Thứ hai 25/11/2024 21:32

SOM3: Cải cách tài chính, y tế vì sức khỏe cộng đồng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Ngày 23/8/2017, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) SOM3 đã diễn ra cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tới dự và phát biểu định hướng.

Phát biểu định hướng cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế là hành động cụ thể nhằm thực hiện cam kết của lãnh đạo cấp cao APEC vì mục tiêu xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh.

Sức ép của các nền công nghiệp, đặc biệt là nền công nghiệp mới cũng làm cho con người phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe. Ngày càng nhiều các bệnh có tính nghề nghiệp và bệnh mới, nhất là các bệnh liên quan đến thần kinh, trí nhớ, trầm cảm, tự kỷ, suy dinh dưỡng ở trẻ em cộng với cuộc sống có quá nhiều bận rộn và sức ép hàng ngày cũng làm cho mọi người bớt quan tâm hơn giữ gìn sức khỏe của riêng mình.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh sức khỏe là vốn quý nhất của con người và toàn xã hội, đầu tư cho phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe là đầu tư cho phát triển. Phó Thủ tướng chỉ rõ, nhà nước không đơn thuần lo cơ chế để cơ sở khám chữa bệnh được xây dựng, đào tạo đội ngũ làm y tế hết lòng vì người bệnh mà phải lo làm sao để vùng sâu, vùng xa, đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, dân tộc ít người, người tàn tật thật sự được bình đẳng, tiếp cận với dịch vụ y tế tốt nhất, đặc biệt là các dịch vụ y tế dự phòng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ở Việt Nam, dù là nước đang phát triển, Chính phủ luôn đặc biệt chú trọng đến vấn đề y tế và bảo vệ sức khỏe người dân. Nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia, trong đó có các thành viên APEC, Việt Nam cơ bản hoàn thành được các Mục tiêu Thiên niên kỷ và chuẩn bị hoàn thành các mục tiêu liên quan đến sức khỏe trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs). Việt Nam đã kiểm soát cơ bản được các dịch bệnh, vận động nhân dân tham gia không chỉ đóngbảo hiểm mà còn rèn luyện và tự chăm lo cho sức khỏe của mình.

Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Việt Nam giống như nhiều nền kinh tế đang phát triển của APEC phải đối mặt với các vấn đề về tài chính y tế, như là chi tiêu tiền túi cho y tế cao, khu vực phi chính thức lớn, tiếp cận kém với dịch vụ y tế ở các vùng nông thôn, hệ thống tập trung vào bệnh viện, hiệu quả sử dụng các nguồn lực chăm sóc sức khoẻ thấp…

Các nguồn lực dường như tập trung nhiều vào các dịch vụ điều trị, trong khi không đủ để cung cấp cho các hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe và chăm sóc sức khỏe ban đầu có chi phí-hiệu quả. Việc kêu gọi bao phủ y tế toàn dân dựa trên nguyên tắc chăm sóc sức khỏe ban đầu đã khuyến khích đối thoại chính sách về cải cách tài chính y tế để xây dựng hệ thống y tế công bằng và hiệu quả hơn.

21106362_1450726591685182_2744459802547392394_n

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu định hướng cuộc họp ngày 23/8, ảnh M.Q

Việt Nam sẽ chuyển trọng tâm và các nguồn lực cho tuyến chăm sóc ban đầu để cung cấp cho người dân các dịch vụ y tế công cộng và thiết yếu có tính tiếp cận, an toàn, hiệu quả và trong khả năng chi trả, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Với chủ đề "Cải cách tài chính y tế vì sức khỏe cộng đồng hướng tới phát triển bền vững", cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế tập trung thảo luận 5 nội dung gồm: Khái niệm "đầu tư xã hội" – Đo lường lợi ích đầu tư cho y tế, cách tiếp cận trong thu thập dữ liệu để đo lường hiệu quả đầu tư công trong lĩnh vực y tế; Tạo các cơ chế tài chính y tế bổ sung trong khu vực APEC; Rà soát tình hình triển khai “Lộ trình vì một châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh đến năm 2020"; Kết quả các Đối thoại chính sách về: tăng cường sức khỏe người cao tuổi và phòng chống các bệnh không lây nhiễm; lao và lao đa kháng thuốc; hài hòa quy định về dược phẩm; Xác định những giải pháp, chính sách phù hợp để xây dựng tài chính y tế bền vững cho sức khỏe cộng đồng, tiến tới bao phủ sức khỏe toàn dân.

Sau phần khai mạc, Hội nghị bước vào các phiên họp chính thức, với 7 phiên thảo luận chính. Tại phiên toàn thể số 1, các nền kinh tế thành viên APEC đã cùng thảo luận và chia sẻ quan điểm về cải cách tài chính y tế nhằm xây dựng hệ thống y tế công bằng, hiệu lực, hiệu quả.

Tại phiên toàn thể số 2, các đại biểu thảo luận về các số đo được sử dụng để đo lường lợi tức đầy tư công trong y tế và các công cụ phát triển để cải thiện các phép đo đó.

Phiên toàn thể số 3 đã lắng nghe chia sẻ về các nghiên cứu điển hình về về cơ chế tạo nguồn tài chính bổ sung cả công và tư cho chăm sóc sức khoẻ và môi trường thể chế, chính sách để tạo điều kiện cho việc triển khai các sáng kiến này. Đáng chú ý là trình bày của Việt Nam về vấn đề tài chính cho bảo hiểm y tế toàn dân, trong đó nhấn mạnh sức khoẻ được coi vừa là phương tiện vừa là mục tiêu của sự phát triển. Đầu tư vào y tế là đầu tư vào phát triển kinh tế xã hội và vai trò của chính phủ trong việc bảo vệ sức khoẻ con người.

Chính phủ đã cam kết đạt được bao phủ y tế toàn dân và công nhận tài chính y tế là phương tiện quan trọng để đạt được mục tiêu đó. Trong vài thập kỷ gần đây, chính phủ đã đưa ra một số sáng kiến tài chính để huy động thêm nguồn tài chính công cho y tế. Tuy nhiên, thách thức là đảm bảo công bằng, hiệu quả trong việc sử dụng quỹ và chất lượng dịch vụ. Vì vậy, cần mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế cho tất cả dân cư (khoảng 20 triệu người vẫn ra khỏi hệ thống).

Vân Hà / PL&XH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động