Xử lý việc không chấp hành việc thu hồi và giao nộp phù hiệu, biển hiệu: Không có “vùng cấm”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kiểm tra xe khách trước khi xuất bến. Ảnh:Khánh Huy |
Vượt tốc độc hàng nghìn lần/tháng
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa có văn bản gửi CA và Sở GTVT các tỉnh/TP phối hợp thực hiện việc kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm thông qua hệ thống giám sát hành trình (GSHT). Văn bản của Sở GTVT Hà Nội cho hay, thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội và hướng dẫn của Cục Đường bộ Việt Nam về khai thác, sử dụng dữ liệu từ hệ thống giám sát hành trình trong đó khai thác và xử lý các vi phạm về thời gian làm việc của lái xe, truyền dữ liệu giám sát hành trình, vi phạm tốc độ.
Qua theo dõi, trên địa bàn TP còn tồn tại một số đơn vị kinh doanh vận tải chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định về quy trình đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt là bộ phận quản lý và theo dõi an toàn giao thông của các đơn vị vận tải dẫn đến tình trạng vi phạm về thời gian làm việc của lái xe, truyền dữ liệu giám sát hành trình, vi phạm tốc độ.
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, Sở GTVT TP Hà Nội đã ban hành 10 văn bản để chấn chỉnh, thu hồi phù hiệu, biển hiệu của các đơn vị kinh doanh vận tải theo quy định. Tuy nhiên, chỉ có một số đơn vị vận tải chấp hành việc thu hồi và giao nộp phù hiệu, biển hiệu của các xe đã bị xử lý vi phạm về Sở GTVT Hà Nội, một số đơn vị vận tải chưa chấp hành việc thu hồi và giao nộp phù hiệu, biển hiệu theo quy định.
Trước đó, tháng 7/2023, Sở GTVT Hà Nội đã ra quyết định thu hồi phù hiệu 750 phương tiện của các DN vận tải do chạy quá tốc độ. Đơn cử như: HTX Vận tải Đại Lâm có phương tiện vi phạm tới 7.216 lần, HTX DV VT xe Đại Nam 7.182 lần, HTX Vận tải xe Đô Thành 5.797 lần, HTX Vận tải xe Hồng Hà 3.906 lần, HTX dịch vụ Thiên Trường 2197 lần.
Tương tự trong tháng 5 và 6 xe của HTX Dịch vụ Vận tải Trường Hải có trường hợp đi quá tốc độ tới 1.457 lần/tháng. HTX ô tô Trường Hải cũng có xe vượt quá tốc độ cho phép 1.253 lần/tháng. Đây không phải lần đầu những đơn vị này có nhiều phương tiện vi phạm tốc độ đến vậy. Cao nhất là xe đầu kéo BKS 37H - 040.56 vi phạm tốc độ 1.517 lần trong tháng 5, 1.253 lần trong tháng 6. Hay như xe đầu kéo BKS 37C - 351.29, mỗi tháng đều đi vượt quá tốc độ hơn 1.000 lần.
Kiên quyết xử lý xe vi phạm
Để tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp, giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tính mạng cho người dân sử dụng dịch vụ vận tải, Sở GTVT Hà Nội đề nghị CA và Sở GTVT các tỉnh/TP, Sở GTVT-Xây dựng tỉnh Lào Cai phối hợp và chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường thực hiện xử lý đối với các trường hợp vi phạm (vi phạm về thời gian làm việc của lái xe, truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, vi phạm tốc độ, không chấp hành quyết định về thu hồi phù hiệu, biển hiệu của các đơn vị kinh doanh vận tải nêu trên) theo quy định, gửi kết quả xử lý vi phạm về Sở GTVT Hà Nội (qua Phòng Quản lý vận tải) để phối hợp quản lý.
Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn TP nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật hiện hành. Đặc biệt, tập trung công tác đôn đốc quản lý lái xe, bộ phận an toàn giao thông thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm được giao theo quy định của pháp luật, chấp hành các quyết định về thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với xe ô tô đã bị xử lý vi phạm.
Thanh tra Sở GTVT Hà Nội chủ trì, phối hợp với Phòng Quản lý vận tải kiểm tra, xử phạt nghiêm các vi phạm (nếu có) của các đơn vị kinh doanh vận tải đối với hành vi không chấp hành quyết định về thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm tốc độ, vi phạm thời gian làm việc của lái xe, không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình của Sở GTVT Hà Nội...
Phòng Quản lý vận tải tạm thời chưa giải quyết cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu đối với đơn vị kinh doanh vận tải: vi phạm quy định bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu mà không chấp hành quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu; vi phạm về truyền dữ liệu, tốc độ, thời gian làm việc của lái xe mà không thực hiện chấn chỉnh và không gửi báo cáo về việc chấn chỉnh bộ phận theo dõi an toàn giao thông… cho đến khi đơn vị chấp hành đầy đủ các quy định về hoạt động kinh doanh vận tải và các nội dung chỉ đạo của Sở GTVT Hà Nội.
Trước ngày 25 hàng tháng các đơn vị tổng hợp, báo cáo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội kết quả xử lý vi phạm (đối với từng hành vi vi phạm: truyền dữ liệu; thời gian làm việc; không chấp hành quyết định cơ quan quản lý Nhà nước) và các phát sinh có liên quan. Trước đó, Bộ GTVT đã lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.
Trong đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 47/2022/NĐ-CP ngày 19/7/2022).
Theo đó, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu. Cụ thể, đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu một trong các trường hợp sau đây: thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với tất cả phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải khi đơn vị kinh doanh vận tải bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải;
Các đơn vị thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm đối với trường hợp khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của mỗi phương tiện trong 1 tháng có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1000 km xe chạy trở lên hoặc trong một ngày có từ 3 lần vi phạm tốc độ trở lên (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ dưới 5 km/h); thu hồi phù hiệu của các xe ô tô kinh doanh vận tải theo tuyến cố định khi DN, HTX không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến trong thời gian 60 ngày liên tục; thu hồi phù hiệu, biển hiệu khi đơn vị kinh doanh vận tải không có nhu cầu sử dụng phương tiện để kinh doanh vận tải; thu hồi phù hiệu, biển hiệu theo quy định tại điểm d khoản 7 Điều 19, khoản 10 Điều 20 của Nghị định này.
Điểm d khoản 7 Điều 19, Nghị định Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định, khi cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh ban hành quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh thì đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại Giấy phép kinh doanh và phù hiệu, biển hiệu cho cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh đồng thời dừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh vận tải theo quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh ngay sau khi quyết định có hiệu lực. |
Hà Nội: Thu hồi phù hiệu hơn 1.500 phương tiện vận tải vi phạm tốc độ | |
Hà Nội thu hồi phù hiệu 11 xe khách do không vào bến xe hoạt động | |
Cần có chế tài nặng hơn đối với các nhà xe vi phạm nhiều lần |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại