Thứ ba 14/05/2024 19:52
Trịnh Xuân Thanh tiếp tục hầu tòa trong vụ chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land

Vắng một bị cáo, phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh và em trai ông Đinh La Thăng vẫn tiếp tục

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng nay, 24-1, HĐXX sơ thẩm của TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm trong vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Cty CP bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Đặng Thị Thanh Huyền. Tòa còn bố trí 1 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân dự khuyết tham gia phiên tòa. Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa là ông Phạm Đức Long, Nghiêm Ngọc Hương – VKSND TP Hà Nội.

VKSND TP Hà Nội bố trí thêm 1 kiểm sát viên dự khuyết tham dự phiên tòa. Có 16 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa nhưng vắng một số luật sư. Tòa cũng quyết định triệu tập 10 người làm chứng, 3 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 1 phiên dịch và một nguyên đơn dân sự (PVP Land).

Đáng chú ý, bị cáo Lê Hòa Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Cty CP Xây dựng và dịch vụ 1/5 và Cty CP Minh Ngân, vắng mặt tại phiên tòa do lý do sức khỏe. Bị cáo đã có đơn xin xử vắng mặt và VKSND cho rằng, sự vắng mặt này không ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Với một số người khác, đại diện VKSND đề nghị, do vụ án xét xử nhiều ngày nên đề nghị HĐXX triệu tập trong quá trình làm việc.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị HĐXX cho phép luật sư tiếp bị cáo trong lúc giải lao. Ông và luật sư Huỳnh Phương Nam cũng kiến nghị tòa xem xét vì đang tham gia tố tụng trong phiên tòa Phạm Công Danh (đang trong giai đoạn tranh luận). Quá trình diễn ra phiên tòa, nếu đến phần bào chữa của luật sư thì mong tòa tạo điều kiện.

Trong khi đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Phong có ý kiến, cũng tham gia phiên tòa Phạm Công Danh và đề nghị tòa công bố kế hoạch xét xử. Luật sư Lê Văn Thiệp, bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, đề nghị tòa bố trí thời gian hợp lý vì nếu phiên tòa làm việc kéo dài muộn sẽ ảnh hưởng đến.

Về ý kiến của các luật sư, VKSND, HĐXX có ý kiến, theo quy định của pháp luật, tòa không hạn chế việc xét hỏi, tranh luận. Do đó, HĐXX chưa thể công bố thời gian cụ thể xét xử như thế nào.

Vị chủ tọa cho hay, HĐXX hiểu luật sư có những khó khăn khi tham gia 2 vụ án ở xa nhau và sẽ lựa thời gian để hỗ trợ tối đa để luật sư bảo vệ thân chủ. Về việc luật sư muốn gặp bị cáo trong lúc nghỉ giải lao, tòa nêu, cần theo các quy định của pháp luật.

Theo cáo buộc của các cơ quan tố tụng, Trịnh Xuân Thanh và 7 bị cáo khác bị VKSND TC cao truy tố về tội “Tham ô tài sản” gồm: Trịnh Xuân Thanh, SN 1966, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Cty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam – PVC; Đào Duy Phong, SN 1958, nguyên Chủ tịch HĐQT Cty CP bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam – PVP Land;

trinh xuan thanh tiep tuc hau toa trong vu chuyen nhuong co phan tai pvp land
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm trong phiên tòa sáng nay, ảnh chụp qua màn hình ti vi

Nguyễn Ngọc Sinh, SN 1972, nguyên TGĐ PVP Land; Đinh Mạnh Thắng, SN 962, nguyên Chủ tịch HĐQT Cty CP đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà (em trai ông Đinh La Thăng); Thái Kiều Hương, SN 1973, nguyên Phó TGĐ Cty CP Đầu tư Vietsan; Lê Hòa Bình, SN 1954, nguyên Chủ tịch HĐQT Cty CP Xây dựng và dịch vụ 1/5 và Cty CP Minh Ngân; Nguyễn Thị Kim Thoa, SN 1965, nguyên Kế toán trưởng Cty CP Xây dựng và dịch vụ 1/5 và Cty CP Minh Ngân; Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, SN 1972, trú tại quận 3, TP HCM, làm nghề kinh doanh tự do.

CQĐT kết luận, đầu năm 2010, Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Cty CP Xây dựng và dịch vụ 1/5 (1/5) cùng Nguyễn Thị Kim Thoa, kế toán trưởng, thông qua Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, mua toàn bộ 9.584m2 đất tại xã Mỹ Đình, Hà Nội, thuộc dự án Xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp Nam Đàn Plaza của Cty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương, dưới hình thức mua toàn bộ 24 triệu cổ phần của các cổ đông sáng lập Cty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương.

Cty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương gồm 5 cổ đông sáng lập: Cty CP Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land), Cty CP Đầu tư Vietsan, Cty CP Bất động sản Bưu chính viễn thông Việt Nam, Cty TNHH Nam Hà Thành và ông Nguyễn Minh Quý, cổ đông cá nhân. Cty Xuyên Thái Bình Dương được cấp giấy phép xây dựng Dự án Nam Đàn Plaza 2009.

trinh xuan thanh tiep tuc hau toa trong vu chuyen nhuong co phan tai pvp land
Đại diện VKSND TP Hà Nội đọc bản cáo trạng truy tố các bị cáo

Còn PVP Land được thành lập năm 2007, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, tương đương 50 triệu cổ phần, có 4 cổ đông sáng lập, trong đó Tổng Cty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) do Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT, Vũ Đức Thuận là TGĐ sở hữu 28% vốn điều lệ của PVP Land. Ngày 11-1-2010, Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT của PVC ký quyết định cử Đào Duy Phong, Chủ tịch HĐQT PVP Land và Nguyễn Ngọc SInh, Tổng Giám đốc PVP Land là người đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land.

Cuối năm 2009 đầu năm 2010, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có chủ trương chuyển tất cả các Cty đầu tư kinh doanh bất động sản về cho Tổng Cty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) quản lý, theo một đầu mối. Cùng thời điểm này, bị cáo Lê Hòa Bình muốn mua dự án Nam Đàn Plaza do PVP Land chiếm 50,5% vốn.

Qua Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, ngày 27-3-2010, Bình cùng với năm cổ đông của Cty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương ký hợp đồng đặt cọc mua 24 triệu cổ phần với giá hơn 20.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị hợp đồng gần 500 tỷ đồng.

trinh xuan thanh tiep tuc hau toa trong vu chuyen nhuong co phan tai pvp land
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh vừa bị tuyên án chung thân về 2 tội ở một phiên tòa vừa kết thúc

Sau đó, Thái Kiều Hương nhờ bị cáo Đinh Mạnh Thắng kết nối gặp bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị cho PVP Land thoái vốn tại dự án Nam Đàn Plaza. Trịnh Xuân Thanh đồng ý, chỉ đạo bị cáo Đào Duy Phong đứng ra thu xếp việc mua bán.

Phong đã ký tờ trình gửi PVC phê duyệt phương án bán hơn 12 triệu cổ phần tại dự án Nam Đàn với giá 34 triệu đồng/m2 và được Trịnh Xuân Thanh đồng ý. Ít ngày sau, bị cáo Bình chuyển nhượng cổ phần với cổ đông của Cty Xuyên Thái Bình Dương với giá 52 triệu đồng/m2, (chênh lệch 18 triệu đồng/m2), chênh lệch tổng số tiền hơn 87 tỷ đồng.

Khi bị cáo Bình thanh toán 50% giá trị hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, Hương đã yêu cầu đưa 14 tỷ đồng cắt lại cho Thanh. Ngoài ra, Bình còn chuyển cho bị cáo Phong 10 tỷ đồng, Đặng Sỹ Hùng (Trưởng phòng Kinh tế PVP Land) 20 tỷ đồng, Thắng nhận 5 tỷ đồng.

CQĐT làm rõ, các bị cáo đã nhận 49 tỷ đồng tiền chênh lệch mua cổ phần của PVP Land. Trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh là người có vai trò quyết định việc cho chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần nói trên, chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc chuyển nhượng với giá thấp hơn thực tế để hưởng tiền chênh lệch.

Quá trình điều tra, ông Đặng Sỹ Hùng đã chết nên VKSND TC đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với Hùng.

HĐXX của TAND TP Hà Nội sẽ làm việc từ ngày 24-1 đến ngày 6-2, xét xử cả ngày thứ bảy và chủ nhật.

Hoa Đỗ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động