Thứ hai 25/11/2024 22:01

APEC là "nền tảng tốt nhất để thảo luận về các FTA và RTA"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH)-Ngày 27/8 diễn ra “Đối thoại của APEC về các hiệp định thương mại khu vực và hiệp định thương mại tự do (RTAs/FTAs) trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”...

HOA

Đây là sự kiện quan trọng ở cấp Quan chức cao cấp APEC (SOM) để các thành viên chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm trong đàm phán, ký kết và thực thi các RTAs/FTAs tại châu Á - Thái Bình Dương.

Tham dự Đối thoại có hơn 150 đại biểu, bao gồm các trưởng SOM APEC, các Quan sát viên chính thức của APEC, các diễn giả, đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC và Việt Nam, giới học giả và đại diện cộng đồng doanh nghiệp. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn đã tham dự và khai mạc Đối thoại.

Tại phát biểu khai mạc, Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn khẳng định APEC là "nền tảng tốt nhất để thảo luận về các FTA và RTA". Hiện nay, các thành viên APEC tham gia tổng cộng 165 FTA và RTA, trong đó có 62 hiệp định là giữa các thành viên APEC. Chủ tịch SOM cũng nhấn mạnh những lợi ích từ RTA và FTA đóng vai trò rất quan trọng trong tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế cũng như thương mại và đầu tư trong khu vực.

APEC đang phấn đấu hoàn thành các Mục tiêu Bô-go về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 cũng như triển khai các bước chuẩn bị hướng tới thành lập Khu vực thương mại tự do toàn châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).

Ý tưởng hình thành FTAAP lần đầu tiên được các nhà Lãnh đạo APEC đề cập chính thức tại Tuyên bố Hà Nội năm 2006. Đến năm 2010, tại Nhật Bản, APEC đã đề ra “Lộ trình hướng tới FTAAP”, trong đó nêu rõ, các nền kinh tế thành viên APEC sẽ hướng tới một hiệp định tự do thương mại toàn diện trong khu vực, dựa trên các hiệp định RTA và FTA hiện hành hoặc đang trong tiến trình đàm phán như ASEAN+3, ASEAN+6 và TPP.

Tiếp đến, tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 24 tháng 11 năm 2016, các nhà Lãnh đạo APEC đã thông qua Nghiên cứu chiến lược chung về FTAAP và Tuyên bố Li-ma về FTAAP, trong đó giao các Bộ trưởng và SOM tiếp tục nghiên cứu đóng góp của các FTAs trong khu vực đối với việc hình thành FTAAP, nhấn mạnh APEC cần tiếp tục vai trò “ươm mầm” và củng cố các sáng kiến hỗ trợ việc hình thành FTAAP trong tương lai, trong đó chú trọng quá trình xây dựng năng lực cho các thành viên đang phát triển.

Trên thực tế, các FTAs mang lại nhiều lợi ích to lớn về tăng trưởng kinh tế, tiếp cận thị trường, thu hút FDI, tác động cải cách thể chế, luật lệ trong nước. Song trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu hiện nay, dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể tranh thủ tối ưu các lợi ích kinh tế - xã hội của các FTAs, đồng thời giảm thiểu những tác động bất lợi từ chi phí điều chỉnh, sự bất bình đẳng thu nhập gia tăng...

Hơn nữa, với sự đa dạng về kinh tế, chính trị và bối cảnh phát triển khác nhau trong khu vực, việc APEC tiến hành chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và thảo luận chính sách về đàm phán và ký kết RTAs/FTAs là hết sức hữu ích, thực tế và cần thiết để cùng nhau phát triển kinh tế, ổn định xã hội và chia sẻ thịnh vượng chung trong toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Với ý nghĩa đó, buổi Đối thoại đã đạt được những kết quả tích cực, thiết thực nhằm hiện thực hóa các ý kiến các thảo luận thành hiện thực chính sách trong thời gian tới.

Hoa Đỗ / PL&XH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động