Thứ sáu 26/04/2024 12:43

Xuân về trên làng quất cảnh Tứ Liên

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những ngày này, tại làng quất Tứ Liên (Tây Hồ - Hà Nội) những vườn quất bình rực đỏ, các chủ vườn tất bật cung cấp ra thị trường những cây quất cảnh đẹp nhất. Nhìn những chiếc xe lớn nhỏ chở quất từ làng đi ra, những người khách khắp nơi tới xem và chọn mua quất, mới cảm nhận được sự rộn ràng, nhộn nhịp của phong vị Tết đã gõ cửa.

Tự hào về truyền thống của làng Tứ Liên

Tứ Liên trước kia còn gọi là Tứ Tổng. Lịch sử có ghi lại từ thời nhà Trần, nhà Lê, nhà Nguyễn, đây là nơi sinh sống, canh tác của bốn làng: Nội Châu, Ngoại Châu, Vạn Ngọc, Ngọc Xuyên nên tên gọi Tứ Tổng và tên Tứ Liên từ đó mà ra. Dân làng Tứ Liên tự hào về truyền thống của làng, truyền thống ấy hun đúc tạo nên tính cách con người nơi đây dũng cảm, chịu thương, chịu khó, sáng tạo duy trì và phát triển nghề truyền thống. Tháng 2-1947, làng Tứ Tổng là nơi đưa Trung đoàn Thủ đô qua sông Hồng trong cuộc rút quân huyền thoại. Sau ngày 17-2-1947, người dân nơi đây dùng thuyền nan đưa Trung đoàn Thủ đô vượt sông an toàn, thực dân Pháp đã phá đình, đốt nhà, khủng bố dã man, làng xóm xơ xác, tiêu điều. Bãi sậy, nương dâu tan hoang năm xưa nay đã bát ngát sắc hồng quất cảnh, loại cây cao quý không thể thiếu đối với người dân Hà Nội mỗi khi Tết đến xuân về.

Hiện nay, với người dân làng Tứ Liên, trồng quất không chỉ là nghề chơi lắm công phu mà còn là chỗ dựa kinh tế và là nguồn thu nhập chính nuôi sống nhiều gia đình. Trước năm 2001, người dân làng nghề trồng cây quất cảnh truyền thống dưới đất, cây quất cảnh phù hợp với thổ nhưỡng cây phát triển xanh tốt quả chín vàng bóng sáng đẹp, người chơi cây được bền lâu vẫn có giá trị như ban đầu từ đó quất cảnh Tứ Liên nổi tiếng trên đất Hà thành và các tỉnh bạn. Năm 2013, cây quất cảnh Tứ Liên đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng chứng nhận “Nhãn hiệu Quất cảnh Tứ Liên” kể từ đó cây quất cảnh Tứ Liên ngày càng được duy trì và phát triển.

Xuân về trên làng quất cảnh Tứ Liên
Đến làng quất Tứ Liên vào dịp này, mọi người sẽ bị thu hút bởi không gian sặc sỡ của những cây quất đến độ chín cũng như những cây quất bonsai dáng đẹp

Quất bonsai có giá trị cao về kinh tế

Những năm gần đây do nhu cầu của thị trường tiêu thụ cây quất cảnh để trang trí trưng bày trong những ngày Tết, làng nghề quất Tứ Liên đã không ngừng sáng tạo làm ra những sản phẩm cây quất bonsai, có giá trị cao cả về nghệ thuật và kinh tế. Bên cạnh thú chơi quất bonsai trồng trên lưng linh vật thì thú chơi quất trồng trên bình, chậu gốm cũng được nhiều người yêu thích lựa chọn. Cách chơi cây cảnh này có ưu điểm nhỏ gọn, dễ dàng vận chuyển, phù hợp với nhiều hộ gia đình sống tại thành thị, bởi vậy được nhiều người chơi ưa thích.

Có nhiều năm theo đuổi dòng quất bonsai nghệ thuật, nghệ nhân Bùi Thế Mạnh chia sẻ, khác với việc trồng quất trong đất vườn, những cây quất trồng trong bình phải mất khoảng 2 năm kỳ công chăm sóc. Để có những bình quất đẹp, người làm phải trồng quất bonsai từ khi cây còn nhỏ. Sau đó, quất được tỉa, uốn nắn tạo thành các dáng cây thế khác nhau. Quất trồng chậu làm bonsai phải chăm sóc kỳ công, kiên nhẫn uốn từng cành. Cây quất lọ bonsai nghệ thuật phải là cây có dáng đẹp, lá xanh, lộc hoa, quả vàng, quả ương, quả xanh, quả non, còn gọi là Tứ Quý.

Chủ tịch Hội Làng nghề phường Tứ Liên cho biết, với địa hình gần sông Hồng, quất Tứ Liên luôn đạt tiêu chuẩn, lá xanh, quả xanh, có lộc, có hoa. Gần đây, chính quyền địa phương đã hỗ trợ thiết kế logo, hỗ trợ vay vốn, tổ chức giới thiệu sản phẩm, giá trị cây quất được nâng tầm, từ đó thu nhập của người dân cũng dần được nâng cao. Đại diện UBND phường Tứ Liên cho biết, làng nghề truyền thống trồng quất Tứ Liên những năm gần đây có sự chuyển dịch mạnh mẽ về tư duy sản phẩm. Nếu trước đây, người dân trồng quất ngoài đất bãi với những cây cao, to thì hiện tại chuyển sang xu hướng làm cây nhỏ nhưng theo hướng bonsai nghệ thuật. Quất bonsai nghệ thuật cũng giúp người trồng quất có thu nhập cao hơn khi giá bán hoặc cho thuê mỗi cây đẹp có thể lên tới vài triệu đến hàng chục triệu đồng.

Hút khách những ngày Tết

Việc phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả của đất nước khiến người dân yên tâm, phấn khởi chuẩn bị đón Tết, trong đó thị trường quất cũng rất nhộn nhịp, hút khách. Thời điểm càng gần Tết Nhâm Dần, trên những nẻo đường dẫn về làng quất Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) lại nhộn nhịp bởi dòng người khắp nơi đổ về đây tìm mua những cây quất ưng ý mang lại nhiều may mắn, tài lộc. Bên cạnh kinh doanh, một số nhà vườn còn đầu tư tiểu cảnh sân vườn, vừa để trưng bày quất cảnh, vừa để đón khách tới tham quan, chụp ảnh miễn phí, tạo nên một không gian thưởng quất thú vị cho người dân.

Mặc dù bị tác động của dịch Covid-19, nhưng theo các nhà vườn giá quất năm nay nhìn chung cũng không có sự biến động nhiều. Giá quất bonsai có giá vô cùng đa dạng, từ 1 triệu đến vài triệu, tùy thuộc kích cỡ. Tuy nhiên, có những cây thế độc lạ, giá trên chục triệu thậm chí vài chục triệu vẫn hút khách. Cùng với niềm vui đất nước thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, nhà nhà đón Xuân yên vui, thị trường quất được dự báo sẽ còn tăng mạnh sau ngày Rằm tháng Chạp.

Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động