Mong muốn ASCC tiếp tục đóng góp cụ thể hơn vào các kết quả lớn của Năm APEC 2017
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHơn 80 đại biểu đại diện các trung tâm nghiên cứu APEC, các trường đại học trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các viện nghiên cứu của Việt Nam cùng nhiều tổ chức quốc tế đã tham dự Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp APEC 2017 Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, đã nêu bật ý nghĩa của chủ đề và các ưu tiên hợp tác của Năm APEC 2017, đồng thời nhấn mạnh: "Kể từ khi thành lập năm 1993, Mạng lưới các Trung tâm Nghiên cứu APEC (ASCC) luôn đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu trong khu vực. Đặc biệt, các học giả trong khu vực luôn tiên phong khởi xướng các ý tưởng mới, góp phần định hướng tầm nhìn và mục tiêu của APEC. Trong vai trò chủ nhà APEC 2017, Việt Nam mong muốn ASCC sẽ tiếp tục đóng góp tích cực và cụ thể hơn vào các kết quả lớn của Năm APEC 2017, đặc biệt là vào việc định hình APEC hướng tới 2020 và tương lai".
Cũng tại phiên khai mạc, Ông Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, đã có bài phát biểu chào mừng các đại biểu đến tham dự Hội nghị, đề cao đóng góp thiết thực của 61 viện nghiên cứu thành viên của mạng lưới đối với hợp tác APEC, và bày tỏ mong muốn các thảo luận tại Hội nghị sẽ góp phần vào tăng trưởng bền vững, bao trùm và tự cường của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Các đại biểu tham dự tại một hội nghị
Sau phiên khai mạc, các đại biểu đã đi vào phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề "Khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Các xu thế mới, thách thức và triển vọng" nhằm làm rõ bối cảnh quốc tế và khu vực, các xu hướng mới của kinh tế khu vực và đánh giá tác động của chúng đối với APEC.
Đại diện Ban Thư ký APEC quốc tế, Ông Denis Hew, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC, đã trình bày báo cáo về các xu hướng ở khu vực, trong đó nêu rõ toàn cầu hóa và thương mại quốc tế đã đóng góp quan trọng vào việc tăng cường thịnh vượng và phúc lợi của nhân loại trong 50 năm qua.
Tuy nhiên, toàn cầu hóa không mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Do đó, cần có các chính sách điều chỉnh thương mại để bảo đảm hỗ trợ những người lao động, nhất là những đối tượng dễ bị tổn thương, bị ảnh hưởng bởi tiến trình tự do hóa thương mại.
Tiếp đó, các đại biểu đã nghe tham luận của các học giả đến từ Niu Di-lân, Xinh-ga-po, Nga và Mê-hi-cô về các vấn đề liên quan thương mại, đầu tư và tăng trưởng của khu vực.
Chiều cùng ngày, Hội nghị thảo luận về vai trò và sự năng động của APEC; thúc đẩy tăng trưởng tự cường, bền vững và bao trùm giữa các thành viên APEC; thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và sáng tạo công nghệ tại châu Á - Thái Bình Dương; và tăng cường liên kết kinh tế khu vực, hướng tới tương lai.
Hoa Đỗ / PL&XH
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại