Tranh chấp vở diễn “Ngày xưa”: Cty Tuần Châu yêu cầu bồi thường hơn 6 tỷ đồng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhi hợp đồng bị… đứt gánh giữa đường!
Tại tòa, đại diện cho Cty Tuần Châu là 2 luật sư (bà Ngô Huỳnh Phương Thảo, Mai Thị Thảo). Bị đơn, đại diện là đạo diễn Nguyễn Việt Tú, GĐ DS, có mặt tại tòa. Như lời của đại diện nguyên đơn, ngày 16-11-2015, Tuần Châu và DS ký hợp đồng nguyên tắc với tổng giá trị gần 7,4 tỷ đồng. Theo đó, DS sẽ tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình cho dự án trình diễn thực cảnh của Cty Tuần Châu. Đạo diễn Việt Tú đã xây dựng kịch bản “Ngày xưa” hay còn gọi “Thủa ấy xứ Đoài” để biểu diễn tại khu du lịch Tuần Châu Hà Nội, ở huyện Quốc Oai, Hà Nội, với chi phí dự tính 13 tỷ đồng. Nhưng sau đó, hai bên xảy ra tranh chấp.
Cty Tuần Châu cho rằng, đạo diễn Việt Tú và DS cố ý trì hoãn không thực hiện hợp đồng, tự ý công bố vở diễn khi chưa được sự đồng ý của chủ đầu tư, gây ảnh hưởng đến quyền tài sản của Cty. Do đó, nguyên đơn đề nghị tòa tuyên buộc DS chuyển giao quyền chủ sở hữu, quyền tác giả đối với kịch bản “Ngày xưa” cho mình; chấm dứt việc quảng cáo, quảng bá, giới thiệu, viết bài hoặc mọi hoạt động quảng cáo và truyền thông khác liên quan tới việc sử dụng và khai thác kịch bản “Ngày xưa”.
Phía nguyên đơn khẳng định, DS đã vi phạm các nghĩa vụ bàn giao sản phẩm, cung cấp hóa đơn tài chính và vi phạm điều khoản bảo mật khi đạo diễn Việt Tú cung cấp nội dung thỏa thuận giữa 2 bên cho báo chí, truyền thông. Hành vi của DS đã khiến Tuần Châu không khai thác được sản phẩm và phải thuê người khác xây dựng chương trình thay thế là vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” với giá hơn 5,9 tỷ đồng. Từ đó, Cty Tuần Châu đề nghị tòa buộc DS phải bồi thường hơn 6 tỷ đồng. Đây là khoản tiền mà Tuần Châu phải bỏ ra để xây dựng vở “Tinh hoa Bắc Bộ” và chi phí cho luật sư hỗ trợ giải quyết vụ án.
Còn như lời đạo diễn Việt Tú, Cty Tuần Châu ký kết hợp đồng cho dự án trình diễn thực cảnh Tuần Châu, sử dụng vở diễn “Ngày xưa” (sau đó mang tên “Thuở ấy xứ Đoài”). Tuy nhiên, sau 10 buổi công chiếu, vở diễn bất ngờ bị dừng lại.
Tuần Châu giới thiệu vở diễn mới mang tên “Tinh hoa Bắc Bộ”. Ông Tú nói, "Tinh hoa Bắc Bộ” sao chép ý tưởng, cách dàn dựng, câu chuyện của vở “Ngày xưa”, sử dụng toàn bộ số nông dân do ông huấn luyện, lấy toàn bộ trang phục, đạo cụ mà ông và ê kíp chuẩn bị. Phía DS cũng có đơn phản tố, cho rằng, Cty Tuần Châu xâm hại quyền tác giả khi tạo ra một tác phẩm phái sinh mà không có sự cho phép của tác giả.
Cty Tuần Châu còn chưa thanh toán những khoản tiền theo phụ lục hợp đồng và những khoản phát sinh. DS cũng đề nghị tòa buộc Tuần Châu phải bồi thường hơn 7 tỷ đồng (bao gồm tiền lãi chậm trả, 10% doanh thu bán vé cho các buổi biểu diễn, chi phí và thiệt hại phát sinh cho DS do các hành vi vi phạm hợp đồng).
Trình bày trước tòa, đạo diễn Việt Tú khẳng định, sẵn sàng chuyển giao lại quyền sở hữu kịch bản vở diễn “Ngày xưa” cho Cty Tuần Châu nhưng với điều kiện Cty này phải hoàn thành mọi nghĩa vụ đối với DS.
“Tại sao anh đi đăng ký tác phẩm này?”, được hỏi, ông Tú đáp: “Tôi khẳng định, tôi không bao giờ tự ý đi đăng ký bản quyền. Tôi đã gửi 2 email hướng dẫn, thậm chí giới thiệu cả luật sư để Tuần Châu đăng ký bản quyền nhưng không nhận được hồi đáp. Chúng tôi phải chịu trách nhiệm về những sáng tạo của tôi. Tôi chưa bao giờ có ý định chiếm đoạt sở hữu của họ. Tôi sẵn sàng trả lại nếu họ thực hiện đúng nghĩa vụ trả đủ tiền. Bị đơn bắt buộc phải đi đăng ký để đảm bảo tính pháp lý của tác phẩm”.
Trong khi đó, luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nguyên đơn phát biểu, vở diễn là sản phẩm của Tuần Châu và nhiều tâm huyết của chủ đầu tư nên nguyên đơn là chủ sở hữu. Nhưng DS đã xâm phạm quyền sở hữu bằng cách đăng ký quyền bảo hộ với tác phẩm, được Cục bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận quyền tác giả. Luật sư cho rằng, đây là hành vi sai trái và DS không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo hợp đồng, gây ảnh hưởng đến tiến độ kinh doanh của dự án. Tuần Châu đã chấm dứt hợp đồng và mời đến làm việc nhưng Cty DS không hợp tác nên đành phải khởi kiện.
Liên quan đến ý tưởng về vở diễn “Ngày xưa”, luật sư của nguyên đơn cho rằng, ai có ý tưởng trước về vấn đề này không quan trọng. Trong phạm vi tranh chấp của vụ án, đây là tranh chấp hợp đồng dịch vụ, giữa một bên mua – bên bán. Vấn đề bản quyền nằm ở vụ án tiếp theo và không làm thay đổi bản chất vấn đề.
Ở phần tranh luận, luật sư của bị đơn trình bày những yêu cầu phản tố rằng, Tuần Châu xâm phạm quyền tác giả đối với kịch bản “Ngày Xưa” thông qua việc sao chép và tạo tác phẩm phái sinh khi không được phép của tác giả; chưa thanh toán cho DS các khoản phát sinh trong các tháng 1, 2, 3, 4 và 5-2017 theo phụ lục phát sinh số 01 ngày 15-9-2016. Ngoài ra còn khoản phạt chậm trả và 10% doanh thu bán vé cho các buổi diễn đã có của “Ngày xưa”; Tuần Châu vi phạm điều khoản độc quyền khi thuê Sen Vàng viết kịch bản và dàn dựng một vở diễn tương tự có tên gọi “Tinh Hoa Bắc Bộ”, lặp lại ý tưởng và cách thể hiện các phân cảnh chính yếu của kịch bản vở diễn “Ngày Xưa”, sử dụng lại toàn bộ hạ tầng kiến trúc và mỹ thuật đã được thiết kế, xây dựng và sử dụng cho vở diễn thực cảnh “Ngày Xưa”. Do đó, DS yêu cầu nguyên đơn phải thanh toán số tiền hơn 7 tỷ đồng.
Quang cảnh phiên xử. Ảnh: Hoa Đỗ |
Cty Tuần Châu là chủ sở hữu?
Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKSND TP Hà Nội cho rằng, vở diễn “Ngày xưa” là kết quả của việc thực hiện Hợp đồng số 0111 giữa Tuần Châu và DS. Đạo diễn Việt Tú là tác giả duy nhất, còn Tuần Châu là chủ sở hữu tác phẩm. Ở đây, đạo diễn Việt Tú chỉ có quyền nhân thân, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén gây ảnh hưởng tới uy tín của tác giả còn Tuần Châu được phép cho người khác công bố tác phẩm, biểu diễn, sao chép, phân phối bán bản sao, bản gốc, truyền đạt tác phẩm tới công chúng.
VKSND đề nghị HĐXX chấp nhận số tiền 350 triệu đồng chi phí pháp lý phát sinh. Về yêu cầu của bị đơn, VKSND cho rằng, việc công nhận hay không công nhận “Tinh hoa Bắc bộ” kế thừa hay không kế thừa, không ảnh hưởng tới DS nên đề nghị tòa không chấp nhận yêu cầu của DS và yêu cầu tòa xử chấp nhận về yêu cầu bồi thường do chậm thực hiện; bác đề nghị bồi thường khoản 10% doanh thu bán vé là không có căn cứ chấp nhận.
Tại tòa, đạo diễn Việt Tú cho rằng, Tuần Châu có bán vé vở “Ngày Xưa” và đưa ra bằng chứng là vé vào cửa cùng hóa đơn trả tiền để mua vé. Đạo diễn cho biết, được Tuần Châu Hà Nội chuyển trả 10% doanh thu một buổi biểu diễn nhưng không nhận vì thấp hơn thực tế. Trong khi đó, phía nguyên đơn khẳng định họ chỉ chạy thử nghiệm vở diễn với sự tham gia của nhà báo, chuyên gia văn hóa và nhân lực hai bên. Trao đổi với PV sau khi tòa kết thúc phần tranh luận, đạo diễn Việt Tú nói, tham gia phiên tòa không phải vì tiền mà vì quyền tác giả, nghệ sĩ của mình. DS đề nghị Tuần Châu phải xác nhận vở “Tinh hoa Bắc bộ” là vở phái sinh của “Ngày xưa”. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại