51% kinh phí điều trị HIV/AIDS đến từ các nguồn tài chính trong nước
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênToàn cảnh hội nghị. Ảnh: Duy Linh |
Kết quả nổi bật sau 10 năm đảm bảo tài chính
Cho đến nay, HIV/AIDS là chương trình y tế duy nhất tại Việt Nam có riêng một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 15/10/2013) hướng dẫn về cơ chế cho việc đảm bảo tài chính cho một chương trình. Đề án đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp đảm bảo tài chính bền vững cho phòng, chống HIV/AIDS một cách căn bản và chiến lược với nhiều nhóm giải pháp từ huy động các nguồn tài chính tới quản lý và sử dụng chương trình hướng tới hiệu quả.
Thực hiện Quyết định này, Bộ Y tế đã chủ động xây dựng lộ trình thực hiện các giải pháp một cách hiệu quả trong đó hướng dẫn đôn đốc và hỗ trợ các tỉnh, thành phố phổ biến, triển khai và xây dựng kế hoạch đảm bảo tài chính cho cả giai đoạn.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS đã trải qua hơn 30 năm và thu được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam đã từng bước kiểm soát được dịch HIV trên cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS.
Nếu thời điểm đỉnh cao của dịch cách đây 13 năm, khi đó mỗi năm phát hiện được khoảng hơn 30.000 trường hợp nhiễm HIV và khoảng hơn 10.000 trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS, thì có thời điểm Việt Nam đã giảm tỷ lệ này xuống chỉ còn tương ứng với 1/3 và 1/5 ở thời kỳ dịch đỉnh cao. Việt Nam đã giữ vững tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn ở mức dưới 0,3%. Đây là những con số rất ấn tượng nói lên sự cam kết chính trị mạnh mẽ cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại hội nghị. |
Trải qua 10 năm nỗ lực không ngừng với cam kết chính trị mạnh mẽ của chính quyền các cấp từ trung ương đến các tỉnh, thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trong quá trình xây dựng các cơ chế chính sách, sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính quý báu của cộng đồng các nhà tài trợ, Việt Nam đã thực hiện tiến trình chuyển đổi các nguồn lực tài chính trong nước cho công tác HIV/AIDS với một số kết quả hết sức ấn tượng.
Cụ thể, tỷ trọng các nguồn tài chính trong nước đã tăng lên tới hơn 51%, trong đó tỷ trọng ngân sách địa phương phân bổ cho phòng, chống HIV/AIDS không ngừng tăng lên qua các năm từ 8% lên tới 17%
Quỹ Bảo hiểm y tế là bước đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam với 95% người nhiễm HIV tham gia BHYT tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm. Quỹ BHYT đến này trung bình chi trả 400 tỷ đồng/năm trong đó khoảng 200 tỷ đồng cho dịch vụ KCB BHYT và 200 tỷ đồng cho thuốc ARV. Nguồn quỹ BHYT nâng tỷ trọng của Quỹ BHYT trong tổng chi cho HIV/AIDS tăng từ 4% lên tới 9%, chiếm tới 25% nguồn lực trong nước cho HIV. Ngân sách nhà nước trung ương thông qua Chương trình quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, dự án phòng, chống HIV/AIDS thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia y tế dân số giai đoạn vừa qua cũng đã tập trung nguồn lực để hỗ trợ các tỉnh thành phố thực hiện các mục tiêu của chiến lược và chiếm tới gần 10%. Các nguồn xã hội hóa khác cũng tăng đáng kể lên tới 8%.
Mặc dù vậy, để thực hiện thành công chiến lược chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, Việt Nam vẫn phải đối mặt với các thách thức về đảm bảo nguồn lực tài chính và chuyển giao bền vững chương trình. Nguồn lực huy động dự kiến giai đoạn 2021-2030 mới chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu.
Trong bối cảnh tình hình dịch đang có xu hướng phức tạp: Số người nhiễm HIV được báo cáo tăng cao trong 3 năm trở lại đây tới hơn 13.000 trường hợp, nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ đồng giới, nhóm chuyển giới. Một số tỉnh, khu vực vẫn còn nhiều nguy cơ cao về bùng phát dịch trở lại như Đồng bằng sông Cửu long, miền đông nam bộ; Nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc tới gần 50% vào các dự án quốc tế nhất là các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV hiện Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ không chi trả.
Nội dung chi và định mức chi một số hoạt động đặc thù cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã phân cấp cho ngân sách địa phương đảm nhiệm nhưng hiện nay nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc lập dự toán cũng như phê duyệt. Do vậy quá trình chuyển giao tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS trước mắt cũng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương mong muốn, tại hội nghị, cộng đồng các nhà tài trợ sẽ đóng góp những sáng kiến về huy động nguồn lực, các mô hình đầu tư hiệu quả trên thế giới và kiến nghị cho Việt Nam.
Việt Nam nổi lên như một tấm gương về tính bền vững
Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper cho biết, chương trình PEPFAR của chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại hơn 30 quốc gia. Việt Nam nổi bật trên toàn cầu như một tấm gương về tính bền vững và huy động nguồn lực trong nước. Hơn 51% kinh phí dành cho HIV năm nay là từ các nguồn lực trong nước, tăng từ dưới 25% từ năm 2013. Chính phủ Việt Nam đã đạt được những điều mà rất nhiều nước không thể làm được vì Việt Nam đã chủ động được tài chính cho dịch vụ điều trị HIV thông qua bảo hiểm y tế.
Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper phát biểu tại hội nghị. |
Việc đưa các dịch vụ điều trị HIV/AIDS vào nền tảng BHYT, BHXH là một ví dụ điển hình cho thấy sự tiến bộ của Việt Nam trên hành trình để duy trì bền vững, khả năng ứng phó quôc gia đối với HIV. Thành tựu này được xây dựng dựa trên thành tích ấn tượng của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện một chương trình phòng, chống HIV/AIDS quốc gia tiên tiến và sáng tạo. Ví dụ điều trị bằng methadone và dự phòng lây truyền từ mẹ sang con… đã huy động thành công các nguồn lực trong nước. Mô hình tại Việt Nam thực sự là một ngôi sao sáng cho các nước khác noi theo.
“PEPFAR hiện đang tìm cách để phát huy thành công của quá trình chuyển đổi điều trị HIV để hỗ trợ Việt Nam huy động nguồn tài chính bền vững và hiệu quả dành cho các hoạt động về phòng, chống HIV như là dịch vụ PrEp. Đối với điều trị và dự phòng, Chính phủ Hoa Kỳ cũng mong muốn hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam xây dựng một danh mục nguồn lực trong nước mạnh mẽ với sự tham gia và đóng góp có ý nghĩa từ khu vực tư nhân, từ doanh nghiệp xã hội và các tổ chức cộng đồng”, ông Marc Knapper nói.
Tại hội nghị, nhiều giải pháp đảm bảo tài chính cho hoạt động phòng, chống AIDS và các kiến nghị cũng như bài học kinh nghiệm tự chủ tài chính của các nước trong khu vực và trên thế giới đã được trình bày bởi các diễn giả. Ngoài ra, các địa phương cũng đóng góp những tham luận có giá trị về kinh nghiệm tự chủ, huy động các nguồn lực xã hội hóa.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị: 12 địa phương chưa phê duyệt kế hoạch hoặc đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS cần khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Với các địa phương đã có đề án đảm bảo tài chính cần bố trí đủ kinh phí theo kế hoạch và có hướng dẫn cũng như phê duyệt các nội dung và định mức chi tiêu cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Thứ trưởng giao Vụ Kế hoạch Tài chính, Trung tâm mua sắm thuốc tập trung quốc gia, Cục phòng, chống HIV/AIDS, Vụ pháp chế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thiện hành lang pháp lý đảm bảo việc cung ứng thuốc ARV nguồn BHYT được liên tục và ổn định đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT,
Giao Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các Vụ, Cục có liên quan trong Bộ Y tế trình Chính phủ cơ chế và hành lang pháp lý thực hiện mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS từ các tổ chức cộng đồng, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để phát huy hiệu quả cung cấp dịch vụ trong giai đoạn tới.
Người trẻ đi khám và điều trị HIV | |
Đối tượng nhiễm HIV/AIDS ngày càng trẻ hóa |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại