Thứ hai 25/11/2024 14:57

Hơn 9 nghìn tỷ đồng trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như không có điều kiện thi hành án

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Quyền Cục trưởng Cục THADS TP Hồ Chí Minh Vũ Quốc Doanh đề nghị: “Tổng cục THADS cho ý kiến chỉ đạo trong trường hợp, cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an chưa chuyển giao giấy tờ bản án chính mà mới chỉ chuyển bản photo cho Cục THADS TP Hồ Chí Minh thì Cục có được xử lý tài sản tạm giữ của người phải thi hành án để thi hành án hay không hay phải chờ Bộ Công an chuyển giao toàn bộ bản chính giấy tờ thì mới xử lý?”

Chiều 11-3, Tổng cục Thi hành án dân sự ( Bộ Tư pháp) đã có buổi làm việc với 26 địa phương về tình hình thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ 5 tháng đầu năm 2016. Thông tin đáng chú ý được Quyền Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh Vũ Quốc Doanh cho biết tại buổi làm việc là hơn 9.000 tỷ đồng trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như không có khả năng thi hành án.

Theo ông Vũ Quốc Doanh: Tổng số tiền phải thi hành án trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như khoảng 14.000 tỷ đồng, bao gồm tiền án phí, tiền sung công quỹ nhà nước, tiền bồi thường cho các Ngân hàng, tổ chức, cá nhân. Nhưng trong số này, hơn 9.000 tỷ đồng hiện “không có khả năng thi hành án” do bị cáo Nguyễn Thị Lành bị Toà án tuyên phạt vì tội cho vay nặng lãi, phải nộp phạt số tiền thu nhập bất chính. Nhưng bị cáo này chỉ có một tài sản duy nhất là căn nhà, cơ quan điều tra đã kê biên nên khi xét xử Tòa án nhận định nên giải tỏa kê biên căn nhà này.

Số có điều kiện thi hành, hiện đã thu được hơn 3 tỷ tiền án phí, sung công quỹ nhà nước 165 tỷ, bồi thường cho một ngân hàng 15 tỷ đồng. Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã kê biên 22 loại tài sản nhà, đất. Theo ước tính của cơ quan thi hành án dân sự tổng số tiền có thể thu hồi được nếu phát mãi 22 bất động sản này là 500 tỷ đồng. Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an bàn giao các giấy tờ, tài liệu bản chính liên quan đến số tài sản nhà đất này.

Tuy nhiên do một phần bản án bị tuyên hủy nên toàn bộ các biên bản về việc kê biên, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng và bản chính các giấy tờ nhà, đất liên quan đến các tài sản mà tòa án đã duy trì kê biên, tạm giữ để đảm bảo thi hành án hoặc hoàn trả cho đương sự đã được TAND cấp cao tại TPHCM chuyển giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để điều tra lại.

Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra mới chỉ cung cấp cho Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh bản photo giấy tờ nhà, đất, chủ yếu là tài sản của Huỳnh Thị Huyền Như và Nguyễn Thiên Lý nên Cục THADS TP Hồ Chí Minh chưa thể thực hiện được việc xử lý tài sản.

Quyền Cục trưởng Cục THADS TP Hồ Chí Minh Vũ Quốc Doanh

Trên cơ sở đó, ông Doanh đề nghị: “Tổng cục THADS cho ý kiến chỉ đạo trong trường hợp, cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an chưa chuyển giao giấy tờ bản án chính mà mới chỉ chuyển bản photo cho Cục THADS TP Hồ Chí Minh thì Cục có được xử lý tài sản tạm giữ của người phải thi hành án để thi hành án hay không hay phải chờ Bộ Công an chuyển giao toàn bộ bản chính giấy tờ thì mới xử lý?”

Tại buổi làm việc, Phó Tổng Cục trưởng THADS Mai Lương Khôi cũng thông tin: công tác thi hành các vụ án lớn liên quan đến thu hồi tài sản cho Nhà nước kết quả còn rất thấp. Công tác chỉ đạo giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng chưa thực sự đạt hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu, hiện vẫn còn 33 vụ việc trọng điểm, 23 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Đặc biệt, 2 địa phương: Hà Nôi, TP Hồ Chí Minh có số lượng việc và tiền và thi hành chiếm tỷ lệ lớn so với toàn quốc (chiếm tới 16,38% số việc và gần ½ số tiền phải thi hành của toàn quốc, nhưng tỷ lệ phân loại án có điều kiện vẫn thấp hơn so với tỷ lệ chung của toàn quốc. Hà Nội tỷ lệ việc có điều kiện thấp hơn 13,18% ; TP. Hồ Chí Minh thấp hơn 11,46%.

Nguyên nhân là do trong số việc còn đang tổ chức thi hành có nhiều vụ việc có giá trị phải thi hành lớn, lên tới hàng nghìn tỷ, điển hình như vụ Vinashin, Vinalines, vụ Công ty đầu tư tài chính II (Vũ Quốc Hảo), vụ Ngân hàng phát triển Đắk Lắk (Vũ Việt Hùng), vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Huỳnh Thị Huyền Như... song đây đều là những vụ án kinh tế lớn liên quan đến nhiều đối tượng phải thi hành án, có tính chất phức tạp, khó thi hành, số tiền thi hành xong rất nhỏ so với tổng số tiền còn phải thi hành; quá trình thi hành án mất nhiều thời gian, gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xử lý số tiền bị phong tỏa tài khoản, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, nhiều tài sản là nhà xưởng, hệ thống thiết bị máy móc... rất khó bán, dù giảm giá nhiều lần nhưng không có người mua.

Thanh Hải

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động