Thứ năm 01/08/2024 20:14

7 tháng năm 2024: khách quốc tế đến Việt Nam gần 10 triệu lượt người

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong 7 tháng đầu năm, các bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ nhằm đạt kết quả cao nhất mục tiêu đề ra. Nhờ đó, tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và bảy tháng của nước ta duy trì xu hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các tháng, quý tiếp theo.
7 tháng năm 2024: khách quốc tế đến Việt Nam gần 10 triệu lượt người
Du khách nước ngoài dạo bộ tại khu "rừng trúc" thu nhỏ, đẹp và lạ mắt bên hồ Trúc Bạch, Hà Nội. (Ảnh: Khánh Huy)

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/7 cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2024 ước tính tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 13,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,1%; riêng ngành khai khoáng giảm 7,0%.

Tính chung 7 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5%, đóng góp 8,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,4%, đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 03 địa phương trên cả nước.

Về tình hình lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tại thời điểm ngày 1/7/2024 tăng 0,9% so cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,3% so cùng thời điểm năm trước. Cụ thể, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% và tăng 1,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,5% và tăng 0,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,2% và tăng 4,3%.

Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tiếp tục được các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7/2024 ước tăng 8,2% so tháng trước; tính chung 7 tháng năm 2024 ước đạt 40,6% kế hoạch năm và tăng 2,3% so cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2024 ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so cùng kỳ năm trước.

Thu ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2024 với nhiều tín hiệu lạc quan với ước tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2023, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Hoạt động thương mại tiếp tục là điểm nhấn

Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2%. Nhờ chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh đã thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 10 triệu lượt người, tăng 51,0% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 439,88 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 66,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79,2 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2024 ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29 tỷ USD.

Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,73%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,12%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Hơn 8,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam Hơn 8,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam

Theo số liệu chính thức Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 ...

Ngành du lịch Hà Nội đẩy mạnh nhiều hoạt động hấp dẫn du khách Ngành du lịch Hà Nội đẩy mạnh nhiều hoạt động hấp dẫn du khách

Nhiều sự kiện quan trọng sẽ tiếp tục được ngành du lịch Hà Nội triển khai trong năm 2024.

Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động