 9,8MW?
Cảnh báo DA tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn
Tại văn bản của mình Bộ Xây dựng cũng cảnh báo: “DA thủy điện Cốc Đàm được được bố trí trên dòng suối Nậm Phàng, thuộc vùng có địa hình miền núi với độ dốc sườn núi và độ dốc lòng sông, suối lớn. Địa hình núi cao, bị chia cắt, cộng với lượng mưa dồi dào đã tạo nên mạng lưới sông dày đặc trên lưu vực. Cần có đánh giá tổng thể bậc thang các công trình thủy điện có liên quan thuộc lưu vực suối Nậm Phàng nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trong việc phát triển các DA thủy điện theo quy định; đồng thời cần bổ sung đánh giá sơ bộ về an toàn hồ, đập và an toàn các công trình có quan đến DA đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình khai thác, vận hành an toàn công trình hồ, đập và đảm bảo an sinh cho người dân hạ du khu vực DA…
DA thủy điện Cốc Đàm nằm trong khu vực đồi núi trải dài, địa hình phức tạp có độ dốc lớn. Do vậy, khi đầu tư xây dựng sẽ có nhiều tác động đến môi trường. Việc xây dựng công trình tại khu vực suối dốc, đồi núi cao tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn trong thi công xây dựng, vận hành và ổn định mái dốc, .. đặc biệt là biến đổi cực đoan của thời tiết trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Vì vậy, cần có phân tích, đánh giá về đặc thù nêu trên của DA làm cơ sở để đưa ra các giải pháp kỹ thuật sơ bộ nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế-xã hội của DA…
Đối với các nội dung liên quan tới giải tỏa công suất của hệ thống điện khu vực tỉnh Lào Cai cần được phân tích làm rõ để đảm bảo tính khả thi phương án đấu nối vào lưới điện khu vực…”.
Tuy nhiên, quan điểm cuối cùng của Bộ Xây dựng là hồ sơ DA còn thiếu những nội dung như phản ánh ở trên nên chưa có cơ sở đánh giá và xem xét việc điều chỉnh quy hoạch thủy điện.
Một DA thủy điện vận hành sai công suất suốt 16 năm và câu hỏi được đặt ra là ai sẽ phải chịu trách nhiệm? DA liệu có được chấp thuận với sai phạm vượt công suất từ 6,3MW lên thành 7,5MW? Sai phạm có được Bộ Công thương chấp thuận để làm tiền đề cho chủ đầu tư tiếp tục điều chỉnh quy hoạch nâng công suất DA lên thành 9,8MW? |
Tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn trong thi công xây dựng? | |
UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt điều chỉnh dự án không đúng quy hoạch |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại