Sự cố vỡ đường ống nước sông Đà: Dấu hiệu hình sự và vấn đề bồi thường thiệt hại
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHệ thống cấp nước sạch sông Đà - Hà Nội là một phần quan trọng của dự án Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông do TCty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư, với kinh phí lên đến 15.000 tỷ đồng.
Năm 2008, dự án đã hoàn thiện giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng với công suất 300.000m3/ngày đêm, bao gồm các hạng mục chính là kênh dẫn nước, các trạm bơm, nhà máy xử lý nước, bể chứa điều hòa và các tuyến ống truyền tải dẫn nước sạch từ nhà máy về đến vành đai III Hà Nội. Hơn 47,5km đường ống nước đưa 220.000m3 nước/ngày đêm từ nhà máy Nước sạch sông Đà về Mỹ Đình, cung cấp nước sạch cho khoảng 70.000 hộ dân.
Năm 2010, hệ thống cấp nước được nhận “Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam”. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, đường ống nước sông Đà về Hà Nội đoạn qua thôn Yên Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, đã bị vỡ, ảnh hưởng đến sinh hoạt của khoảng 40.000 hộ dân. Từ “khởi điểm” này, đến nay, đã 9 lần đường ống bị vỡ mà gần đây nhất là sự cố liên tục trong hai ngày 10 và 12-7, khiến 70.000 hộ dân bị mất nước.
Ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự cố. Nguyên nhân sâu xa là chất lượng đường ống không đồng đều, bám dính của các lớp cấu tạo ống chưa tốt, về lâu dài dễ gây bong rộp, tách lớp ống. Đồng thời, quá trình vận chuyển, thi công, lắp đặt đã gây ra một số tác động bất lợi tới đường ống, làm giảm khả năng bám dính giữa các lớp vật liệu cấu tạo ống, lâu dài ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của ống trong khai thác sử dụng. Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân khác như việc thi công xây dựng và vận hành khai thác tuyến đại lộ Thăng Long, việc gia tăng tải trọng của các phương tiện giao thông tại các đường ngang, đường dân sinh trên tuyến ống…
Một số luật sư khẳng định, vụ việc nói trên có dấu hiệu hình sự theo Điều 229 Bộ luật Hình sự về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, với mức hình phạt cao nhất đến 20 năm tù. Theo quy định của pháp luật đầu tư về xây dựng, việc tổ chức đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng thuộc về chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan.
Đường ống nước sông Đà liên tiếp bị vỡ gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân. Ảnh: TL
Lại có ý kiến cho rằng, vụ việc có dấu hiệu thỏa mãn tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và cả tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, để khẳng định có vi phạm pháp luật hình sự hay không, cần sự vào cuộc của cơ quan điều tra để làm rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan.
Nhiều người cho rằng, việc truy cứu trách nhiệm hình sự là cần thiết. Tuy nhiên, điều họ quan tâm là sau nhiều lần bị ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, liệu họ có được bồi thường thiệt hại? Theo khoản 3 Điều 84 Luật Xây dựng qui định, người có lỗi gây ra sự cố công trình có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và các chi phí có liên quan hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất và cung cấp nước sạch thì đơn vị cấp nước có nghĩa vụ bảo vệ an toàn nguồn cấp nước, cung cấp ổn định dịch vụ cấp nước cho các khách hàng sử dụng nước về chất lượng nước, áp lực, lưu lượng, tính liên tục theo quy chuẩn kỹ thuật và Hợp đồng dịch vụ cấp nước đã ký kết.
Trong trường hợp có sự cố xảy ra trên hệ thống cấp nước, đơn vị cấp nước cần thông báo kịp thời cho các khách hàng sử dụng nước có biện pháp dự trữ nước trong thời gian khôi phục dịch vụ cấp nước. Nếu thời gian khắc phục sự cố kéo dài, đơn vị cấp nước phải phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp cấp nước tạm thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân ở khu vực bị ảnh hưởng.
Đòi bồi thường được không?
Cũng theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP, đơn vị cấp nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng sử dụng nước do những sai sót trong quá trình cung cấp dịch vụ không đúng với các điều khoản ghi trong Hợp đồng dịch vụ cấp nước. Đơn vị cấp nước có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại của khách hàng sử dụng nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, sự cố gây vỡ đường ống nước thường xảy ra theo kiểu “sự kiện bất ngờ”, người dân bị động, không được thông báo nên không có biện pháp dự trữ nước, làm đảo lộn, khó khăn lớn trong sinh hoạt. Rõ ràng, thiệt hại của việc mất nước do sự cố vỡ đường ống nước gây nên là không nhỏ và về nguyên tắc, mọi thiệt hại đều được bồi thường. Tuy nhiên, các yêu cầu bồi thường phải phù hợp và phải chứng minh được tính phù hợp đó. Theo thông báo kết luận của Bộ Xây dựng thì vụ việc nói trên có “hỗn hợp” lỗi như do lựa chọn loại đường ống, do quá trình thiết kế, thi công, do cả ảnh hưởng của thi công, xây dựng vận hành đại lộ Thăng Long… nên để xác định Vinaconex phải bồi thường như thế nào, cần có kết luận trách nhiệm cụ thể. Theo quy định tại Điều 617 Bộ luật Dân sự thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình.
Nếu lỗi hoàn toàn do phía Vinaconex thì người dân có quyền đòi Vinaconex bồi thường toàn bộ thiệt hại, trường hợp hai bên không thỏa thuận được với nhau, có thể khởi kiện ra tòa án. Mức đền bù mà trong trường hợp này sẽ được tính tổng thiệt hại từ thời điểm xảy ra mất nước cho đến khi nước được cấp lại bình thường. Trường hợp sự cố xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân khách quan, thì tùy vào mức độ lỗi mà Vinaconex phải chịu bồi thường tương xứng.
Có ý kiến cho rằng, khởi kiện đòi bồi thường khá mất thời gian, nên phía cung cấp dịch vụ tốt nhất là bồi thường trực tiếp bằng cách giảm tiền nước cho người dân, ví dụ không tính tiền nước trong 5 ngày nếu mất nước trong 1 ngày, không tính tiền trong 10 ngày nếu để mất nước trong 2 ngày…
Sự cố vỡ đường ống liên tiếp xảy ra gây ảnh hưởng lớn đến nhiều hộ dân, việc đòi bồi thường cũng là việc nên làm để “nhắc nhở” Vinaconex nâng cao “tinh thần trách nhiệm”. Người dân có thể khởi kiện theo nhóm hoặc ủy quyền cho một vài người làm đại diện, hoặc “nhờ” Hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình. |
Lãnh đạo Cty Vinaconex xin lỗi vì đường ống nước vỡ nhiều lần Chiều 15-7, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Vũ Quý Hà, TGĐ Cty CP Vinaconex đã nhận khuyết điểm do đã để các sự cố vỡ ống dẫn nước đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua. Trước sự việc trên, TCty CP Vinaconex nhận thức sâu sắc và tiếp thu toàn bộ nội dung Thông báo kết luận của Bộ Xây dựng; đồng thời đang tích cực khẩn trương kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong ban lãnh đạo; nhận khuyết điểm với Chính Phủ, Bộ Xây dựng, TP Hà Nội và nhân dân Thủ đô do đã để các sự cố vỡ ống dẫn nước đáng tiếc xảy ra. Chúng tôi xin lỗi nhân dân-ông Hà bày tỏ. Chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan đến xây dựng công trình đoạn tuyến ống dẫn nước sông Đà để xảy ra sự cố nghiêm túc kiểm điểm, có báo cáo giải trình, xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân vi phạm và xử lý theo quy định. Tổng Cty đã và đang chỉ đạo Cty CP nước sạch Vinaconex nghiêm túc thực hiện các biện pháp xử lý bao gồm kiểm soát và duy trì áp lực nước trong tuyến ống ở mức độ ổn định, phù hợp; theo dõi thường xuyên để sớm phát hiện sự bất thường trong hệ thống từ các chỉ số trên các thiết bị kiểm soát. Đồng thời tăng cường nguồn lực cho đội phản ứng nhanh để có giải pháp ứng cứu, khắc phục nhanh nhất khi sự cố xảy ra, và phối hợp với chính quyền địa phương nơi có tuyến ống đi qua để có biện pháp bảo vệ hành lang an toàn tuyến ống. |
Phương Thảo
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại