Thứ sáu 08/11/2024 14:25

Diễn đàn Phụ nữ và kinh tế APEC 2017: Bàn giải pháp nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Diễn đàn Phụ nữ và kinh tế APEC 2017 lần thứ 7 sẽ được tổ chức tại thành phố Huế, Việt Nam từ ngày 26 đến ngày 29/9/2017 tới. Chủ đề chính của Diễn đàn lần này là “Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi”.

Đây là thông tin được được đưa ra tại buổi họp báo về Diễn đàn Phụ nữ và kinh tế APEC 2017 và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội 9 tháng năm 2017 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 20/9 tại Hà Nội.

Theo ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội), bình đẳng giới được các nhà lãnh đạo APEC coi là một vấn đề xuyên suốt trong mọi lĩnh vực và các diễn đàn của APEC. Từ năm 1996, APEC đã thành lập Mạng lưới các nhà lãnh đạo nữ - nhằm tập hợp các nữ lãnh đạo ở mọi lĩnh vực từ khu vực công và tư từ các nền kinh tế để cùng bàn thảo và đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ và đảm bảo vấn đề giới được thực hiện trong mọi lĩnh vực của APEC.

Hàng năm Diễn đàn Phụ nữ và kinh tế (WEF) được tổ chức với 3 hoạt động chính: Hội nghị đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế; Đối thoại công – tư về phụ nữ và kinh tế; Đối thoại chính sách cao cấp về phụ nữ và kinh tế (tương đương Hội nghị về Bộ trưởng). Năm 2017 là năm thứ 7 Diễn đàn được tổ chức.

“Chủ đề “Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi” được lựa chọn với mong muốn đóng góp vào nỗ lực chung của APEC, đồng thời tiếp tục triển khai các khuyến nghị của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC năm 2016 về hội nhập hiệu quả kinh tế, tài chính và xã hội, nâng cao quyền năng của phụ nữ cũng như tiếp cận bình đẳng của họ nền giao dục có chất lượng và các nguồn lực kinh tế. Đặc biệt, đóng góp vào thực hiện các ưu tiên của APEC 2017 vì thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm. Những nỗ lực này cũng góp phần thúc đẩy trách nhiệm của APEC với các vấn đề toàn cầu”, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Phạm Ngọc Tiến thông tin.

ba la

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan chủ trì họp báo

Theo chương trình, Diễn đàn phụ nữ và kinh tế trong APEC năm 2017 sẽ được tổ chức với 3 sự kiện chính: Hội nghị Đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế APEC lần thứ 2 diễn ra vào ngày 27/9/2017; Đối thoại công – tư về phụ nữ và kinh tế APEC vào ngày 28/9/2017; Đối thoại chính sách cao cấp về phụ nữ - kinh tế ngày 29/9/2017.

Ngoài các sự kiện chính nêu trên, Diễn đàn sẽ có 8 sự kiện bên lề, gồm: Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu về phụ nữ trong kinh doanh bao trùm; Hội thảo phụ nữ APEC vận dụng khoa học công nghệ và phát huy sức mạnh sáng tạo; Diễn đàn phụ nữ và giao thông vận tải APEC; Giải thưởng kinh doanh thành công trong APEC; Sự kiện ẩm thực- văn hóa- sản phẩm của doanh nghiệp xã hội; Đối thoại công – tư về Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao tỷ lệ lãnh đạo nữ trong APEC; Hội thảo nữ doanh nhân APEC và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sau khi kết thúc Hội nghị Đội thoại chính sách cao cấp về phụ nữ và kinh tế, tổ chức họp báo trao đổi thông tin với báo chí.

Theo đại diện lãnh đạo Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội), với sự tham gia của khoảng hơn 500 đại biểu ở các sự kiện là đại biểu đại diện khu vực công và tư, các CEO, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến từ 21 nền kinh tế APEC, Diễn đàn sẽ góp phần làm cho mối quan hệ đối tác giữa Chính phủ và khu vực tư nhân ngày càng khăng khít hơn.

Khu vực tư nhân ngày càng có cơ hội được bày tỏ, chia sẻ về những khó khăn, thách thức, đề xuất nhu cầu, nguyện vọng lên Chính phủ. Đồng thời đây cũng là dịp để Chính phủ của các nền kinh tế APEC được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chung của khu vực tư nhân, cùng với khu vực tư nhân bàn cách tháo gỡ, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ

Mong muốn kết thúc Diễn đàn, Tuyên bố Bộ trưởng về Phụ nữ và Kinh tế sẽ được thông qua. Tuyên bố chung sẽ đưa ra những khuyến nghị chính sách cho 21 nền kinh tế thành viên APEC về 3 nội dung ưu tiên lớn của năm 2017 với những nội dung trọng tâm là: Thúc đẩy bình đẳng giới vì tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; Thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực. Bản Tuyên bố này sẽ được trình lên các nhà lãnh đạo APEC tại Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.

Nguyên An / PL&XH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động