Thứ ba 23/04/2024 23:21

3 dịch vụ công trực tuyến gắn với người dân cả đời

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 30/8, tại UBND TP Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Triển khai, tập huấn 3 quy trình dịch vụ công về đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử trên dịch vụ công, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
3 dịch vụ công trực tuyến gắn với người dân cả đời
Đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06

Dự hội nghị có đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06, các thành viên Ban chỉ đạo đề án 06, các báo cáo viên đến từ Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Công nghệ Thông tin - Bộ Tư pháp. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, điểm cầu kết nối từ các đầu cầu của các quận, huyện, thị xã…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Sơn cho biết, xác định việc triển khai thực hiện đề án 06 của Chính phủ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong các ngành, bước đầu TP Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực.

Bám sát tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của Tổ công tác 06, TP Hà Nội đã khẩn trương, nỗ lực cùng với Bộ Tư pháp tiến hành tái cấu trúc quy trình, xây dựng quy trình thực hiện 3 dịch vụ công thiết yếu lĩnh vực Hộ tịch theo yêu cầu của Đề án trong năm 2022, khắc phục những vấn đề vướng mắc và nhiều lần xin ý kiến thống nhất của Bộ Tư pháp để hoàn thiện.

Ngày 21/7/2022, UBND TP ban hành Quyết định số 2549/QĐ-UBND quy định: Đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử trên Cổng dịch vụ công, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã và chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện.

“3 dịch vụ công trực tuyến này gắn với người dân cả đời, từ khi sinh ra đến khi lớn lên và đến khi mất đi. Đó là những dịch vụ rất thiết yếu, người dân nào sinh ra cũng phải thực hiện 3 thủ tục này trong cả cuộc đời. Chính vì vậy, đối với cán bộ tư pháp và cả người dân, đây được coi là 3 nhiệm vụ rất quan trọng” – ông Lê Hồng Sơn nói.

3 dịch vụ công trực tuyến gắn với người dân cả đời
Hội nghị Triển khai, tập huấn 3 quy trình dịch vụ công về đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử trên dịch vụ công, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Việc thực hiện 3 dịch vụ công thiết yếu lĩnh vực hộ tịch trên cơ sở kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đem lại nhiều lợi ích, phục vụ việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính này không phải xuất trình hay nộp các thành phần hồ sơ là căn cước công dân/hộ khẩu mà được trực tiếp khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Khi triển khai các dịch vụ này, chỉ cần qua các thiết bị thông minh, người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính thiết yếu này ở bất cứ nơi đâu. Đồng thời, khi thực hiện dịch vụ 3 quy trình này cũng giảm tải được công việc cho cán bộ tư pháp, tránh việc quá tải trong công việc của cán bộ.

Như vậy, để thực hiện và đưa 3 dịch vụ này tới người dân, cần phải có quy trình rõ ràng, với đội ngũ tư pháp tinh thông, nắm bắt quy trình một cách nhanh chóng, chính xác. Hơn nữa, để thực sự dịch vụ đi vào cuộc sống của người dân cần có sự tham gia của người dân, bởi người dân là chủ thể, là trung tâm của dịch vụ.

Trên cơ sở đó, đồng chí Lê Hồng Sơn yêu cầu, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ điện tử trên cổng Dịch vụ công, Một cửa điện tử theo quy trình cuả UBND TP ban hành; Thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện.

Lãnh đạo UBND cấp huyện, UBND cấp xã nên đóng vai người dân, trực tiếp tham gia dịch vụ công, nhằm đánh giá toàn diện về quy trình, nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị để có giải pháp thực hiện đạt hiệu quả. Chỉ đạo công chức trên địa bàn gương mẫu sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tiếp nhận phản ánh của công dân trong sử dụng dịc vụ công, tập hợp, kiến nghị đề xuất điều chỉnh về quy trình, thủ tục.

Yêu cầu Sở Tư pháp phối hợp với các đơn vị tập huấn nghiệp vụ cho công chức UBND cấp xã, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện 3 quy trình; thường xuyên tổng hợp các vấn đề phát sinh để kịp thời tháo gỡ. Tiếp tục tăng cường chất lượng công tác đăng ký, thống kê hộ tịch; thường xuyên chủ động rà soát, đối chiếu dữ liệu để đảm bảo tính thống nhất, chính xác của dữ liệu…

Với Công an TP, Văn phòng UBND TP, Sở Thông tin và Truyền thông, đồng chí Lê Hồng Sơn yêu cầu các đơn vị phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin triển khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử TP, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư, hộ tịch.

Đề nghị Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến cho Đoàn viên, thanh niên về các nội dung, cách thức và phương thức thực hiện các TTHC.

Đề nghị các cơ quan báo chí truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông phù hợp và thực hiện hiệu quả công tác truyền thông cơ sở, hướng tới việc công dân hiểu – công dân thực hiện và công dân góp ý để tiếp tục hoàn thiện các dịch vụ công trong thời gian tới.

Hội nghị đã nghe các báo cáo viên hướng dẫn các quy trình liên quan đến việc thực hiện 3 quy trình dịch vụ công. Tại đây, các báo cáo viên cũng ghi nhận và giải đáp các ý kiến thắc mắc của các cán bộ tại các địa phương về quy trình, về công nghệ cũng như các vấn đề liên quan đến dữ liệu cấp số định danh của công dân…

Minh Dương - Thế Vinh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động